Đáo hạn trái phiếu, làm sao để không triệt tiêu sức sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp?
Càng về cuối năm 2022, câu chuyện đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) càng “nóng” và đã có tác động mạnh đến thị trường tài chính. Trong bối cảnh, hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị sụt giảm, việc cân đối dòng tiền khó khăn, để xử lý khối lượng nợ lớn này không phải là điều dễ dàng.
Hạn chế tín dụng vẫn đang “làm khó” thị trường bất động sản
Siết tín dụng bất động sản, người mua nhà bị vạ lây
Ngân hàng siết tín dụng: Doanh nghiệp địa ốc vào “cuộc chơi” mới
Nhằm góp phần tìm hiểu về thực trạng giải quyết dư nợ trái phiếu và làm sao việc giải quyết dư nợ này không triệt tiêu sức sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp phát hành (DNPT), Báo Kinh tế & Đô Thị đã có buổi trao đổi với ông Nguyễn Sơn Tùng - Luật sư Điều hành của Công ty Luật Legal United Law - người đã tham gia cùng vào việc giải quyết và xử lý trái phiếu cho một số các doanh nghiệp phát hành (DNPH) trong nhiều năm vừa qua.
Luật sư Nguyễn Sơn Tùng - Luật sư Điều hành của Công ty Luật Legal United Law
Theo ghi nhận, cuối năm 2022 là giai đoạn có quy mô đáo hạn TPDN khá lớn, theo luật sư, điều này có trở thành “phép thử” đáng kể cho năng lực trả nợ của DNPH trong bối cảnh nền kinh tế bị "siết" tín dụng hay không?
Chỉ tính riêng tổng giá trị TPDN riêng lẻ trong toàn thị trường đến chu kỳ đáo hạn trong Quý IV/2022 đã lên con số gần 60.000 tỷ đồng, tăng 67,7% so với cùng kỳ, chưa kể các trái phiếu đã đến hạn trước đây nhưng DNPH chưa thể và chưa có khả năng thanh toán được còn tồn đọng. Ngoài ra trong năm 2023 hay 2024 sắp tới, theo VCBS khối lượng giá trị TPDN cần đáo hạn ở mức khoản 790.000 tỷ đồng.
Trong thực tế vận hành của thị trường tài chính, càng về cuối năm, đặc biệt là vào cuối tháng 11 và tháng 12, các áp lực liên quan đến thanh khoản sẽ càng gia tăng. Với dự báo này, thanh khoản thị trường trái phiếu nói chung sẽ càng cô đọng về mức thấp.
Không chỉ dừng lại ở hai từ “phép thử”, rõ ràng với các khoản trái phiếu đã đến hạn hay đang và sẽ đến hạn trong Quý IV này và đối với một số DNPH trái phiếu rơi vào kỳ hạn này, chúng đặt ra hàng loạt các vấn đề về uy tín, khả năng trả nợ, năng lực tài chính kể cả khả năng về sự tồn tại mang tính sống còn của DNPH.
Thưa ông, thế đâu là thực trạng chính của việc giải quyết dư nợ TPDN?
Những chỉ số về số nợ, dư nợ, lãi xuất, nguồn tài chính trả nợ trong hiện tại và khả năng trả nợ trong tương lai là những chỉ số cơ bản trong thị trường trái phiếu. Ngoài ra thị trường trái phiếu Việt Nam hiện đang phải đối diện và được đo lường bởi chỉ số niềm tin lẫn yếu tố khác của thị trường chứng khoán nói chung.
Dư nợ trái phiếu mà cụ thể là dư nợ trong từng nhóm ngành, hiện nay các nhà phân tích chia dư nợ ra theo các nhóm, ví như dư nợ nhóm ngành bất động sản, nhóm ngành Tài chính- Ngân hàng, nhóm ngành Sản suất và nhóm ngành khác. Chi tiết hơn nữa thì dư nợ trái phiếu sẽ được tính theo từng khoản nợ của từng DNPH.
Nhìn chung, với dư nợ trái phiếu, dù là của từng DNPH hay theo nhóm ngành thì hiện nay dư nợ theo thời gian đang tăng dần lên theo cấp số nhân, điều này phản ánh số nợ trái phiếu thực tế đã được thanh toán là khá thấp so với số dư nợ đang và sẽ phát sinh.
Thực trạng chính của giải quyết dư nợ trái phiếu, hiện nay đang là bài toán khó và hóc búa của toàn thị trường nói chung. Các giải pháp nhằm giải quyết dư nợ, theo tôi từ Chính phủ, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán đến các DNPH về mặt vĩ mô hay vi mô thì đều biết cả nhưng biện pháp và công cụ khả dĩ trong thực tế có hay không và hiệu quả đến đâu để giải quyết thực trạng này và làm sao kéo dư nợ TPDN giảm xuống, đấy mới là điều quan trọng.
