Hạ Long (Quảng Ninh): Dành quỹ đất phù hợp tại khu vực Bãi Cháy để phát triển công nghiệp văn hóa
(Xây dựng) - Ngày 23/4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã họp nghe và cho ý kiến về quy hoạch các phân khu của thành phố Hạ Long.
Ngày 23/4/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh tổ chức họp nghe và cho ý kiến về quy hoạch các phân khu của thành phố Hạ Long (ảnh: QMG). |
Ngày 10/2/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 72/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch chung thành phố Hạ Long đến năm 2040. Theo đó, thành phố Hạ Long có diện tích tự nhiên khoảng 1.121,322km2, được định hướng phát triển theo mô hình đô thị thông minh, phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với yêu cầu tăng trưởng xanh, khai thác tối ưu tiềm năng, lợi thế, mở rộng không gian phát triển đô thị, dịch vụ, du lịch…
Sau khi công bố Quy hoạch chung, thành phố Hạ Long tiến hành rà soát, lập các chương trình, kế hoạch phát triển đô thị; lập và ban hành Quy chế quản lý kiến trúc thành phố Hạ Long, làm cơ sở cho quản lý hoạt động xây dựng trên địa bàn thành phố. Cùng với đó, thành phố tổ chức rà soát, điều chỉnh, lập mới các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị phù hợp với đồ án quy hoạch chung thành phố Hạ Long đến năm 2040, đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật, các định hướng, tính chất và các quy chuẩn quy phạm hiện hành; xây dựng cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư, tài chính, đất đai để thực hiện các dự án ưu tiên đầu tư, các khu vực nằm trong vùng bảo vệ di tích.
Nhằm cụ thể hóa các định hướng quy hoạch, xây dựng phát triển không gian phù hợp với quy hoạch chung, đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật, tính chất và các quy chuẩn quy phạm hiện hành… thành phố Hạ Long đã triển khai 15 quy hoạch phân khu trên cơ sở tiềm năng, lợi thế riêng có của từng khu vực.
Trên cơ sở đó hình thành các khu hành chính, văn hóa, dịch vụ, du lịch, công nghiệp, dân cư gắn với bảo tồn, tôn tạo các giá trị di sản của khu vực, khớp nối đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, kiến trúc, cảnh quan chung. Đây là căn cứ quan trọng để lập các quy hoạch chi tiết, triển khai các dự án, kêu gọi thu hút đầu tư về địa bàn.
Một góc đô thị thành phố Hạ Long nhìn từ trên cao. |
Ngày 23/4/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã họp nghe và cho ý kiến đối với 9 đồ án Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 trên địa bàn thành phố Hạ Long. Trong đó 5 đồ án quy hoạch lập mới là: Quy hoạch phân khu 2, 4, 5, 7, 10; 4 đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu theo các quy hoạch lớp trên là: Quy hoạch phân khu 1, 3, 6, 9.
Cụ thể: 5 đồ án quy hoạch lập mới gồm: Phân khu 2 tại các phường Cao Xanh, Yết Kiêu, Cao Thắng, Hà Khánh, Hà Lầm; phân khu 4 thuộc các phường Hà Lầm, Hà Trung, Hà Phong, Hà Tu, Hà Khánh, thành phố Hạ Long; Phân khu 5 tại các phường Bãi Cháy, Giếng Đáy, Hà Khẩu, Việt Hưng; phân khu 7 thuộc các phường Hà Khẩu, Việt Hưng, Đại Yên; phân khu 10 tại các phường Hoành Bồ, Đại Yên, Việt Hưng thành phố Hạ Long.
4 đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu gồm: Phân khu 1 tại các phường: Hồng Gai, Trần Hưng Đạo, Bạch Đằng, Hồng Hải, Hồng Hà; Phân khu 3 tại các phường Hà Tu, Hà Phong, Hà Trung; Phân khu 6 tại các phường Bãi Cháy, Hùng Thắng, Hà Khẩu; Phân khu 9 (Khu phức hợp Hạ Long Xanh) tại các phường Đại Yên, Hà Khẩu.
Các đồ án quy hoạch phân khu được lập mới, lập điều chỉnh bảo đảm nguyên tắc tuân thủ, phù hợp Quy hoạch chung thành phố Hạ Long đến năm 2040 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 72 ngày 10/02/2023 và các quy hoạch định hướng lớp trên đã được cấp thẩm quyền phê duyệt; phù hợp tình hình thực tế, hiện trạng khu vực, định hướng phát triển; tuân thủ quy chuẩn tiêu chuẩn hiện hành.
Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Ninh Nguyễn Mạnh Tuấn báo cáo các đồ án quy hoạch phân khu trên địa bàn thành phố Hạ Long. |
Đối với 9 đồ án Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 trên địa bàn thành phố Hạ Long Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh thống nhất, đây đều là những phân khu còn dư địa phát triển lớn và có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của thành phố Hạ Long trong định hướng phát triển dài hạn. Do đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh yêu cầu trong quá trình các cơ quan lập, phê duyệt quy hoạch phải tuyệt đối tuân thủ các quy định của pháp luật, các quy hoạch lớp trên cũng như các định hướng phát triển của tỉnh đối với thành phố Hạ Long và không mâu thuẫn với các quy hoạch cùng cấp, đặc biệt là Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch thành phố Hạ Long đến năm 2040.
Trong quá trình lập phải thực hiện nghiêm túc việc xin ý kiến nhân dân trong khu vực phạm vi quy hoạch. Tuyệt đối không sử dụng quy hoạch để hợp thức hóa đối với sai phạm hoặc những vấn đề tiềm ẩn nguy cơ sai phạm. Bên cạnh đó, trong quá trình hoàn thiện quy hoạch các phân khu phải đặt lợi ích cao nhất cho Nhà nước và cộng đồng dân cư; đảm bảo sự ổn định của nhân dân, các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn.
Đồng thời, việc lập điều chỉnh quy hoạch các phân khu thành phố Hạ Long phải hướng đến mục tiêu phát triển bền vững của thành phố dựa trên 4 trụ cột: Kinh tế - xã hội - môi trường và an ninh. Hướng đến xây dựng Hạ Long là đô thị đáng sống, trung tâm dịch vụ - du lịch quốc gia mang tầm quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại và đồng bộ, có tính cạnh tranh về kinh tế, với chất lượng hệ thống y tế, giáo dục, môi trường cảnh quan, tiện ích văn hóa, chất lượng cơ sở hạ tầng, dịch vụ công không ngừng được nâng cao, đảm bảo mục tiêu an ninh, an toàn, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại.
Phát triển thành phố Hạ Long theo hướng phát triển bền vững, phù hợp với yêu cầu tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu, lấy vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối, theo hướng đa cực, hài hòa với di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long và các vùng núi phía Bắc thành phố. Từ đó, gia tăng giá trị quỹ đất, nâng cao hiệu quả kinh tế đô thị và chất lượng cuộc sống nhân dân.
Tổ hợp vui chơi giải trí Sun World Hạ Long (trên địa bàn phường Bãi Cháy, thuộc quy hoạch phân khu 6) là một trong những công trình kiến trúc điểm nhấn của thành phố Hạ Long. |
Cùng với đó, quy hoạch các phân khu thành phố Hạ Long cũng phải đặt ra những giải pháp để có thể khắc phục những tồn tại, bất cập trong phát triển đô thị của thành phố hiện nay, nhất là việc xuống cấp của hệ thống hạ tầng tại một số khu vực đô thị đã được đầu tư từ nhiều năm trước. Khắc phục những vấn đề liên quan đến ngập lụt, sạt lở, xử lý rác thải, nước thải tại các khu dân cư.
Qua đó, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đô thị theo xu thế chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, kinh tế tuần hoàn, kinh tế đêm, giảm phát thải carbon, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Đồng thời, kiên quyết di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi đô thị.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh yêu cầu thành phố Hạ Long: Các quy hoạch phân khu dù được lập mới hay điều chỉnh đều phải ưu tiên các quỹ đất phục vụ sự phát triển của thành phố và nâng cao chất lượng đời sống nhân dân; Ưu tiên tối đa quỹ đất cho công viên cây xanh công cộng, cây xanh đô thị, y tế, giáo dục, nghĩa trang, nhà văn hóa, nhà tang lễ.
Trong đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh thống nhất dành quỹ đất thỏa đáng ở vị trí phù hợp tại phường Bãi Cháy để xây dựng Nhà hát tỉnh Quảng Ninh trong tương lai, phục vụ nhân dân và phát triển du lịch. Dành quỹ đất phù hợp tại khu vực các phường Tuần Châu, Hùng Thắng, Bãi Cháy để phát triển công nghiệp văn hóa.
Bên cạnh đó, các quy hoạch phân khu thành phố Hạ Long phải thực hiện mục tiêu chuẩn bị quỹ đất cho phát triển trong giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài. Đặc biệt là có phương án tận dụng tối đa quỹ đất tại các khu vực đắc địa cho các dự án đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ - du lịch; bố trí quỹ đất dự trữ hợp lý để mở rộng các khu công nghiệp có lợi thế phát triển; đảm bảo phát triển đồng bộ cả về quy mô sản xuất cũng như các tiện ích xã hội để phục vụ cho thu hút các dự án công nghiệp chế biến chế tạo, công nghệ cao.
Đối với phân khu tại các phường là trung tâm chính trị của thành phố, đã ổn định dân cư, phải rà soát kỹ hiện trạng dân cư ở nơi dự kiến bổ sung đất du lịch, đất hỗn hợp không ở để đảm bảo quy hoạch có tính khả thi, đảm bảo nguyên tắc đồng thuận của nhân dân…
Hoàng My
Theo