Hải Dương: Xây dựng đô thị mang bản sắc, đặc trưng riêng
(Xây dựng) - Trong các ý tưởng quy hoạch đô thị ở Hải Dương, việc xây dựng các đô thị mang màu sắc, đặc trưng riêng đã được cơ quan chuyên môn quan tâm, trở thành định hướng chủ đạo trong thời gian tới.
Hải Dương phấn đấu đến năm 2030 tỷ lệ đô thị hóa đạt 55% trở lên. |
Mở rộng quy mô
Đến hết năm 2023, tỉnh Hải Dương có 16 đô thị gồm 1 đô thị loại I, 1 đô thị loại III, 1 đô thị loại IV và 13 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt khoảng 40,7%. Theo quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong giai đoạn đến năm 2030, tỉnh Hải Dương sẽ có 28 đô thị gồm 1 đô thị loại I, 1 đô thị loại II, 1 đô thị loại III, 7 đô thị loại IV và 18 đô thị loại V, tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 55%.
Ông Nguyễn Văn Đoàn - Giám đốc Sở Xây dựng Hải Dương cho biết: Sau khi quy hoạch tỉnh Hải Dương được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Sở Xây dựng đã tham mưu UBND tỉnh Hải Dương chỉ đạo UBND các huyện, thành phố, thị xã khẩn trương tổ chức triển khai công tác lập, trình phê duyệt quy hoạch chung đô thị, chương trình phát triển đô thị, đề án phân loại đô thị trên địa bàn làm căn cứ triển khai theo quy định.
Sau khi các khu vực phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh Hải Dương được xác định trong các đồ án quy hoạch chung đô thị, chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh và chương trình phát triển từng đô thị, tỉnh Hải Dương đang kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư tham gia triển khai các dự án phát triển đô thị nhằm từng bước xây dựng, phát triển đô thị theo hướng hiện đại, văn minh, bền vững có kiểm soát.
Đồng thời, để thúc đẩy hoàn thành các chỉ tiêu về phát triển đô thị, UBND tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức triển khai thực hiện nhiều dự án hạ tầng với mục tiêu tăng tính kết nối giữa các đô thị, nâng cao chất lượng đô thị như: Dự án đường trục Bắc - Nam tỉnh (đoạn phía Nam); đường trục Đông - Tây tỉnh; đường trục Bắc - Nam huyện Thanh Miện; đường từ thị xã Kinh Môn nối với cầu Dinh đi Hải Phòng; đường và cầu Vạn nối thị xã Kinh Môn và thành phố Chí Linh; đường tránh Tỉnh lộ 391 qua thị trấn Tứ Kỳ; đường Vành đai 1 thành phố Hải Dương; đường Vũ Công Đán thành phố Hải Dương; đường tránh Quốc lộ 37 qua thị trấn Gia Lộc; đường tránh Tỉnh lộ 392 qua thị trấn Thanh Miện; đường dẫn và cầu Đồng Việt nối thành phố Chí Linh với tỉnh Bắc Giang…
Những công trình này góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông, đô thị, tăng tính liên kết nội vùng, liên kết với các tỉnh, thành phố lân cận góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Xây dựng đô thị đặc sắc Hải Dương
Hải Dương có một hệ thống sông ngòi dày đặc như sông Lục Đầu, sông Thái Bình, sông Kinh Thầy, sông Luộc, sông Sặt, sông Cửu An, sông Hương, sông Đình Đào… Những con sông này vừa mang trong mình những giá trị văn hóa, lịch sử lớn lao vừa có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh cũng như tạo nên giá trị cảnh quan độc đáo.
Tuy nhiên, trong một thời gian dài, các nhà làm quy hoạch cũng như chính quyền đô thị Hải Dương dường như đã “quay lưng” lại với các dòng sông khiến bộ mặt nhiều đô thị nhếch nhác, bức bối.
Vai trò của các dòng sông trong phát triển đô thị ở Hải Dương đã được nhìn nhận đúng đắn. |
Trong quy hoạch chung tỉnh Hải Dương mới được phê duyệt, phát triển đô thị là một trong 5 trụ cột chiến lược của tỉnh với mục tiêu thúc đẩy việc xây dựng và phát triển các khu đô thị theo hướng xanh, hiện đại, thông minh nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân. Trục phát triển kinh tế dọc các tuyến sông với trọng điểm là trục dọc sông Thái Bình và phát triển không gian đô thị gắn kết với không gian sông, hài hòa với thiên nhiên.
