Hà Nội: Nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng nhà tái định cư
Theo UBND thành phố Hà Nội, mặc dù thành phố quan tâm chỉ đạo, song việc quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư tái định cư vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế; mới có 113/199 tòa nhà lập Ban quản lý.
Dự án nhà ở tái định cư tại khu X2 Đại Kim, quận Hoàng Mai. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN) |
Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có 199 tòa chung cư tái định cư đã hoàn thành đưa vào sử dụng; trong đó, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội được giao quản lý 149 tỏa (12 tỏa thuộc quỹ nhà 30%), Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà Hà Nội quản lý 20 tỏa, Ban quản lý các công trình nhà ở và công sở quản lý 30 tòa.
Theo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, mặc dù thành phố đã quan tâm chỉ đạo, song việc quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư tái định cư vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế.
Đến nay, mới có 113/199 tòa chung cư thành lập Ban quản trị nhà chung cư; bàn giao kinh phí 2%, hồ sơ, diện tích chung riêng, nhà sinh hoạt cộng đồng, hệ thống trang thiết bị của tòa nhà hay việc quản lý, vận hành... của các đơn vị được giao quản lý cho các Ban quản trị còn chậm và đạt tỷ lệ thấp.
Nhiều Ban quản trị đã được thành lập nhưng lại không tiếp nhận quản lý, vận hành, không ký hợp đồng với các đơn vị để quản lý vận hành tòa nhà. Đáng chú ý, việc bảo trì sửa chữa còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu, gây bức xúc cho cư dân (nhất là việc sửa chữa, bảo trì thang máy và hệ thống phòng cháy chữa cháy, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong tòa nhà.
Một tồn tại nữa là nhiều căn hộ đã bố trí cho các dự án chưa đưa vào sử dụng nhưng không thể điều chuyển cho dự án khác do chủ đầu tư chưa thực hiện xong giải phóng mặt bằng để trả lại quỹ nhà cho thành phố. Nhiều diện tích kinh doanh dịch vụ còn bị sử dụng sai mục đích, một số đơn vị nợ tiền thuê nhà hoặc có đơn vị cho thuê lại không đúng quy định... nên Ủy ban Nhân dân thành phố đã phải ban hành nhiều quyết định thu hồi, quyết định cưỡng chế phần diện tích vi phạm.
Đặc biệt, còn nhiều diện tích kinh doanh dịch vụ để trống, chưa đưa vào sử dụng; nhiều diện tích thành phố bố trí cho các đơn vị làm trụ sở không thu tiền thuê nhà đã làm giảm nguồn thu; nhiều căn hộ đã có quyết định bán nhà nhưng các hộ dân chưa thanh toán tiền mua nhà và nhận nhà.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện còn 223 căn hộ vi phạm, do các cán bộ thuộc Xí nghiệp quản lý khai thác dịch vụ khu đô thị tự ý cho người dân vào ở khi chưa ký hợp đồng, chưa nộp tiền mua nhà. Nguyên nhân để xảy ra tình trạng này là do các đơn vị được giao quản lý đã buông lỏng, không kịp thời ngăn chặn và xử lý vi phạm, dẫn đến một số cá nhân phải xử lý hình sự…
Trước những hạn chế, bất cập trên, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu các sở ngành chức năng và đơn vị liên quan phải kịp thời triển khai giải pháp quản lý cần thiết, đúng quy định của pháp luật để chấn chỉnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư tái định cư, góp phần xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, cải thiện điều kiện ở cho người dân. Đặc biệt, phải giải quyết kịp thời các tranh chấp, bất đồng, không để xảy ra khiếu kiện phức tạp, gây mất trật tự công cộng và an toàn trật tự xã hội.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn yêu cầu Sở Xây dựng phối hợp với Sở Tài chính rà soát, ban hành, sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý, sử dụng quỹ nhà tái định cư đảm bảo đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả. Đồng thời, ủy quyền cho Giám đốc Sở Xây dựng phê duyệt, phê duyệt điều chỉnh Báo cáo kinh tế kỹ thuật bảo trì sửa chữa 6 công trình nhà thuộc sở hữu Nhà nước; ủy quyền cho Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, phê duyệt, phê duyệt điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu bảo trì sửa chữa công trình nhà thuộc sở hữu Nhà nước và quy trình thực hiện bảo trì sửa chữa đối với các hư hỏng đột xuất thuộc diện dân sinh bức xúc.
