Đề nghị bổ sung quy định về nhà ở riêng lẻ
(Xây dựng) - Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) đề xuất bổ sung quy định nhà ở riêng lẻ là nhà trọ có phòng ở cho thuê vào khoản 2 Điều 3 và bổ sung đối tượng hộ gia đình, cá nhân kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho công nhân, lao động thuê ở vào Điều 74 và Điều 109 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).
Ảnh minh họa (nguồn: Internet). |
Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng góp ý một số điều của Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), trong đó, góp ý, đề xuất bổ sung quy định nhà ở riêng lẻ là nhà trọ có phòng ở cho thuê vào khoản 2 Điều 3 và bổ sung đối tượng hộ gia đình, cá nhân kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho công nhân, lao động thuê ở vào Điều 74 và Điều 109 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).
Theo HoREA, tại các đô thị nhất là xung quanh các khu công nghiệp, trường đại học có nhiều nhà ở riêng lẻ là nhà trọ có phòng ở cho thuê của cá nhân, hộ gia đình. Đơn cử như tại Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 60.470 nhà trọ với khoảng 560.219 phòng trọ đã giải quyết chỗ ở cho khoảng 1,4 triệu công nhân lao động thuê ở. Trong đó, có một số nhà trọ là nhà ở riêng lẻ trên 1 thửa đất ở riêng biệt quy mô lớn trên dưới 200 phòng cho thuê.
Tuy nhiên, hiện nay, Thông tư số 09/2021/TT-BXD đã thay thế Thông tư số 20/2016/TT-BXD không còn quy định tiêu chuẩn xây dựng của phòng trọ và tại khoản 3 Điều 1 Thông tư số 09/2021/TT-BXD có quy định: “3. Tiêu chuẩn thiết kế, điều kiện tối thiểu xây dựng nhà ở xã hội riêng lẻ và việc quản lý chất lượng, khai thác và quản lý sử dụng nhà ở xã hội do các hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng thực hiện theo quy định của pháp luật về nhà ở, pháp luật về xây dựng và pháp luật về quy hoạch”.
Vì vậy, cần bổ sung khái niệm nhà ở riêng lẻ là nhà trọ có phòng cho thuê vào khoản 2 Điều 3 và bổ sung đối tượng hộ gia đình, cá nhân kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho công nhân, lao động thuê ở vào Điều 109 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), để thực hiện chức năng quản lý Nhà nước của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và định hướng phát triển lành mạnh đối với hoạt động kinh doanh nhà trọ.
Đồng thời, Hiệp hội đề nghị xem xét bổ sung đối tượng hộ gia đình, cá nhân kinh doanh nhà trọ có phòng cho thuê cho công nhân, lao động thuê ở vào Điều 74 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định đối tượng được hưởng chính sách về nhà ở xã hội.
Từ thực tế trên, HoREA kiến nghị bổ sung khoản 2 Điều 3 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), cụ thể: “2. Nhà ở riêng lẻ là nhà ở được xây dựng trên thửa đất ở riêng biệt thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, bao gồm nhà biệt thự, nhà ở liền kề và, nhà ở độc lập và nhà trọ có phòng cho thuê ở”.
Bên cạnh đó, Hiệp hội đề nghị bổ sung đối tượng hộ gia đình, cá nhân kinh doanh nhà trọ có phòng cho thuê cho công nhân, lao động thuê ở vào khoản 9 Điều 74 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).
Trong đó: “9. Hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo quy định của pháp luật mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở. Hộ gia đình, cá nhân kinh doanh nhà trọ có phòng cho thuê cho công nhân, lao động thuê ở theo quy định của Chính phủ”.
Mặt khác, HoREA đề nghị bổ sung đối tượng hộ gia đình, cá nhân kinh doanh nhà trọ có phòng cho thuê cho công nhân, lao động thuê ở vào khoản 3 Điều 109 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).
Cụ thể: “3. Nhà nước hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi thông qua Ngân hàng chính sách xã hội, tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định để hộ gia đình, cá nhân quy định tại các khoản 1, 4, 7 và 9 Điều 74 của Luật này tự xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở hoặc nhà trọ có phòng cho thuê để cho công nhân, lao động thuê ở”.
Khôi Nguyên
Theo