Ông Phạm Văn Quyết - Trưởng phòng Quy hoạch và Phát triển đô thị (Sở Xây dựng Hải Dương) cho biết, các tuyến sông trên địa bàn tỉnh còn chưa được khai thác hết lợi thế, tiềm năng trong phát triển đô thị. Một tiềm năng to lớn của các con sông đang bị bỏ phí. Vì thế, để khơi dậy được tiềm năng của các dòng sông cần có các giải pháp hợp lý, trong đó có giải pháp về quy hoạch các khu dân cư, đô thị mới gắn liền với phát triển du lịch.
Thời gian qua, Sở Xây dựng đã tham mưu cho tỉnh một số giải pháp, phương án về quy hoạch nhằm cụ thể hóa việc phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với các khu dân cư, đô thị ven sông. Việc phát triển đô thị ven sông sẽ được thực hiện một cách hợp lý, hài hòa, bảo đảm về quy mô, cảnh quan và phát huy hiệu quả lợi thế các tuyến sông.
Hiện nay, một số khu dân cư, đô thị ven sông trên địa bàn tỉnh đã hình thành. Ngoài Ecorivers, khu đô thị mới bắc cầu Hàn giáp sông Thái Bình rộng hơn 100ha thuộc địa bàn các xã Minh Tân (Nam Sách) và Thượng Đạt (thành phố Hải Dương) đang được được chủ đầu tư hoàn thiện hạ tầng.
Bên cạnh đó đã có nhiều khu đô thị sinh thái gắn liền với các dòng sông được địa phương đưa vào quy hoạch hoặc được các nhà đầu tư quan tâm đề xuất lập quy hoạch như: Khu đô thị sinh thái Đảo Ngọc ven sông Sặt ở thành phố Hải Dương, khu dân cư ven sông Sặt (Bình Giang), khu dân cư mới sông Hương ở xã Hồng Lạc (Thanh Hà); khu nghỉ dưỡng, sinh thái, thể thao và vui chơi giải trí tại cồn Vĩnh Trụ ở xã Đồng Lạc (thành phố Chí Linh); khu đô thị, du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, thể thao và vui chơi giải trí ven sông Thái Bình (thành phố Hải Dương); khu phức hợp sân golf, vui chơi và nghỉ dưỡng sinh thái ở khu vực bãi Soi sông Thái Bình…
Điều này có thể thấy các nhà quản lý, doanh nghiệp đã nhận thức rõ vai trò, giá trị của các dòng sông đối với phát triển đô thị cũng như xây dựng một không gian sống xanh cho người dân.
Ông Nguyễn Văn Đoàn - Giám đốc Sở Xây dựng Hải Dương cho biết, thực hiện Quyết định số 84/QĐ-TTg ngày 19/1/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2030, Hải Dương đã xây dựng được các tiền đề, triển khai thực hiện mục tiêu phát triển đô thị tăng trưởng xanh bằng nhiều kế hoạch, chỉ đạo cụ thể. Trong đó, Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp triển khai thực hiện các nội dung phát triển đô thị tăng trưởng xanh trên địa bàn tỉnh.
Sở đã yêu cầu rà soát, điều chỉnh quy hoạch đô thị, các chương trình phát triển đô thị của địa phương lồng ghép với mục tiêu phát triển đô thị tăng trưởng xanh và ứng phó biến đổi khí hậu. Tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng huyện, trong đó có lồng ghép nội dung phát triển đô thị tăng trưởng xanh.
Trong quá trình lập, thẩm định quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết đô thị, khu, cụm công nghiệp và chương trình phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh Hải Dương, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Xây dựng hướng dẫn, yêu cầu các đơn vị có liên quan đưa ra các giải pháp nhằm ứng phó biến đổi khí hậu, lồng ghép vào trong quy hoạch, chương trình phát triển đô thị, nhằm định hướng phát triển đô thị tỉnh Hải Dương theo hướng bền vững.
Lan Hạ
Theo