Hà Nội: Điểm danh loạt cao ốc “mọc” trên đất nhà máy sau khi di dời
(Xây dựng) – Sau khi di dời các cơ sở xí nghiệp, nhà máy ra khỏi nội đô Hà Nội, hiện nay những khu đất “vàng” này lại mọc lên hàng loạt các chung cư. Điều này đang trực tiếp gây nên sự quá tải về hạ tầng và ùn tắc giao thông.
Dự án Thống Nhất Complex được xây dựng trên đất Công ty TNHH MTV Thống Nhất, tiền thân là Nhà máy xe đạp Thống Nhất. |
Thành phố Hà Nội có chủ trương di dời các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp ra ngoại thành để khai thác tốt hơn hiệu quả sử dụng đất, giảm áp lực về dân số trong khu vực nội thành, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân. Những quỹ đất sau khi di dời được UBND Thành phố ưu tiên cho việc xây dựng, phát triển các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, công viên…và hạn chế xây dựng chung cư. Tuy nhiên, một thực tế đang diễn ra đó là vẫn còn nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất vẫn “cố thủ” trong nội thành; bên cạnh đó, những trường hợp đã di dời hầu hết đều được các doanh nghiệp bất động sản thâu tóm để “nhồi” cao ốc, khu đô thị.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, với chiều dài khoảng 1km, đường Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân) đang có đến 4 dự án cao ốc mọc trên đất công nghiệp sau khi di dời nhà máy, gây ra áp lực nặng nề lên hạ tầng và môi trường. Cụ thể: Dự án Thống Nhất Complex với tổ hợp nhà liền kề, trung tâm thương mại và căn hộ trên diện tích gần 18.000m2 tại số 82 Nguyễn Tuân. Đây vốn là đất công nghiệp của Công ty TNHH MTV Thống Nhất (tiền thân là Nhà máy xe đạp Thống Nhất). Năm 2011, Công ty này đã liên doanh với Công ty TNHH Phát triển Bắc Việt, góp 30% vốn thành lập Công ty TNHH Thống Nhất - Bắc Việt để thực hiện dự án gồm 2 khối nhà chung cư cao 25 tầng, 552 căn hộ.
Dự án tại số 90 Nguyễn Tuân của Công ty Cổ phần Đầu tư đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà 7. |
Ngay cạnh Thống Nhất Complex, phải kể đến dự án tại số 90 Nguyễn Tuân với 2 tòa nhà chung cư cao 29 tầng nổi và 87 căn thấp tầng. Theo tìm hiểu của phóng viên, khu đất 3,7ha để xây dựng dự án này trước đây do một Xí nghiệp xe buýt thuộc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) quản lý, sử dụng. Vốn dĩ khu đất được cho phép thực hiện dự án xây dựng nhà ở cho cán bộ công nhân viên. Tuy nhiên, tháng 7/2017, UBND Thành phố Hà Nội ký quyết định thu hồi khu đất này và giao cho Công ty Cổ phần Đầu tư đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà 7 để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở.
Dự án tại số 47 Nguyễn Tuân vốn dĩ là trụ sở nhà máy của Công ty Cổ phần Dệt Mùa Đông. |
Tọa lạc trên trục đường Nguyễn Tuân, một tổ hợp chung cư, văn phòng được hình thành trên khu đất vốn là nhà máy của Công ty Cổ phần Dệt Mùa Đông tại số 47 Nguyễn Tuân. Năm 2010, UBND Thành phố Hà Nội ra quyết định thu hồi lô đất này giao cho Công ty Cổ phần Bất động sản Mùa Đông (VID) thực hiện dự án xây dựng Tổ hợp văn phòng dịch vụ thương mại và nhà ở cao tầng.
Xung quanh Hapulico Complex cũng đang có hàng loạt chung cư khác đã được đưa vào sử dụng, tạo gánh nặng cho hạ tầng kỹ thuật toàn khu. |
Cũng nằm trên địa bàn quận Thanh Xuân, dọc tuyến đường Nguyễn Huy Tưởng và Vũ Trọng Phụng, cao ốc Hapulico Complex mọc dày đặc. Theo tìm hiểu, Công ty TNHH MTV Chiếu sáng và thiết bị đô thị (Hapulico) - tiền thân là Công ty Chiếu sáng được thành lập năm 1982. Nhà máy đầu tiên của Hapulico đặt tại số 1 Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội. Sau khi toàn bộ cơ sở sản xuất của Công ty TNHH MTV Chiếu sáng và thiết bị đô thị được chuyển tới cơ sở mới, trên khu đất nhà máy cũ số 1 Nguyễn Huy Tưởng này đã đầu tư một tổ hợp công trình thương mại, văn phòng, nhà ở (gọi tắt Hapulico Complex). Hapulico Complex được xây dựng trên diện tích 43.000m2 với 5 khu chính gồm: Khu hỗn hợp gồm 2 tháp cao 24 tầng; khu A có 2 khối nhà 21 tầng, khu B gồm 4 khối nhà 17 tầng (với 802 căn hộ, khoảng 3.300 cư dân sinh sống) và khu nhà thấp tầng gồm 28 nhà vườn và các công trình hạ tầng xã hội.
Dự án Mipec Rubik 360 tọa lạc trên khu đất từng thuộc sở hữu của Xí nghiệp Trung đại tu ôtô và Trung tâm Tân Đạt thuộc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco). |
Không chỉ riêng địa bàn quận Thanh Xuân, tình trạng sử dụng đất công nghiệp để xây dựng cao ốc sau khi di dời nhà máy cũng xảy ra ở các quận khác. Có thể kể đến dự án Mipec Rubik 360 trên khu đất số 122-124 đường Xuân Thủy (quận Cầu Giấy) trước đây là đất thuộc Xí nghiệp Trung đại tu ôtô và Trung tâm Tân Đạt thuộc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco). Sau đó, khu đất đã được chuyển đổi mục đích sử dụng, bàn giao cho doanh nghiệp xây dựng dự án bất động sản. Dự án gồm 2 tháp căn hộ (tháp S và tháp A) cao 35 tầng (1 tầng đế, 34 tầng căn hộ) và 3 tầng hầm có tổng 976 căn hộ. Nếu tạm tính 3 người trong một căn hộ, dân số tại dự án này là khoảng 3.000 người.
Theo nhận định khách quan, mấu chốt của việc di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp ra ngoài khu vực nội thành là để phát triển và tái cân bằng đô thị. Tuy nhiên, khi điểm qua một loạt công trình mọc trên quỹ đất sau khi di dời, có thể nhận thấy, phần lớn được sử dụng để đầu tư xây dựng các dự án nhà ở, trung tâm thương mại, chưa theo đúng định hướng quy hoạch chung, gây gia tăng áp lực về dân số và quá tải về hạ tầng cho Thủ đô. Trước thực trạng đó, làm dấy lên lo ngại trong dư luận: Liệu trong tương lai, quỹ đất sau khi di dời các nhà máy, xí nghiệp có được xây dựng những công trình công cộng phục vụ đời sống của người dân hay sẽ mọc lên những cao ốc, tiếp tục phá vỡ quy hoạch, quá tải hạ tầng trung tâm Hà Nội?
Tiến Hào – Hưng Thịnh
Theo