Cũng theo chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Sở Tài chính chủ trì, phối hợp cùng Sở Xây dựng các sở, ngành liên quan sớm tham mưu trình Ủy ban Nhân dân thành phố cơ chế chính sách để thực hiện phê duyệt dự toán thu chi đối với diện tích kinh doanh dịch vụ tại các nhà tái định cư (trước mắt cho phép vận dụng quy định tại Thông tư 124/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính).
Một khu nhà tái định cư ở Hà Nội. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN) |
Theo đó, Sở Nội vụ kiện toàn tổ chức, bộ máy chức năng nhiệm vụ của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội đảm bảo tinh gọn và đủ năng lực trong quản lý quỹ thuộc sở hữu Nhà nước; trong đó có nhà tái định cư. Sở Xây dựng tăng cường thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng, ký Hợp đồng mua bán căn hộ cư tái định cư đã được Ủy ban Nhân dân thành phố ban hành quyết định bán nhà, các căn hộ trống, căn hộ vi phạm; quản lý, cho thuê diện tích kinh doanh dịch vụ do các đơn vị được giao quản lý.
Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã chỉ đạo Ủy ban Nhân dân các xã, phường tổ chức hội nghị nhà chung cư để bầu Ban quản trị; quản lý diện tích sinh hoạt cộng đồng được chuyển đổi từ các diện tích kinh doanh dịch vụ: rà soát bố trí nhà sinh hoạt cộng đồng hoặc quỹ đất trống để xây dựng nhà văn hóa hoặc quỹ nhà trên địa bàn quản lý để bố trí hoặc kết hợp sinh hoạt chung cho cụm dân cư đối với nhà chung cư tái định cư không có diện tích sinh hoạt cộng đồng và cũng không có diện tích kinh doanh dịch vụ để chuyển đổi mục đích…
Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội nhấn mạnh để xử lý dứt điểm các vi phạm, Công an thành phố sẽ điều tra, khởi tố, truy cứu trách nhiệm đối với các chủ thể có hành vi vi phạm nghiêm trọng trong quản lý, sử dụng tài sản là căn hộ tái định cư và diện tích kinh doanh dịch vụ tại nhà chung cư tái định cư theo quy định.
Đối với đơn vị được giao quản lý, vận hành, sử dụng nhà tái định cư, thành phố yêu cầu cùng với việc thực hiện tốt bảo trì, sửa chữa, cải tạo đảm bảo nhu cầu sinh hoạt thiết yếu cho người dân, phải khẩn trương rà soát, lập phương án cụ thể làm cơ sở tổ chức vận hành, cho thuê diện tích kinh doanh dịch vụ, nhất là những vị trí thuận lợi; xây dựng kế hoạch đấu giá diện tích kinh doanh dịch vụ; thường xuyên rà soát thực trạng sử dụng căn hộ tái định cư, kịp thời có phương án đưa căn hộ tái định cư còn trống vào sử dụng đảm bảo hiệu quả.
Thành phố chỉ đạo kiên quyết cưỡng chế, thu hồi đối với diện tích kinh doanh dịch vụ vi phạm, cố tình chây ỳ, không hợp tác; thu hồi các căn hộ chung cư tái định cư vi phạm, hoàn thành trong năm 2022./.
Theo Minh Nghĩa (TTXVN/Vietnam+)
Link gốc: https://www.vietnamplus.vn/ha-noi-nhieu-bat-cap-trong-quan-ly-su-dung-nha-tai-dinh-cu/834236.vnp