Đẩy mạnh cải cách thể chế và hoàn thiện chính sách về đất đai
(Xây dựng) - Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế - Xã hội 2022 đã diễn ra phiên Hội thảo chuyên đề “Đẩy mạnh cải cách thể chế - Hoàn thiện chính sách về đất đai, giải pháp quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh và Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong chủ trì Hội thảo.
Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong phát biểu tại Hội thảo. |
Cải cách thể chế chính sách là ưu tiên hàng đầu
Tại Hội thảo chuyên đề 1, các đại biểu nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày chuyên đề “Nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật - Giải pháp quan trọng trong cải cách thể chế”; GS.TS Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân trình bày tham luận “Tác động của chính sách đất đai đến thị trường bất động sản - Giải quyết bất cập trong đấu giá đất”; GS. TSKH Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trình bày tham luận “Hoàn thiện chính sách đất đai để phù hợp với ngữ cảnh mới”.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, đối với Việt Nam, cải cách và hoàn thiện thể chế luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, chú trọng trong quá trình đổi mới đất nước. Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay đang đặt ra rất nhiều thách thức đối với quá trình cải cách và hoàn thiện thể chế của Việt Nam.
Nhằm thực hiện mục tiêu được đặt ra Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (2021-2026), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, cần tiếp tục quyết liệt đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác xây dựng và thi hành pháp luật, trong đó tập trung vào một số giải pháp cơ bản như tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về vai trò của công tác xây dựng và thi hành pháp luật; tăng cường năng lực cho các chủ thể tham gia công tác xây dựng và thi hành pháp luật…
Về thể chế liên quan đến đất đai, GS. TSKH Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có đánh giá chi tiết về quá trình 10 năm thi hành Luật Đất đai 2013 và so với dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. GS. TSKH Đặng Hùng Võ cho rằng, Luật Đất đai 2013 có chủ trương chủ đạo về cơ chế Nhà nước thu hồi đất theo quy hoạch, từ đó đưa đất ra đấu giá để có thể thu tiền sử dụng và tiền thuê đất nhiều hơn cho Nhà nước.
GS. TSKH Đặng Hùng Võ trình bày tham luận tại Hội thảo. |
Tuy nhiên đến nay, việc thực hiện cơ chế thu hồi đất theo quy hoạch để đưa đất ra đấu giá còn khó khăn. Quỹ phát triển đất không đủ để giải quyết bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất. Mặt khác, cơ chế Nhà nước thu hồi đất theo quy hoạch đòi hỏi lượng kinh phí rất lớn để thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là điều khó thực hiện, nhất là đối với khu vực đã thu hồi đất không được các nhà đầu tư quan tâm. Từ đó dẫn tới việc đất đai rơi vào tình trạng lãng phí do thu hồi nhưng không thể đưa vào sử dụng.
GS. TSKH Đặng Hùng Võ nhận định, trong 10 năm qua, Luật Đất đai 2013 không quy định rõ ràng về khái niệm “giá đất thị trường”. Do đó, gần 10 năm qua, các vấn đề nảy sinh về giá đất xuất hiện ngày càng nhiều. Việc tìm ra nguyên nhân để sửa lại không hề đơn giản.
Để hoàn thiện chính sách đất đai phù hợp với ngữ cảnh mới, GS. TSKH Đặng Hùng Võ nêu rõ, việc sửa đổi Luật Đất đai phải được coi như một yếu tố quan trọng. Cùng với đó, trong việc sửa đổi Luật Đất đai cần thảo luận thêm một số vấn đề như quản lý sử dụng đất đa mục đích; hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai dạng địa chính 3D, 4D; chuyển đổi số trong quản lý đất đai; hoàn thiện cơ chế bồi thường, hỗ trợ, tái định cư…
Nghiên cứu hoàn thiện các Luật có liên quan đến đất đai
Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đã tham dự phiên thảo luận bàn tròn chuyên đề nhằm tiếp tục trao đổi sâu về các nội dung liên quan đến cải cách thể chế, hoàn thiện chính sách về đất đai.
Theo đó, liên quan chặt chẽ đến Luật Đất đai là Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản. Đây là hai bộ luật quan trọng mà Bộ Xây dựng đang được Quốc hội, Chính phủ giao chủ trì xây dựng dự án sửa đổi. Nhằm làm rõ nội dung trên, đại diện Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh đã tham gia đóng góp ý kiến thảo luận.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh tham gia thảo luận tại Hội thảo. |
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết, với Luật Nhà ở, Bộ Xây dựng đang đề xuất 8 nhóm chính sách; Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đang được đề xuất 4 nhóm chính sách. Các nhóm chính sách đều liên quan đến hoạt động trong lĩnh vực nhà ở và kinh doanh bất động sản.
