Doanh nghiệp từ bỏ dự án chỉ vì quy định đất ở
Có doanh nghiệp phải bỏ dự án vì quy định đất ở, hàng trăm dự án đang tồn đọng vì không chuyển đổi được. Theo các chuyên gia, một số khoản ở điều 128 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chưa phù hợp với chủ trương tháo gỡ pháp lý cho dự án bất động sản.
Từ bỏ dự án vì không thể giải quyết
Số liệu từ Bộ Xây dựng cho thấy, trong quý II/2023, cả nước chỉ có 15 dự án nhà ở thương mại được cấp phép mới. Trong đó, khu vực miền Bắc có 7 dự án, miền Trung 3 dự án và miền Nam 5 dự án.
Sau khoảng 1 năm Chính phủ liên tục tháo gỡ khó khăn nhưng thị trường bất động sản vẫn chưa giải được bài toán nguồn cung bởi lẽ, 70% vướng mắc của các các dự án là ở vấn đề pháp lý.
Trong bối cảnh dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lần này được mong chờ sẽ tạo sức bật về mặt pháp lý cho bất động sản thì các doanh nghiệp lại đang lo ngại trước một số quy định sẽ thành điểm nghẽn trên đà phục hồi của thị trường.
Đáng chú ý, điểm b khoản 1 và khoản 6 điều 128 quy định việc sử dụng đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội thông qua việc thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.
Theo đó, đối với trường hợp sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại thì được thỏa thuận về nhận quyền sử dụng: đất ở hoặc đất ở và đất phi nông nghiệp không phải đất ở đã nộp tiền sử dụng đất hoặc đã nộp tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê.
Là doanh nghiệp đã phải bỏ dự án vì quy định đất ở, chia sẻ với PV VietNamNet, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Bất động sản Toàn Cầu (GP.Invest) cho biết, đáng lẽ công ty ông đã làm dự án 4ha ở Hà Đông (Hà Nội) và dự án ở quận 12 (TP.HCM)… Thế nhưng, đành phải từ bỏ vì theo đuổi mấy năm không được, không ai giải quyết cho chỉ vì quy định đất ở.
Doanh nghiệp từ bỏ dự án chỉ vì quy định đất ở. (Ảnh: Hoàng Hà) |
Theo ông Hiệp, từ năm 2021, Nghị định 30 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 99/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật Nhà ở - PV) quy định chuyển đổi đất khác sang đất ở phải có ít nhất một ít đất ở, điều này rất khó khả thi.
“Đây chính là lý do mấy trăm dự án tồn đọng, không chuyển đổi được. Thậm chí, kể cả trong trường hợp người đang sử dụng đất, quy hoạch thì có nhưng không cho chuyển đổi vì không có 1m2 đất ở trong đó.
Đáng lẽ, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi phải xem xét cái nào hợp lý thì giữ, cái nào không hợp lý thì thay đổi. Nhưng, điều 128 lại lặp lại, tôi cho rằng điều này rất khó cho doanh nghiệp phát triển dự án nhà ở; ban soạn thảo lẽ ra phải nhìn thấy điều đó”, ông Hiệp nói.
Trong khi đó, ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc Đất Xanh Miền Bắc cho rằng, quy định đưa ra tạo sự bó buộc chính các cơ quan nhà nước.
Ông Quyết đơn cử, một huyện muốn quy hoạch dự án, nhưng dự án đó không nằm trên đất có đất ở thì các huyện đó có lập được quy hoạch để đưa ra đấu giá hay không?
“Tôi lo rằng, chính cơ quan nhà nước cũng gặp khó khi chồng chéo luật. Còn với doanh nghiệp, khi lập quy hoạch trên các đất không có đất ở rất nhiều, đa số là đất thương mại dịch vụ, đất trồng cây… nằm gần khu dân cư, nằm trong khu được quy hoạch khu dân cư. Khi đó, không có đất ở thì doanh nghiệp cũng không thể lập quy hoạch được, dù quy hoạch có khu vực đất ở, nhưng bản chất đất chưa chuyển đổi được thành đất ở. Những điều này sẽ gây khó khăn, phức tạp rất nhiều cho các doanh nghiệp phát triển các dự án bất động sản”, ông Quyết nêu.
