Để thị trường bất động sản tốt hơn, doanh nghiệp cần chủ động về nguồn vốn!
Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh tại Diễn đàn “Thị trường bất động sản năm 2024 - Nhận diện thách thức và cơ hội phục hồi” chiều ngày 18/1.
Khởi công dòng sản phẩm căn hộ Picity: Tín hiệu lạc quan cho thị trường bất động sản 2024
Bamboo Capital và BCG Land bán cổ phần tại 2 công ty bất động sản, dồn lực thực hiện các dự án hiện hữu
Thị trường bất động sản năm 2024: Khó khăn đan xen nhiều cơ hội mới
Chiều ngày 18/1, Báo Xây dựng phối hợp với Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Cộng đồng Review Bất động sản cùng các đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn “Thị trường bất động sản năm 2024 - Nhận diện thách thức và cơ hội phục hồi” tại Phòng họp Hội nghị dự án Global City (phường An Phú, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh).
Thị trường BĐS “ấm dần” từ cuối năm 2023
Phát biểu chỉ đạo khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023, thị trường bất động sản (BĐS) gặp nhiều khó khăn, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết, Chỉ thị, Công điện và nhiều chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt để thực hiện đồng bộ các chính sách, nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản; các Bộ, ngành, địa phương cũng đã tích cực vào cuộc để triển khai tháo gỡ vướng mắc cho nhiều dự án BĐS tại các địa phương. Kết quả là thị trường BĐS cuối năm 2023 đã có nhiều chuyển biến tích cực hơn, nguồn cung đã từng bước cải thiện, nguồn vốn dần được khơi thông.
Cụ thể, trong quý IV/2023, về nguồn cung nhà ở thương mại đã hoàn thành 29 dự án với quy mô khoảng 13.646 căn (tăng 38,1% so với quý III/2023); cấp phép mới 20 dự án với quy mô khoảng 11.539 căn (tăng 33% so với quý III/2023); đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai 47 dự án với quy mô khoảng 14.566 căn (ngang bằng với quý III/2023); đang triển khai 854 dự án với quy mô khoảng 402.570 căn (ngang bằng so với quý III/2023).
Nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị trong quý IV/2023 (có 16 dự án, 9.302 căn). Đã hoàn thành 7 dự án với quy mô 4.019 căn, đã được cấp phép, khởi công xây dựng 9 dự án với quy mô 5.283 căn.
Ông Nguyễn Văn Sinh - Thứ trưởng Bộ Xây dựng phát biểu tại Diễn đàn “Thị trường bất động sản năm 2024 - Nhận diện thách thức và cơ hội phục hồi”, chiều ngày 18/1. Ảnh: BTC
Về lượng giao dịch (căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền), lượng giao dịch trong phân khúc đất nền, căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong quý IV giảm hơn với quý III/2023 (trong quý IV/2023 có 81.476 giao dịch đất nền, bằng khoảng 89,26% so với quý III/2023); đối với giao dịch căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong quý IV/2023 có 27.590 giao dịch căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ bằng khoảng 92,82% so với quý III/2023.
Về tồn kho BĐS, lượng tồn kho thuộc phân khúc nhà chung cư trong quý IV bằng khoảng 88,42% so với quý III/2023; lượng tồn kho thuộc phân khúc đất nền bằng khoảng 115,66% so với quý III/2023 và lượng tồn kho thuộc phân khúc nhà ở riêng lẻ bằng khoảng 78,93% so với quý III/2023.
Về giá bất động sản, trong quý IV/2023, giá căn hộ chung cư tiếp tục xu hướng tăng giá tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, đặc biệt là các khu vực trung tâm; giá bán và lượng giao dịch BĐS nghỉ dưỡng tiếp tục giảm và hạn chế về giao dịch; giá thuê BĐS công nghiệp có xu hướng tăng nhẹ so với quý trước.
Về dư nợ tín dụng BĐS, tính đến ngày 31/11/2023, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1.022.532 tỷ đồng. Tức là so với giai đoạn trước bắt đầu tăng lên, nguồn tài chính đổ vào thị trường bắt đầu sôi động hơn.
Về tình hình phát hành trái phiếu đối với lĩnh vực BĐS thì theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong cả năm 2023 tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận là 311.240 tỷ đồng, trong đó trái phiếu doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực BĐS là 73.200 tỷ đồng (chiếm 23,5% tổng giá trị; tăng 40,8% so với năm 2022).
Về nguồn vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực BĐS, theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngành kinh doanh BĐS đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư gần 4,67 tỷ USD, chiếm hơn 12,7% tổng vốn đầu tư đăng ký; tăng 4,8% so với năm trước.