Đối với chính sách về đất đai, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh, đây là nhóm chính sách quan trọng, có tác động lớn tới Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Trong quá trình nghiên cứu dự thảo, Bộ Xây dựng quan tâm đến một số nhóm vấn đề nổi bật để nghiên cứu sửa đổi.
Liên quan đến việc dành quỹ đất để đầu tư phát triển các dự án nhà ở, dự án đô thị thời gian tới, trong dự thảo Luật, Bộ Xây dựng có đề xuất theo hướng đảm bảo việc dành quỹ đất phải phù hợp với các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng cũng như quy hoạch đô thị.
Thứ hai, đối với việc dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở dành cho người thu nhập thấp, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nêu rõ, trong thời gian qua, pháp luật về nhà ở đã quy định đối với việc dành quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội. Theo đó, việc dành quỹ đất được giao cho các chủ đầu tư; các dự án nhà ở thương mại phải dành 20 % quỹ đất và thực hiện từ các đô thị từ loại III trở lên.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho rằng, việc dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội thực hiện trên diện rộng, trong khi đó, nếu chỉ dành 20% quỹ đất đô thị loại III trở lên thì sẽ hạn chế nguồn đất để phát triển nhà ở xã hội, nhất là những khu vực không phải đô thị loại III, đặc biệt là những khu vực khu công nghiệp, nơi có lực lượng lao động chiếm đa số.
Do đó, trong dự thảo Luật lần này, Bộ Xây dựng xác định, việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhận là một chính sách được Đảng, Nhà nước quan tâm cho người nghèo, người thu nhập thấp, lực lượng vũ trang. Bộ Xây dựng đề xuất việc dành quỹ đất sẽ giao cho UBND các tỉnh. Trong quá trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cũng như quy hoạch xây dựng, UBND các tỉnh phải dành quỹ đất phù hợp để đầu tư phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trong thời gian tới.
Thứ ba, về vấn đề giao đất, lựa chọn chủ đầu tư trong các dự án nhà ở thương mại, các dự án đô thị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh, đây là vấn đề rất quan trọng. Theo quy định pháp luật về nhà ở, việc giao đất lựa chọn chủ đầu tư dựa trên 3 hình thức gồm: đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất và được giao dưới dạng chỉ định chủ đầu tư trong trường hợp đất ở hợp pháp.
Hiện nay, Bộ Xây dựng cũng đang nghiên cứu thận trọng để giải quyết các vấn đề liên quan đến loại đất khác mà chủ đầu tư đã có quyền sử dụng đất, đã phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị. Đặc biệt là vấn đề liên quan đến giá đất phải đáp ứng được yêu cầu phù hợp với giá thị trường và theo chính sách pháp luật về đất đai. Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ có đề xuất chính thức trong dự thảo.
“Nếu như các vấn đề về đất đai được giải quyết thì chúng ta sẽ tạo ra nguồn lực rất lớn để phát triển các dự án nhà ở, khu đô thị nói chung, trong đó có dự án nhà ở xã hội”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nhận định.
Về chính sách đất đai, Thứ trưởng cho biết, vấn đề này còn có liên quan đến chính sách kinh doanh quyền sử dụng đất có hạ tầng. Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, đề xuất đưa vào trong giao dịch tại sàn giao dịch kinh doanh bất động sản. Sàn giao dịch hiện đang thực hiện giao dịch dự án, công trình nhà ở có sẵn và nhà ở, công trình hình thành trong tương lai.
Sửa đổi chính sách về đất đai phải phù hợp và mang tính đột phá
Tại Hội thảo, các doanh nghiệp, đại diện hiệp hội đã nêu ra ý kiến đề xuất cải cách chính sách đất đai.
