Hà Nội cần khoảng 560.000m2 sàn nhà ở phục vụ tái định cư
Hà Nội đã xây dựng kế hoạch phát triển nhà ở phục vụ tái định cư, bố trí chỗ ở tạm thời cho các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư trong thời gian thực hiện cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
Giai đoạn 2021-2025, có 15 dự án nhà ở tái định cư đang triển khai có khả năng hoàn thành 5.219 căn hộ, tương đương khoảng 418.000m2 sàn. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN) |
Nhằm cụ thể hóa mục tiêu phát triển nhà ở tái định cư từng năm và giai đoạn 2021-2025 (thuộc Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030), Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã xây dựng kế hoạch phát triển nhà ở phục vụ tái định cư, bố trí chỗ ở tạm thời cho các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư trong thời gian thực hiện dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn nhấn mạnh việc triển khai xây dựng và thực hiện kế hoạch này là hết sức cần thiết, phù hợp nhu cầu cũng như khả năng đáp ứng thực tế về nhà ở tái định cư, nguồn vốn từ ngân sách trong quá trình phát triển nhà ở của thành phố; đảm bảo tuân thủ pháp luật về nhà ở, phù hợp quy hoạch, kế hoạch chuyên ngành đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương, thành phố Hà Nội đã ban hành; đồng thời, phù hợp tình hình phát triển kinh tế-xã hội của thành phố từng năm và theo giai đoạn.
Theo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, giai đoạn 2016-2020, trên địa bàn Hà Nội có 40 dự án đầu tư xây dựng nhà ở phục vụ tái định cư với 14.916 căn hộ tương đương khoảng 1.189.500m2 sàn.
Trong số đó, 19 dự án đầu tư đã hoàn thành với 371.800m2 sàn, 4.684 căn hộ; 21 dự án đang triển khai, đã có quyết định chủ trương đầu tư với khoảng 817.700m2 sàn, 10.232 căn hộ.
Đáng chú ý, giai đoạn 2021-2025, tổng nhu cầu tái định cư, bố trí chỗ ở tạm thời cho các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư trong thời gian thực hiện dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn Hà Nội cần đến 16.186 căn, tương đương khoảng 1.294.880m2 sàn nhà ở.
Sau khi giảm trừ (do quỹ nhà đã hoàn thành chưa bố trí và tỷ lệ người dân nhận hỗ trợ bằng tiền tự lo tái định cư), tổng số căn cần hoàn thành là 5.917 căn, cộng thêm 1.200 căn hộ dự kiến phục vụ nhu cầu bố trí chỗ ở tạm thời cho các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư thì chỉ tiêu trong giai đoạn 2021-2025 là 7.117 căn, tương đương khoảng 560.000m2 sàn.
Để đảm bảo có sẵn quỹ nhà chuyển tiếp từ giai đoạn 2021-2025 "gối đầu" phục vụ nhu cầu tái định cư cho các dự án đầu tư có giải phóng mặt bằng giai đoạn tiếp theo (sau năm 2025) và dự phòng quỹ nhà phục vụ bố trí chỗ ơ tạm thời cho các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư theo quy định Luật Nhà ở, Nghị định số 69/2021/NĐ-CP của Chính phủ, Hà Nội đặt mục tiêu tập trung hoàn thành 15 dự án đầu tư có khả năng hoàn thành và chuẩn bị đầu tư 01 dự án đầu tư xây dựng nhà tái định cư tại điếm XI, phường Phú Thượng, Tây Hồ.
Cụ thể, giai đoạn 2021-2025, có 15 dự án nhà ở tái định cư đang triển khai có khả năng hoàn thành 5.219 căn hộ, tương đương khoảng 418.000m2 sàn.
Như vậy, nhu cầu tái định cư, chỗ ở tạm thời trong giai đoạn 2021-2025 của thành phố cần xây dựng mới khoảng 1.898 căn, tương đương khoảng 151.840m2 sàn.
Nếu trong giai đoạn này, thành phố đầu tư mới 3 dự án tại các khu đất đã hoàn thành giải phóng mặt bằng (với khoảng 1.712 căn, 137.000m2 sàn nhà ở) thì sẽ cơ bản đáp ứng nhu cầu tái định cư của thành phố giai đoạn 2021-2025.
