Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi): Phân định rõ phạm vi điều chỉnh
(Xây dựng) – Mới đây, Bộ Xây dựng đã có Tờ trình gửi Chính phủ về việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Trong đó, nội dung liên quan đến phạm vi điều chỉnh đã được thống nhất chỉnh lý.
Phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) được làm rõ hơn (Ảnh minh họa: Internet). |
Theo bản dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến (hồi tháng 4/2023), tại Điều 1 có quy định về phạm vi điều chỉnh với nội dung: Kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng, quyền sử dụng đất đã có hạ tầng trong dự án bất động sản; kinh doanh dịch vụ bất động sản; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản; điều tiết thị trường bất động sản và quản lý nhà nước về kinh doanh bất động sản.
Tuy nhiên, trong quá trình xin ý kiến Quốc hội, cơ quan chủ trì thẩm tra là Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã chỉnh lý nội dung phạm vi điều chỉnh tại Điều 1 dự thảo Luật, theo hướng như sau: Khoản 1 Điều 1 kế thừa quy định phạm vi điều chỉnh của Luật hiện hành, bảo đảm tính bao quát của Luật, cụ thể: “1. Luật này quy định về kinh doanh bất động sản, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản và quản lý Nhà nước về kinh doanh bất động sản”. Đồng thời, bổ sung khoản 2 Điều 1, xác định những trường hợp không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật nhằm làm rõ hơn phạm vi điều chỉnh trước đó.
Theo Bộ Xây dựng, phương án chỉnh lý bảo đảm tính kế thừa, bao quát và bảo đảm phân định rõ phạm vi điều chỉnh của Luật với các luật khác. Vì vậy, cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất với phương án tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Kinh tế - Quốc hội nêu trên.
Tiếp nữa về nội dung khái niệm “Kinh doanh bất động sản” cũng được thống nhất chỉnh lý, hoàn thiện. Như bản dự thảo Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến trước đó, tại khoản 1 Điều 3 về khái niệm “Kinh doanh bất động sản” quy định gộp chung kinh doanh bất động sản là việc bỏ vốn để tạo lập bất động sản để bán, chuyển nhượng; cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản; thực hiện dịch vụ môi giới bất động sản, dịch vụ sàn giao dịch bất động sản, dịch vụ tư vấn bất động sản, dịch vụ quản lý bất động sản nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận.
Nội dung khái niệm trên được Ủy ban Kinh tế - Quốc hội chỉnh lý lại, theo hướng quy định cụ thể kinh doanh bất động sản là kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng, quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án bất động sản; chuyển nhượng dự án bất động sản; kinh doanh dịch vụ bất động sản. Tức là đã làm rõ bất động sản là những loại hình nào.
Bên cạnh đó, cơ quan chủ trì soạn thảo cũng tiếp thu, chỉnh lý nội dung về điều kiện của tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản. Cụ thể: trong bản dự thảo trình trước đó, tại khoản 2 và khoản 3 Điều 10 quy định đối với cá nhân đủ điều kiện kinh doanh bất động sản là phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự và có quyền sở hữu hoặc sử dụng hợp pháp đối với bất động sản đưa vào kinh doanh.
Tuy nhiên, nội dung trên đã được Ủy ban Kinh tế - Quốc hội chỉnh lý thành khoản 3, khoản 4 Điều 9 mới theo hướng: Cá nhân kinh doanh bất động sản với quy mô nhỏ thì không phải thành lập doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nhưng phải kê khai nộp thuế theo quy định của pháp luật và đáp ứng điều kiện có đủ hành vi dân sự, không thuộc trường hợp bị cấm kinh doanh bất động sản theo quy định pháp luật. Thêm vào đó, dự thảo Luật bổ sung khoản 6 Điều 9 sẽ giao Chính phủ quy định chi tiết về tiêu chí xác định kinh doanh bất động sản quy mô nhỏ về số lượng, giá trị, loại hình bất động sản.
Dự kiến ngày 23/10, Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc. Tại kỳ họp lần này, Chính phủ sẽ trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) với nhiều nội dung mới, quan trọng.
Minh Khánh
Theo