Kéo giảm dư nợ trái phiếu nhưng cần duy trì và đảm bảo thị trường TPDN phát triển bền vững và ổn định trong tương lai dài hạn, thật sự hiện nay thị trường rất cần các giải pháp mang tính đồng bộ và tổng thể, kể cả sự chung tay và chia sẻ tích cực từ phía các trái chủ.
Bên trên ông có đề cập đến ý kiến về cần sự chung ta và chia sẻ của các trái chủ, tại sao phải cần điều này, xin ông hãy chia sẻ thêm?
Trái chủ chính là chủ nợ của các DNPH, nếu nói rộng hơn trái chủ chính là chủ nợ của thị trường trái phiếu và ngoại trừ các trái chủ là tổ chức, cá nhân trong nước, trái chủ còn là các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường trái phiếu Việt Nam.
Trong việc cùng bài toán tổng thể về xử lý nợ này, nếu như tất cả các trái chủ cứ khăng khăng và đưa ra yêu cầu: đến hạn thì DNPH phải thanh toán đủ nợ gốc cộng tiền lãi cho TPDN mà họ nắm giữ hay không đồng ý gia hạn nợ trái phiếu hoặc không đồng thuận với các phương án về xử lý nợ trái phiếu trước hạn hay chuyển đổi trái phiếu hoặc các biện pháp khả dĩ mà DNPH họ đề xuất… nói chung nếu các trái chủ quyết yêu cầu phải thanh toán thì rất dễ đi vào bế tắc cho chính DNPH lẫn chính các trái chủ.
Thị trường trầm lắng, cùng với việc tiếp cận vốn tín dụng mới hay phát hành trái phiếu để đảo nợ gặp khó khăn thì con số nợ "khủng" sắp phải đáo hạn là những gì doanh nghiệp bất động sản phải đối mặt...Ảnh minh hoạ
DNPH hơn ai hết họ biết rõ họ đang có điều kiện gì, công cụ gì và khả năng như thế nào để giải quyết nợ trái phiếu, các trái chủ hay cơ quan quản lý Nhà nước, thật sự cũng cần lắng nghe họ.
Nói nôm na vì họ là chủ nợ nên việc giải quyết nợ trái phiếu, cần phải lấy ý kiến trái chủ, ví như pháp luật có quy định trường hợp DNPH muốn thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu thì cần phải có sự chấp thuận của những người sở hữu từ 65% tổng số trái phiếu cùng loại đang lưu hành trở lên.
Tôi hay nói vui với các DNPH, việc phát sinh các khoản nợ tại một hay hai ngân hàng mà chưa có phương án tài chính xử lý rõ ràng thì đã đủ nhức đầu rồi, đàng này DNPH lại đang phát sinh đến hàng cả vài ngàn chủ nợ khác nhau, chủ nợ vừa là tổ chức vừa là cá nhân thì riêng việc tìm nói chung trong việc giải quyết, xử lý trái phiếu không hề đơn giản chút nào.
Trước sức ép đến hạn của hàng chục ngàn tỷ đồng TPDN trong năm nay và hàng trăm ngàn tỷ đồng trong 2 năm tới. Theo ông, tiền đâu để DNPT trả nợ?
Đúng, tiền đâu để DNPH trả nợ, ấy là mấu chốt căn bản và là câu hỏi chính của toàn thị trường TPDN hiện nay, kể cả thị trường sơ cấp lẫn thứ cấp và cũng là mối bận tâm, lo lắng chính của tất cả các DNPH lẫn các cơ quan ban hành chính sách và quản lý Nhà nước chuyên ngành.
Để trực tiếp giải quyết câu chuyện lấy tiền ở đâu ra, nhiều DNPH trong nỗ lực của mình đã từng bước áp dụng tổng thể các biện pháp nhằm có được nguồn và dòng tiền như: huy động vốn qua các kênh huy động khác, phát hành thêm trái phiếu, ưu tiên đẩy mạnh tập trung vào các khoản thu trong ngắn hạn từ các nguồn thu khác và thậm chí bán đi các tài sản với giá rẻ hơn cả từ 20% – 35% so với giá thị trường để tạo nguồn thu trả nợ trái phiếu.
Theo số liệu của VBMA (Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam), trong 9 tháng đầu năm 2022 có 142.200 tỷ đồng trái phiếu được các DNPH mua lại và đây cũng là con số đáng ghi nhận của thị trường.