Thêm nữa, vị lãnh đạo này cho hay, ngay như tại Hà Nội, hiện phát triển rộng ra vành đai 3, vành đai 4… nhưng ngay ở vành đai 3, đất nông nghiệp rất nhiều; nếu quy định như dự thảo thì đất đai sẽ bị lãng phí vì khu vực đó quy hoạch đất ở, có thể phát triển nhà cao tầng, thấp tầng nhưng không có một mét đất ở hiện hữu nào thì cuối cùng là bế tắc.
Còn ông Vũ Kim Giang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn SGO (SGO Group) lại đặt câu hỏi: Nếu quy định tại dự thảo được thông qua sẽ ảnh hưởng nhiều, bởi nguồn gốc đất từ xưa đa phần xen kẹt rất nhiều. Nếu trong tổng thể dự án mà có một phần các loại đất như đất nông nghiệp, đất sản xuất… thì sẽ xử lý như thế nào?
“Tôi e rằng, nếu dự thảo quy định này trong luật được thông qua, chúng ta sẽ phải điều chỉnh lại quy hoạch chung, quy hoạch phân khu của từng địa phương vì thời gian qua nhiều địa phương đã cập nhật gần như đầy đủ quy hoạch về đất ở từng khu vực”, ông Giang nói.
Ảnh hưởng nguồn cung nhà ở, giá nhà đô thị
Trao đổi với PV VietNamNet, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty SBLaw đánh giá, quy định trên sẽ gây “tắc”, khó khăn hơn cho thị trường bất động sản khi hàng trăm dự án cũ đang tháo gỡ pháp lý; còn dự án mới cũng khó triển khai dẫn đến nguồn cung nhà ở càng ít.
Vị luật sư phân tích, khó ở quy định phải có đất ở trên đất xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất để làm dự án. Trong khi phần lớn các dự án bất động sản phát triển mới hiện nay được triển khai trên quỹ đất ban đầu là đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, đất sản xuất và các loại đất khác.
Khó ở quy định chỉ được công nhận nếu có đất phi nông nghiệp không phải đất ở đã nộp tiền sử dụng đất hoặc đã nộp tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê. Nhưng thực tế, đa số dự án hiện tại đang được thực hiện theo hình thức doanh nghiệp nộp tiền thuê đất hàng năm. Như vậy, với những dự án trả tiền thuê đất hàng năm, không thể phát triển dự án bất động sản.
Cùng với đó, quy định gây khó ở việc thỏa thuận nhận chuyển nhượng các dự án để triển khai dự án nhà ở thương mại bởi quy định chỉ áp cho đất phi nông nghiệp không phải đất ở đã nộp tiền sử dụng đất hoặc đã nộp tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê.
Thực tế hiện nay, quy định đang khuyến khích nhà đầu tư tự thỏa thuận trong việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại; tuy nhiên, việc yêu cầu phải có đất phi nông nghiệp đã nộp tiền thuê đất một lần sẽ khiến nhiều dự án không thể chuyển đổi.
“Nếu chiếu theo điểm b khoản 1 và khoản 6 điều 128 của dự thảo Luật Đất đai thì doanh nghiệp sẽ không thể triển khai được dự án nhà ở thương mại. Điều này sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung căn hộ và giá nhà ở đô thị.
Quy định này cũng đi ngược lại những chỉ đạo hiện nay là phải tháo gỡ về pháp lý cho dự án, bởi đã thu hẹp hơn so với quy định hiện hành tại Luật số 03/2022/QH15 sửa đổi 9 luật, trong đó sửa khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở năm 2014 về các loại đất được làm nhà ở thương mại. Theo đó, quy định doanh nghiệp được chấp thuận chủ trương đầu tư; đồng thời chấp thuận nhà đầu tư dự án nhà ở thương mại nếu có quyền sử dụng đất hoặc nhận quyền sử dụng đất ở hoặc đất ở và đất khác không phải là đất ở đáp ứng điều kiện cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư”, ông Hà nói.
Theo Nguyễn Lê/Vietnamnet.vn
Link gốc: https://vietnamnet.vn/doanh-nghiep-tu-bo-du-an-chi-vi-quy-dinh-dat-o-2200137.html