Phiên thảo luận bàn tròn trong khuôn khổ hội thảo chuyên đề. |
Theo các doanh nghiệp, việc tiếp cận đất đai của doanh nghiệp nhỏ và vừa rất khó khăn. Các tỉnh, thành phố hầu như không có chính sách riêng cho đối tượng này, chủ yếu dành nguồn lực cho các dự án lớn, các doanh nghiệp FDI. Ngoài ra, các doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa hầu như không có cơ hội tiếp cận đất đai, ít có cơ hội mở rộng kinh doanh. Bên cạnh đó, thủ tục hành chính phức tạp, còn nhiều chồng chéo xung đột dẫn tới việc khó nắm bắt và thực hiện…
Đại diện cho các doanh nghiệp bất động sản, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu nhận định, các cơ quan soạn thảo đã rất nỗ lực trong việc xây dựng các dự án luật trong thời gian qua, tiếp thu tối đa ý kiến góp ý của cử tri, nhân dân, đặc biệt là các đối tượng chịu tác động trực tiếp của luật.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu phát biểu ý kiến đề xuất. |
Ông Lê Hoàng Châu cho biết, nhà đầu tư trong và ngoài nước luôn mong sự công bằng và bình đẳng trong hệ thống pháp luật. Mặc dù thời gian qua hệ thống pháp luật có nhiều chuyển biến tốt hơn nhưng tính xung đột, mâu thuẫn vẫn còn.
Để hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai, ông Lê Hoàng Châu kiến nghị thời gian tới đề nghị bổ sung quy định trong Luật Đất đai (sửa đổi) cho phép doanh nghiệp thực hiện cơ chế tự thỏa thuận với người sử dụng đất khi thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại; không quy định sở hữu nhà ở chung chung có thời hạn; không quy định giao dịch bất động sản qua sàn.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đề xuất việc sửa đổi Luật Đất đai bên cạnh tăng cường đấu giá, đấu thầu sử dụng đất cũng cần có chế định khác để doanh nghiệp nhỏ và vừa có có hội tiếp cận…
Đối với dự thảo sửa đổi Luật Đất đai, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã làm rõ các nội dung cải cách mang tính đột phá. Theo Bộ trưởng, có 3 vấn đề ưu tiên trong nội dung sửa đổi Luật Đất đai.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. |
Trong đó, ưu tiên thứ nhất là công tác quy hoạch. Công tác quy hoạch phải đổi mới về phương pháp, nội dung, hình thức và xác định lại vị thế. Thứ hai là giải quyết được vấn đề định giá đất đai một cách công khai, minh bạch, bình đẳng. Cuối cùng là chuyển đổi số ở lĩnh vực đất đai càng sớm càng tốt thì sẽ thực hiện được quyền của nhà nước thay mặt nhân dân để giám sát nguồn lực này một cách tốt nhất. Thông qua hệ thống dữ liệu này, có thể cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, sửa đổi Luật Đất đai sẽ được thực hiện dựa trên cơ sở lợi ích tổng thể của đất nước, đảm bảo công bằng, bình đẳng, minh bạch. Bộ sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, cử tri và nhân dân để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật…
Toàn cảnh buổi Hội thảo chuyên đề. |
Phát biểu kết thúc Hội thảo chuyên đề 1, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong cho biết, các ý kiến tham luận, phát biểu tại hội thảo đã tập trung vào những nội dung về đẩy mạnh cải cách thể chế; chính sách đất đai; nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật; những thành tựu đạt được trong cải cách thể chế; góc nhìn của tổ chức quốc tế về quá trình, kết quả cải cách thể chế Việt Nam…
Qua đó, nhấn mạnh việc hoàn thiện thể chế là một trong những khâu đột phá chiến lược để phát triển bền vững đất nước; tạo cơ sở quan trọng trong hoạt động tổ chức thi hành pháp luật vào thực tiễn cuộc sống. Đồng thời, việc kiểm nghiệm chất lượng xây dựng, đánh giá sự phù hợp của pháp luật với thực tế cuộc sống để có những điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới cũng góp phần quan trọng đưa pháp luật vào cuộc sống…
Trên cơ sở nhiều kiến nghị, đề xuất nhằm đẩy mạnh cải cách thể chế, chính sách về đất đai trong thời gian tới, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong đề nghị, cần tiếp tục phát huy vai trò xây dựng và thi hành pháp luật trong cải cách và hoàn thiện thể chế; tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác xây dựng và thi hành pháp luật, trong đó tập trung vào một số giải pháp như: tiếp tục đổi mới tư duy, nhận thức, nâng cao vai trò của công tác xây dựng và thi hành pháp luật…
Yến Mai (Ảnh: Quốc hội)
Theo