Chuyển đất trồng cây thành đất ở có tính hạn mức?
(Xây dựng) - Gia đình bà Lường Thị Phương Trang (Sơn La) có 3 thế hệ (ông, bà, bố, mẹ, con, cháu) sống chung. Năm 1999, ông nội của bà Trang được UBND huyện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng 7.720m2 đất (ghi cấp cho hộ gia đình), trong đó, đất ở tại nông thôn 400m2, đất trồng cây lâu năm 3.900m2, đất lúa 3.420m2.
Chuyển đất trồng cây thành đất ở có tính hạn mức? |
Năm 2023, bà Trang nhận chuyển nhượng thửa đất trồng cây lâu năm diện tích 320m2. Thửa đất trên là tài sản riêng bố mẹ bà mua cho bà và đứng tên cá nhân bà Trang. Sau đó bà xin chuyển mục đích sử dụng 270m2 sang đất ở tại nông thôn (hạn mức giao đất ở tại địa phương bà là 300m2). Nay Văn phòng Đăng ký đất đai xác định diện tích bà xin chuyển mục đích là vượt hạn mức.
Bà Trang hỏi, việc xác định bà vượt hạn mức đất ở có đúng hay không trong khi bà chưa được cấp Giấy chứng quyền sử dụng đất lần nào, chưa thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất lần nào?
Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời vấn đề này như sau:
Theo nội dung kiến nghị của bà thì chưa rõ phần diện tích đất trồng cây lâu năm nhận chuyển nhượng năm 2023 đã được cấp Giấy chứng nhận chưa, vì vậy Bộ Tài nguyên và Môi trường không có đủ cơ sở để trả lời cụ thể. Bộ Tài nguyên và Môi trường có ý kiến chung như sau:
Trường hợp diện tích đất trồng cây lâu năm đã được cấp Giấy chứng nhận thì thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định tại Điều 69 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai, theo đó cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ; xác minh thực địa, thẩm định nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất; hướng dẫn người sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật; trình UBND cấp có thẩm quyền quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; chỉ đạo cập nhật, chỉnh lý cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính.
Bộ Tài nguyên và Môi trường thông tin đến bà được biết và nghiên cứu, thực hiện.
Khánh Diệp
Theo