Hé lộ lượng tiền dự báo đổ vào bất động sản từ dòng vốn vừa được nới room
Với giả định tỷ lệ vốn tín dụng bình quân dành khoảng 20% cho bất động sản, tiến sĩ Cấn Văn Lực ước tính sẽ có khoảng 40.000 tỷ đồng chảy vào thị trường khi Ngân hàng Nhà nước nới room.
Khoảng 40.000 tỷ đồng sẽ chảy vào bất động sản
Ngày 5/12, Ngân hàng Nhà nước thông báo về việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng cho năm nay, với mức tăng 1,5-2%, tương đương 240.000 tỷ đồng được cung ứng thêm cho nền kinh tế.
Trong một chương trình mới đây của VTV, tiến sĩ Cấn Văn Lực - Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV - nhận định, dòng vốn này sẽ nhanh chóng vào cuộc sống, đi vào sản xuất kinh doanh bởi hiện nay đa số hồ sơ chờ giải ngân mang tính cấp bách tại ngân hàng đã có sẵn.
Chuyên gia này cho biết không nên quá lo ngại dòng vốn sẽ đi vào những kênh đầu cơ, đầu tư có tính chất rủi ro cao.
Để tính toán lượng vốn sẽ được dành cho bất động sản, ông giả định lượng tỷ lệ vốn tín dụng bình quân dành khoảng 20% cho thị trường bất động sản, trong đó 67% cho vay mua nhà, 33% liên quan đến đầu tư, dựa trên các số liệu báo cáo trước đây.
"Nếu theo số liệu trên thì sẽ có 40.000 tỷ đồng trong khoảng 200.000 tỷ đồng (con số này chênh lệch so với công bố của Ngân hàng Nhà nước - PV) có thể dành cho thị trường bất động sản. Con số bình quân sơ bộ là như thế. Đây là lượng tiền rất lớn. Còn nhớ năm 2013 chúng ta có gói giải cứu bất động chỉ 30.000 tỷ đồng nhưng thị trường đã bứt phá", ông Lực phân tích.
Động thái này, theo ông Lực, còn tạo ra niềm tin cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư sẵn sàng "xuống tiền" trở lại cũng như kích thích những dòng tiền khác.
Chuyên gia Lực đánh giá có 3 lý do khiến Ngân hàng Nhà nước cấp thêm 1,5-2% tín dụng. Thứ nhất là tình hình bên ngoài tương đối ổn khi lạm phát, lãi suất, tỷ giá trên toàn cầu giảm nhiệt rất nhiều so với trước. Theo đó lạm phát Mỹ đã qua đỉnh từ tháng 8 và châu Âu là qua đỉnh từ tháng 10 vừa qua. Tốc độ tăng lãi suất của các nước bắt đầu giảm, từ đó áp lực tỷ giá giảm nhiệt mạnh trong tháng 11 vừa qua.
Thứ 2 là thanh khoản hệ thống ngân hàng được cải thiện. Số liệu báo cáo cho thấy tăng trưởng tín dụng hiện nay đạt 12,2%. Huy động vốn tăng 5,5%. Như vậy, dù vẫn có độ lệch pha nhất định nhưng đã đỡ hơn so với các tháng trước, dòng tiền người dân gửi ngân hàng nhiều hơn.
Thứ 3 là nhu cầu vốn của doanh nghiệp vào cuối năm rất lớn bao gồm vốn đáp ứng nhu cầu thanh khoản, vốn đáp ứng nhu cầu các khoản nợ đáo hạn, vốn để sản xuất kinh doanh.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực - Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV (Ảnh: IT) |
Dòng vốn sẽ chảy đến đúng nhu cầu ở thực
Trên thực tế thị trường bất động sản hiện đối mặt với 3 vấn đề vô cùng thách thức. Thứ nhất, thị trường đang điều chỉnh rất mạnh sau hơn 2 năm tăng trưởng tương đối nóng. Thứ hai là câu chuyện về pháp lý vẫn chưa được giải quyết rốt ráo. Thứ ba liên quan đến vốn.
Động thái nới room của Ngân hàng Nhà nước được đánh giá là tín hiệu cực vui, tin tốt cho thị trường bất động sản khi nhiều nhà đầu tư có nhu cầu vốn giải ngân giai đoạn này.
Tuy nhiên, không ít người lo ngại dòng vốn sẽ chảy vào phân khúc đầu cơ thay vì đi vào nhu cầu thực. Theo tiến sĩ Cấn Văn Lực, có 3 lý do khiến dòng vốn sẽ chảy đến đúng với người có nhu cầu ở thực.
Đầu tiên là các hồ sơ đang chờ giải ngân đã được các ngân hàng rà soát rất kỹ trong thời gian vừa qua. Những hồ sơ này phải đảm bảo điều kiện tốt về pháp lý và có nhu cầu thực. Ngoài ra thời điểm hiện tại việc cho vay đầu cơ đều gây rủi ro cho cả người đi vay và người vay trong bối cảnh tương lai bất định, lãi suất cao.
Thứ hai là bài học kinh nghiệm của cả hệ thống ngân hàng, doanh nghiệp tích lũy được thời gian qua. Họ biết giải ngân biết như nào để đáp ứng yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.
Thứ ba là những chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, yêu cầu từ Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính quan tâm đến lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là lĩnh vực người dân mua nhà ở xã hội cũng như nhà ở phục vụ thực sự cho nhu cầu đời sống.
Theo Mộc An/Dantri.com.vn