Với các DNPH là doanh nghiệp sản xuất hay doanh nghiệp thuộc nhóm ngành Tài chính - Ngân hàng hoặc các doanh nghiệp hoạt động đa ngành nghề, họ có khả năng và cơ hội tốt hơn từ các nguồn thu khác và họ không dựa hoàn toàn vào bất động sản nên trong việc mua lại hay tất toán các khoản nợ trái phiếu, họ có điều kiện tốt hơn ví như Tập đoàn Gelex, Ngân hàng OCB, Chứng khoán Kỹ Thương, Cơ điện lạnh REE, Công ty Yamagata, An Phát Finance... là những doanh nghiệp mà trong 9 tháng vừa qua tham gia khá hiệu quả trong hoạt động mua lại.
Với trái phiếu mà các DNPH là doanh nghiệp hoạt động kinh doanh và đầu tư bất động sản đơn thuần, khi thị trường gần như “đóng băng” và gặp nhiều khó khăn trong suốt từ năm 2020 đến nay, đương nhiên với con số giá trị trái phiếu bất động sản cần đáo hạn là hơn 20.000 tỷ đồng tính trong Quý IV năm nay thì rõ ràng là một sự áp lực lớn trong khi tính thanh khoản chung của thị trường này đang xuống khá thấp.
Vậy làm sao vừa giải quyết được dư nợ trái phiếu vừa không triệt tiêu sức sản xuất, kinh doanh của các DNPH?
Câu hỏi này rất hay và thật sự cũng là nỗi trăn trở không chỉ của những người như tôi khi tham gia giải quyết các tranh chấp liên quan đến thanh toán nợ trái phiếu mà còn là nỗi niềm sâu lắng của rất nhiều các DNPH.
Hầu hết các DNPH với các trái phiếu đã đến hay sắp đến hạn, khi trao đổi tôi đều nghe họ tâm sự: “nợ thì phải trả rồi nhưng giá như các trái chủ thư thả cho việc mua lại, tất toán trái phiếu một chút”. Đấy là nỗi niềm của nhiều DNPH phản ánh tình trạng căng thẳng và gay gắt trong vấn đề thanh toán nợ trái phiếu hiện nay, kể cả những khoản nợ chưa đến hạn.
DNPH trước hết họ cần phải sống hay tồn tại được cái đã, nhất là với nhóm trái phiếu bất động sản đang rất khó khăn hiện nay. Trong khi họ không thể tiếp cận được với nguồn tín dụng từ các ngân hàng, họ cần phải có tiền, kể cả sử dụng tiền dự phòng rủi ro để nuôi, duy trì bộ máy và nếu những doanh nghiệp này có dư chút ít thì đầu tư vào việc duy trì cho dự án mà trước đây dùng để huy động vốn từ trái phiếu. Theo quan sát cá nhân, tôi nhận thấy từ đầu năm 2022 trở lại đây có nhiều các DNPH trái phiếu bất động sản, dòng tiền của họ đang dần chảy về âm (-0).
Trong khi họ chờ đợi các gói vay và giải ngân từ ngân hàng, có thể chúng sẽ đến dễ dàng hơn vào Quý I/2023, tình trạng tài chính của họ trong hiện tại là không đủ mua lại, tất toán các khoản nợ trước đây nên việc trái chủ hay các cơ quan quản lý Nhà nước yêu cầu DNPH phải mua lại trước hạn, không cho họ gia hạn hay không chấp nhận việc họ chỉ trả được phần lãi và cho nợ phần gốc… thì thật sự các DNPH này vào thế rất khó khăn và nếu cứ tiếp tục đòi hỏi như vậy thì cũng rất khó thành công.
Trước đây, việc các DNPH họ đã không có tiền thì mới đi huy động vốn qua kênh trái phiếu, trong khi dòng tiền từ huy động trái phiếu chưa quay về kịp và Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại thì thắt chặt tín dụng trong thời gian dài. DNPH, họ lấy đâu ra số tiền lớn mà mua lại trong khi sản phẩm bất động sản thì không thể giao dịch được bởi nhiều lý do. Với câu chuyện thúc ép trả nợ hay mua lại TPDN trước hạn này, tôi ví von vui “việc làm này chẳng khác nào sai con trẻ đi mua sơn hào hải vị về nhậu mà không đưa nó đồng nào. Nó sẽ xách cái túi ni lông về tay không hay cùng lắm chỉ xách về được dăm ba gói mì tôm là cùng”.
Tôi cho rằng, đã đến lúc Chính phủ cần có các chính sách, biện pháp cụ thể nhằm vừa giải quyết được dư nợ trái phiếu vừa không triệt tiêu sức sản xuất, kinh doanh của các DNPH. Giải quyết hài hòa được hai vế này thì có mới có thể góp phần và tạo đà cho thị trường trái phiếu phát triển bền vững, ổn định hơn trong tương lai.
Xin cảm ơn luật sư về cuộc trò chuyện này!