Nương theo những “điểm sáng” từ chính sách để phục hồi
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh, dù giai đoạn cuối năm 2023, thị trường BĐS có những dấu hiệu khởi sắc, tuy nhiên nhìn chung hoạt động của doanh nghiệp thuộc lĩnh vực BĐS vẫn đang có nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, khó khăn, vướng mắc về pháp lý dự án như việc thực hiện quy định về phương pháp định giá đất; quy hoạch sử dụng đất đã được công bố nhưng chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện; có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được phê duyệt nhưng không phù hợp với quy hoạch cấp trên.
Cơ chế phối hợp giữa các Sở, ban, ngành, địa phương còn chưa kịp thời, đồng bộ cũng đã gây ra nhiều khó khăn, vướng mắc cho dự án bất động sản, cụ thể như: trong công tác giải phóng mặt bằng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, thỏa thuận thu hồi đất, áp giá bồi hoàn với người dân; công tác xác định giá đất để tính thu tiền sử dụng đất, thực hiện các hồ sơ, thủ tục của dự án.
Khó khăn trong tiếp cận vốn vay tín dụng và hầu như không huy động được vốn trái phiếu doanh nghiệp và huy động vốn khác, dẫn đến thiếu vốn để thực hiện dự. Khó khăn về thanh khoản, dòng tiền, đặc biệt trong bối cảnh áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp vào các tháng cuối năm 2023.
Diễn đàn “Thị trường bất động sản năm 2024 - Nhận diện thách thức và cơ hội phục hồi” thu hút sự quan tâm của truyền thông và doanh nghiệp. Ảnh: BTC
Trước hoàn cảnh này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS.
Thứ nhất, tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về tháo gỡ và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững tại Nghị quyết số 33/NĐ-CP của Chính phủ; Công điện số 993/CĐ-TTg ngày 24/10/2023; Công điện số 1376/CĐ-TTg ngày 17/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ; Giải pháp về tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, BĐS hiệu quả, an toàn, lành mạnh, bền vững tại Công điện số 1177/CĐ-TTg ngày 23/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp lý cho thị trường BĐS. Đặc biệt, thời gian qua Luật nhà ở (sửa đổi) và Luật kinh doanh BĐS (sửa đổi), Luật đất đai (sửa đổi) và Luật về các tổ chức tín dụng đã được Quốc Hội thông qua. Có thể thấy thời quan qua Chính phủ đã tích cực trình Quốc Hội 4 dự án Luật lớn để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, với nhiều chính sách thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Thứ ba, tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn cho thị trường BĐS. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước linh hoạt hơn trong chính sách tiền tệ, xem xét thực hiện chính sách hoãn nợ, giãn nợ, giảm lãi suất để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; chỉ đạo triển khai gói tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng để cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay với lãi suất thấp. Về trái phiếu, Chính phủ đã ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP ngày 5/3/2023 với nhiều điểm mới mở ra cơ hội cho doanh nghiệp có thêm phương án xử lý trái phiếu, giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp không có tiền trả nợ đối với trái phiếu đến hạn phải thanh toán.
Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm, chỉ đạo hết sức quyết liệt các bộ, ngành, địa phương triển khai Nghị quyết 01, phấn đấu 2024 hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội. Thúc đẩy các phân khúc của thị trường BĐS tốt lên.
Thứ năm, triển khai thực hiện một cách quyết liệt từ tinh thần Nghị quyết 33, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các dự án của các doanh nghiệp gặp khó.
Mặc dù tin tưởng những chính sách của Chính phủ, sự quyết tâm của cả hệ thông chính trị với những chính sách đã và đang triển khai thì trong năm 2024, thị trường BĐS sẽ phục hồi, phát triển bền vững. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh, để thị trường BĐS tốt hơn các doanh nghiệp BĐS cũng cần chủ động thực hiện một số giải pháp về nguồn vốn đầu tư, đa dạng hóa nguồn vốn (ngoài tín dụng ngân hàng, còn có phát hành trái phiếu, cổ phiếu, quỹ đầu tư, thuê tài chính…). Đồng thời, huy động vốn gắn với mục đích sử dụng vốn cụ thể, giảm đòn bẩy tài chính, hạn chế đầu tư dàn trải.
Đặc biệt, với hoạt động đầu tư, phải đảm bảo chất lượng sản phẩm, tính pháp lý dự án, thực hiện các giải pháp tiết kiệm và thiết giảm chi phí để giảm giá thành sản phẩm. Ngoài ra, cũng cần tập trung hoàn thành các dự án đang dang dở, nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở phân khúc giá rẻ để tăng tính thanh khoản cho thị trường.