Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi Tích tụ tập trung đất đai

Sử dụng đất nhỏ lẻ phân tán hiệu quả thấp không phù hợp với sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn giai đoạn hiện nay do đó tích tụ tập trung đất đai là tất yếu để giải quyết rào cản

Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi: Tích tụ, tập trung đất đai

11:05 | 18/08/2022

Sử dụng đất nhỏ lẻ, phân tán, hiệu quả thấp không phù hợp với sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn giai đoạn hiện nay, do đó tích tụ, tập trung đất đai là tất yếu để giải quyết rào cản.

du thao luat dat dai sua doi tich tu tap trung dat dai
Ảnh minh họa. (Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN)

Tại Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.”

Do đó, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ thể chế hóa các quan điểm, mục tiêu, chủ trương, giải pháp của Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn và xu thế phát triển với nhiều điểm đổi mới.

Việc bổ sung, thay đổi, sửa đổi một số điều của Dự luật sẽ phần nào tháo gỡ được một số điểm nghẽn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Đất đai trong 8 năm qua.

Đất đai là một trong ba yếu tố đầu vào của sản xuất (đất đai, lao động và vốn); là tư liệu sản xuất không thể thay thế trong sản xuất nông nghiệp, phương thức sử dụng đất đóng vai trò quyết định bảo đảm tính hiệu quả, bền vững trong sản xuất nông nghiệp, nhất là trong nền nông nghiệp tự cung tự cấp.

Sử dụng đất nhỏ lẻ, phân tán, hiệu quả thấp của hộ gia đình cá nhân là phổ biến, phương thức sản xuất này không phù hợp với sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn trong giai đoạn hiện nay, do đó tích tụ, tập trung đất đai là tất yếu để giải quyết rào cản này.

Còn nhiều bất cập

Thái Bình là tỉnh đồng bằng, mặc dù đã hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa nhưng tình trạng đất sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún (trung bình 0,2 ha và 1,78 thửa/hộ). Một bộ phận lớn người nông dân vẫn còn nặng tâm lý “giữ ruộng, sợ mất đất,” gây khó khăn cho doanh nghiệp thuê đất để phát triển sản xuất.

Tại Tuyên Quang, hiện có trên 92.000ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có gần 90.000ha đất thuộc quyền sở hữu của hộ gia đình, cá nhân, chỉ có trên 2.000ha của các tổ chức kinh tế.

Việc khó tích tụ được ruộng đất nông nghiệp một phần là do giá đất đền bù đất nông nghiệp rất thấp nên người nông dân không mặn mà chuyển nhượng. Tại nhiều địa phương, lực lượng lao động đã thoát ly đi làm việc tại nhà máy, các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh nhưng nhất quyết không chuyển nhượng đất cho bất kỳ tổ chức, cá nhân có nhu cầu.

Tâm lý chung của người dân cộng với Luật Đất đai 2013 có những quy định mang tính ràng buộc đang gây ra những khó khăn trong quá trình tích tụ ruộng đất trên địa bàn tỉnh.

Đối với đất công điền, ủy ban nhân dấn xã chỉ được phép cho thuê thời gian tối đa 5 năm theo Khoản 5, Điều 126, Luật Đất đai năm 2013 nên không khuyến khích được doanh nghiệp đầu tư sản xuất mang tính chất lâu dài và bền vững.

Thêm nữa, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình không quá 10 lần hạn mức giao đất nông nghiệp quy định tại Khoản 1,2 và 3, Điều 129 quá thấp nên ảnh hưởng đến sự tích tụ, dồn ghép ruộng đất tổ chức sản xuất quy mô lớn...

Còn theo điều tra thực tiễn tại tỉnh Nam Định, cả 3 phương thức tích tụ ruộng đất trên địa bàn tỉnh đều chưa phát triển nhiều, diện tích tập trung chưa lớn. Nguyên nhân chính là việc mua hoặc thuê quyền sử dụng đất còn gặp khó khăn về xác định giá chuyển nhượng.

Việc này phụ thuộc nhiều yếu tố như chất lượng đất; diện tích đất (những diện tích nhỏ, phân tán khó bán và giá thấp hơn những diện tích lớn); khoảng cách từ ruộng đến hệ thống giao thông gần hay xa và có dễ đi từ đường vào ruộng hay không; phụ thuộc vào tâm lý và điều kiện kinh tế của người có đất muốn bán.

Hơn nữa, việc xây dựng hệ thống thông tin đất đai ở các địa phương thực hiện còn chậm; chưa hình thành được các trung tâm thông tin, giao dịch quyền sử dụng đất nông nghiệp.

Việc mua bán, thuê đất chủ yếu là do bạn bè giới thiệu hoặc tự đi tìm hiểu. Nguyên nhân nữa là do mức phí và lệ phí phải nộp làm thủ tục, hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất còn quá cao nên người dân không thực hiện các giao dịch chính thống, sang tên đổi chủ trên sổ đỏ quyền sử dụng đất.