Dự án nhà ở tái định cư tại khu X2 Đại Kim, quận Hoàng Mai. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN) |
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết trong quá trình thực hiện Kế hoạch phát triển nhà ở phục vụ tái định cư, bố trí chỗ ở tạm thời cho các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư trong thời gian thực hiện dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2021-2025, hàng năm, thành phố tiếp tục rà soát, đánh giá cụ thể để đề xuất lộ trình, mô hình đầu tư phù hợp thực tế hoặc thực hiện mua lại các quỹ nhà ở thương mại, sử dụng quỹ nhà ở xã hội để tạo lập quỹ nhà ở phục vụ tái định cư, bố trí chỗ ở tạm thời theo quy định để điều chỉnh cho phù hợp.
Thành phố dự kiến nguồn vốn để hoàn thành quỹ nhà ở này trong giai đoạn 2021-2025 khoảng 5.251.8 tỷ đồng (gồm cả vốn ngân sách và vốn xã hội hóa cua các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng).
Về giải pháp thực hiện, Hà Nội sẽ rà soát, nghiên cứu cơ chế chính sách để điều chỉnh, sửa đổi và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, có cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong các khu nhà ở tái định cư tập trung theo hướng văn minh, hiện đại nhằm đảm bảo chất lượng cuộc sống và giảm giá thành nhà ở cho người dân.
Đặc biệt, Hà Nội tăng cường hiệu quả và tính công khai, minh bạch trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư thông qua phương thức đấu thầu; đẩy mạnh giám sát, áp dụng các chế tài để đảm bảo chủ đầu tư thực hiện đúng cam kết trong quá trình triển khai dự án; thực hiện quản lý sau đầu tư, ban hành các quy chế quản lý cũng như quy định về việc bàn giao, tiếp nhận, bảo trì các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Trên cơ sở bản vẽ thiết kế và vị trí công trình dự án đầu tư nhà tái định cư, Sở Xây dựng cân đối, trình Ủy ban Nhân dân thành phố bố trí quỹ nhà tái định cư phục vụ nhu cầu tái định cư, bố trí chỗ ở tạm thời của các dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
Ủy ban Nhân dân cấp huyện và các chủ đầu tư dự án có trách nhiệm thường xuyên rà soát, báo cáo về tiến độ giải phóng mặt bằng, xác định nhu cầu tái định cư, bố trí chỗ ở tạm thời thực tế của người dân để Sở Xây dựng có phương án bố trí quỹ nhà tái định cư, bố trí chỗ ở tạm thời phù hợp, đảm bảo hiệu quả sử dụng quỹ nhà được bố trí.
Cũng theo chỉ đạo của lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, các cấp ngành và đơn vị liên quan phải kiểm soát tiến độ các dự án xây dựng nhà ở tái định cư và kế hoạch bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư hạ tầng trọng điểm và quá trình triển khai các dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư để đảm bảo hiệu quả việc sử dụng quỹ nhà tái định cư. Cùng đó, kiểm soát chặt chẽ việc triển khai từ giai đoạn lập dự án đến thi công, đảm bảo kỹ mỹ thuật, chất lượng nhà sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng.
Thành phố Hà Nội sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép dừng thực hiện cơ chế đầu tư thí điểm đặt hàng xây dựng nhà ở thương mại để tạo lập quỹ nhà tái định cư đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tại Thông báo số 508/TB-VPCP ngày 31/10/2017; nghiên cứu, xây dựng cơ chế thực hiện bố trí nguồn vốn từ ngân sách để mua lại quỹ nhà ở tại các dự án đầu tư đã được thực hiện theo cơ chế đầu tư thí điểm đặt hàng xây dựng nhà ở thương mại.
Trước mắt, ưu tiên mua lại quỹ nhà ở tại các dự án đầu tư đã hoàn thành đưa vào sử dụng, tránh rủi ro về pháp lý và tháo gỡ vướng mắc về thu hồi vốn của nhà đầu tư.
Thành phố yêu cầu các địa phương và chủ đầu tư tăng cường tuyên truyền, vận động người dân nhận tiền hỗ trợ tự lo tái định cư tại các dự án đầu tư giải phóng mặt bằng, các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư cũ nhận tiền đế tự lo chỗ ở tạm thời trong thời gian thực hiện dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư thay cho việc thành phố phải bố trí tái định cư, chỗ ở tạm thời./.
Theo Minh Nghĩa (TTXVN/Vietnam+)
Link gốc: https://www.vietnamplus.vn/ha-noi-can-khoang-560000m2-san-nha-o-phuc-vu-tai-dinh-cu/835797.vnp