Đề xuất 'tiền cọc' đấu giá đất lên 35%, Bộ Tài nguyên lo xảy ra thông đồng để dìm giá
Bộ Tài nguyên và Môi trường lo ngại trường hợp nâng mức tiền đặt trước lên quá cao (theo kiến nghị tăng lên 30-35%) có thể sẽ có ít tổ chức, cá nhân đủ điều kiện tham gia đấu giá, tiềm ẩn nguy cơ thông đồng, móc nối để dìm giá.
Đề xuất nâng mức tiền đặt cọc đấu giá đất lên khoảng 30 – 35%
Cử tri tỉnh Nghệ An cho biết, hiện nay việc đấu giá quyền sử dụng đất còn nhiều bất cập, nhất là tình trạng nâng giá, dìm giá, bỏ cọc. Do đó, cử tri kiến nghị Chính phủ sửa đổi, hoàn thiện các quy định về đấu giá quyền sử dụng đất như quy định về giá khởi điểm, chế tài đối với việc không thực hiện thanh toán tiền trúng đấu giá.
Trong đó có đề xuất nâng mức tiền đặt cọc đấu giá đất lên khoảng 30 – 35% giá khởi điểm, quy định thời gian tối thiểu mới được chuyển nhượng, tách thửa để ổn định thị trường quyền sử dụng đất ở, hạn chế tình trạng nhà đầu tư lướt sóng thao túng thị trường, người dân có nhu cầu lại không mua được.
Trước những bất cập của các cuộc đấu giá đất, cử tri đề xuất nâng mức tiền đặt cọc đấu giá đất lên khoảng 30 – 35% giá khởi điểm, quy định thời gian tối thiểu mới được chuyển nhượng. |
Về vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Luật Đấu giá tài sản hiện nay quy định người tham gia đấu giá phải nộp tiền đặt trước với mức từ 5% đến 20% so với giá khởi điểm của tài sản đấu giá. Mức cụ thể do người có tài sản đấu giá và tổ chức đấu giá tài sản thỏa thuận, quyết định.
Tiền đặt trước sau khi trúng đấu giá được chuyển thành tiền đặt cọc để bảo đảm thực hiện giao kết hoặc thực hiện hợp đồng mua bán tài sản đấu giá hoặc thực hiện nghĩa vụ mua tài sản đấu giá sau khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Qua triển khai với nhiều loại tài sản được đưa ra bán đấu giá, giá trị tài sản khác nhau (hiện nay có hơn 20 loại tài sản được đưa ra bán đấu giá) đã cho thấy mức tiền đặt trước tối đa mà Luật Đấu giá tài sản quy định là phù hợp, tạo điều kiện thu hút được nhiều tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá.
Tiềm ẩn nguy cơ thông đồng, móc nối để dìm giá
Đáng chú ý, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong trường hợp nâng mức tiền đặt trước lên quá cao có thể sẽ có ít tổ chức, cá nhân đủ điều kiện tham gia đấu giá, tiềm ẩn nguy cơ thông đồng, móc nối để dìm giá.
Hiện nay, Bộ Tư pháp đang chuẩn bị tổ chức tổng kết 5 năm thi hành Luật Đấu giá tài sản, Bộ sẽ nghiên cứu các phản ánh, kiến nghị của cử tri liên quan đến các quy định về trình tự, thủ tục đấu giá, trong đó có nội dung về tỷ lệ tiền đặt trước trong quá trình đề xuất, sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản trong thời gian tới.
Bộ Tài nguyên và Môi trường lo ngại trường hợp nâng mức tiền đặt trước lên quá cao có thể sẽ có ít tổ chức, cá nhân đủ điều kiện tham gia đấu giá, tiềm ẩn nguy cơ thông đồng, móc nối để dìm giá. |
Đồng thời, tiếp thu ý kiến của cử tri phản ánh về việc hoàn thiện quy định về đấu giá quyền sử dụng đất (trong đó có quy định về giá khởi điểm, tỷ lệ đặt cọc, thanh toán tiền trúng đấu giá,…).
Về các nội dung này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã bổ sung vào dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, đang hoàn thiện trình Chính phủ ban hành và sẽ nghiên cứu để thể chế trong quá trình hoàn thiện dự án Luật Đất đai sửa đổi.
Trước đó, báo cáo tại Hội nghị “Phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh và bền vững” hồi tháng 7/2022, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân nhận định, còn nhiều tồn tại và hạn chế trong vấn đề đấu giá đất ở nước ta.
Thứ trưởng chỉ ra, tại một số địa phương còn có hiện tượng "cò đấu giá", "quân xanh - quân đỏ", để lộ thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá trước khi cuộc đấu giá diễn ra và tình trạng "xã hội đen" đe dọa cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá phải xin rút hồ sơ; thông đồng giữa Tổ chức tư vấn định giá với người tham gia đấu giá để "dìm giá"... Ngoài ra, còn có hiện tượng trả giá rất cao một số lô đất, rồi quay xe bỏ cọc, với mục đích gây hiệu ứng để tạo mặt bằng giá ảo rồi mua đi, bán lại nhiều lô đất đã trúng đấu giá khác hoặc bán ra các lô đất đã mua gom trong khu vực gần đó để thu lợi.
Từ những bất cập trên, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất, trong thời gian tới chúng ta cần tập trung rà soát để quy định thống nhất trình tự, thủ tục trong tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất; quy định điều kiện vốn chủ sở hữu, cam kết bảo lãnh của ngân hàng, tính khả thi về huy động vốn, tính khả thi về phương án đầu tư kinh doanh trên khu đất trúng đấu giá; bổ sung quy định ngay sau khi cuộc bán đấu giá kết thúc, người trúng đấu giá phải nộp ngay số tiền đặt cọc để đảm bảo thực hiện hợp đồng theo kết quả trúng đấu giá tại cuộc bán đấu giá và phải tính theo giá trị kết quả trúng đấu giá.
Đồng thời, bổ sung chế tài xử phạt các trường hợp đặt cọc đấu giá nhưng sau đó bỏ cọc để hạn chế tình trạng đầu cơ, “thổi giá”. Trong khi đó, người trúng đấu giá mà bỏ cọc thì sẽ không được tham gia các cuộc đấu giá khác trong một thời gian quy định.
Ngoài ra, cần bổ sung quy định về việc dừng cuộc đấu giá khi có dấu hiệu bất thường trong việc đẩy giá trúng đấu giá lên quá cao, gây hiệu ứng tiêu cực. Bổ sung quy định xử lý thu hồi nộp vào ngân sách nhà nước khoản tiền người trúng đấu giá đã nộp dở dang trong trường hợp phải hủy hợp đồng trúng đấu giá đất. Bổ sung quy định về thời hạn nộp tiền trúng đấu giá, không cho phép chậm và phạt chậm nộp như quy định chung của pháp luật về quản lý thuế…
Theo Ninh Phan/Tienphong.vn