Nhiều diện tích đất công ích của các xã chưa được quy hoạch gọn vùng, còn manh mún, phân tán nên không hấp dẫn người dân đấu thầu để mở rộng quy mô sản xuất.

Bà Hoàng Thị Vân Anh, Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế, Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, trên thực tế, quá trình tích tụ đất đai còn khó khăn, quy mô đất còn nhỏ hẹp, không đáp ứng được nhu cầu quy mô lớn.

Có những trường hợp doanh nghiệp không chỉ vướng chính sách mà còn vướng thi hành trên thực tế. Thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp hoạt động chưa tương xứng với tiềm năng là do những quy định của Luật Đất đai về điều kiện chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp trong một số trường hợp (chuyển nhượng, cho thuê) còn chặt chẽ.

Hình thức cho thuê quyền sử dụng đất chưa phổ biến; thiếu quy định cho phép các chủ thể (doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân) không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhưng có nhu cầu, năng lực đầu tư vào nông nghiệp được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp.

Quản lý đất nông nghiệp còn dựa vào quản lý cây trồng, vật nuôi cụ thể trên đất, không dựa theo đặc tính chất lượng từng loại đất, làm cho người sản xuất khó điều chỉnh sản xuất theo tín hiệu thị trường.

Các thủ tục hành chính liên quan đến việc thực hiện “chuyển quyền sử dụng đất” chưa thực sự thông thoáng. Giá đất nông nghiệp chuyển nhượng, cho thuê quyền sử dụng đất hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng thường thấp hơn so với giá đất thị trường dẫn đến hộ gia đình nông dân không muốn chuyển nhượng, cho thuê mặc dù sản xuất không hiệu quả, thậm chí có nơi còn để hoang.

Thúc đẩy tích tụ, tập trung đất đai

Để đẩy mạnh tích tụ, tập trung ruộng đất phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, quy mô lớn, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nam Định đưa ra một số giải pháp như cần nghiên cứu ban hành giá đất nông nghiệp cho từng vùng, từng loại đất nông nghiệp cụ thể làm cơ sở cho người bán, người mua, người thuê đất xác định giá giao dịch phù hợp và khả thi; tăng cường cung cấp thông tin về thị trường đất đai gồm (thông tin về giá đất, giá thuê mượn đất, các thông tin về người có đất muốn chuyển nhượng, muốn cho thuê hoặc góp vốn bằng quyền sử dụng đất); hướng dẫn các thủ tục pháp lý về mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

du thao luat dat dai sua doi tich tu tap trung dat dai
Ảnh minh họa. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nam Định cho rằng cần đẩy nhanh việc cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các gia trại, trang trại sau chuyển nhượng để tạo thuận lợi trong việc thế chấp vay vốn ngân hàng phục vụ sản xuất; tiếp tục thực hiện dồn đổi quỹ đất công thành các vùng tập trung, tạo thuận lợi doanh nghiệp, chủ trang trại khi thực hiện thủ tục thuê đất công, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Cùng với đó, Sở khuyến khích các gia trại, trang trại, hộ sản xuất liên kết với các doanh nghiệp hình thành các chuỗi cung ứng nông sản có hợp đồng; đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến để nâng cao giá trị chất lượng, tăng tính cạnh tranh cho nông sản và giảm thiểu rủi ro trong sản xuất, góp phần chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu sản xuất nông nghiệp tại các địa phương.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Đình Bồng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Đất Việt Nam, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã có nhiều quy định mới có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy tích tụ, tập trung đất đai nông nghiệp trong thời kỳ mới, trong đó có bổ sung quy định thời hạn sử dụng ổn định lâu dài đối với đất rừng sản xuất giao cho cộng đồng dân cư, đơn vị vũ trang, ban quản lý rừng và một số trường hợp tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đã nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp trong hạn mức sử dụng của hộ gia đình, cá nhân.

Quy định mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân (so với hạn mức không quá 10 lần theo quy định của Luật Đất đai 2013).

Dự thảo cũng mở rộng đối tượng được nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp cho tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp; bổ sung quy định về các hình thức tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp, cơ chế góp quyền sử dụng đất, điều chỉnh lại quyền sử dụng đất đối với các dự án tập trung đất nông nghiệp…

Dự thảo cũng góp phần điều chỉnh đất đai theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, khắc phục những bất cập hiện tại; đáp ứng yêu cầu của các thành phần kinh tế, đặc biệt là các tổ chức kinh tế trong nước (các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp thuộc các tập đoàn kinh tế), các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thúc đẩy tích tụ tập trung đất đai theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn./.

Theo Diệu Thúy (TTXVN/Vietnam+)