Hội thảo góp ý kiến lần thứ nhất về một số nội dung trọng tâm Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thô

Xây dựng Chiều 25 11 tại Đà Nẵng Bộ Xây dựng tổ chức Hội thảo góp ý kiến lần thứ nhất về một số nội dung trọng tâm Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 2030 tầm nhìn đến năm 2050 Tham dự H

Hội thảo góp ý kiến lần thứ nhất về một số nội dung trọng tâm Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

21:42 | 25/11/2022

(Xây dựng) - Chiều 25/11, tại Đà Nẵng, Bộ Xây dựng tổ chức Hội thảo góp ý kiến lần thứ nhất về một số nội dung trọng tâm Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng và đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành liên quan.

Hội thảo góp ý kiến lần thứ nhất về một số nội dung trọng tâm Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn được xác định là quy hoạch cấp quốc gia thuộc Quy hoạch ngành kết cấu hạ tầng. Việc lập Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là một yêu cầu của Chính phủ trong việc triển khai thực hiện Luật Quy hoạch theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ.

Đối với ngành Xây dựng, Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cơ sở để ngành Xây dựng thống nhất với các ngành trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, hệ thống đô thị và nông thôn, hướng dẫn các địa phương lập, điều chỉnh quy hoạch đô thị, nông thôn. Đồng thời cũng là cơ sở để ngành Xây dựng triển khai xây dựng hợp phần Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn trong Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phạm vi ranh giới quy hoạch là toàn bộ lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam bao gồm đất liền, các hải đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam. Ranh giới trực tiếp nghiên cứu lập quy hoạch là tổng diện tích đất tự nhiên của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khoảng 331.231km2.

Những thập kỷ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng ở Việt Nam song hành với quá trình đô thị hóa và chuyển đổi không gian. Quá trình đô thị hóa gắn liền với dịch chuyển cư dân từ nông thôn đến thành thị và dịch chuyển của người lao động từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp và dịch vụ ở các trung tâm đô thị. Quá trình đô thị hóa cũng gắng liền với gia tăng dân số ở khu vực đô thị. Trong quá trình đô thị hóa thời gian qua đã phần nào kiểm soát được tình trạng bất bình đẳng giữa đô thị, nông thôn và các vùng thông qua thúc đẩy công nghiệp hóa nông thôn, đô thị hóa tại chỗ và phân bổ ngân sách từ Trung ương cho những khu vực nghèo hơn.

Từ năm 2011 đến nay, quá trình đô thị hóa phát triển một cách mạnh mẽ và có hiệu quả. Tính đến cuối năm 2020, tỷ lệ đô thị hóa của cả nước đạt 34,43%, tổng số đô thị của cả nước là 833 đô thị, tốc độ tăng dân số đô thị hơn 3%/năm. Đô thị hóa cao nhất tập trung tại vùng Đông Nam Bộ, thấp nhất tại vùng Trung du miền núi phía Bắc. Đô thị hóa đã thực sự góp phần tạo ra nguồn lực trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, kinh tế đô thị góp khoảng 70% GDP của cả nước. Các chỉ số thu ngân sách của các vùng tỉnh và các đô thị lớn cho thấy tăng trưởng kinh tế ở khu vực đô thị đạt trung bình từ 12-15%.

Đô thị hóa là quá trình lịch sử tự nhiên, cùng với chính sách chuyển đổi các ngành kinh tế từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp diễn ra mạnh mẽ ở các khu vực đô thị trên phạm vi quốc gia. Từ đó làm thay đổi nhanh chóng về quy mô, chất lượng và năng lực hội nhập toàn cầu.

Các ý kiến của các đại biểu cho rằng: Đô thị hóa Việt Nam là quá trình tất yếu và được coi là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Trong đó, các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ đã trở thành các trụ cột phát triển của đất nước và cạnh trạnh quốc tế mạnh mẽ. Nhiều thành phố đô thị tỉnh lỵ cũng đã và đang là trụ cột phát triển của các vùng miền. Đô thị hóa là điều kiện quan trọng thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước thời kỳ 2021-2030.

Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa, mở rộng đô thị đã tác động lớn đến khu vực nông thôn. Nhất là sự biến động về sử dụng đất dẫn đến sự thay đổi về cơ cấu sử dụng đất giảm mạnh về diện tích đất nông nghiệp, đất chưa sử dụng…

Hội thảo góp ý kiến lần thứ nhất về một số nội dung trọng tâm Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Hội thảo với sự tham dự của đại diện các Sở, ban, ngành liên quan của các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và một số tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long.

Để từng bước xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đô thị Việt Nam phát triển phải đổi mới công tác quy hoạch và phát triển đô thị, chuẩn hóa việc xác định khu vực đô thị theo thông lệ quốc tế. Chủ động phân định các khu vực đô thị gắn với các chính sách cụ thể nhằm kiểm soát quá trình đô thị hóa. Tái tổ chức không gian đô thị lãnh thổ tăng trưởng đô thị hóa nhanh, bền vững. Hoàn thiện khung pháp lý về quản lý phát triển đô thị theo hướng quy hoạch đô thị gắn chặt chẽ với quy hoạch nông thôn. Sớm xây dựng và ban hành Luật để quản lý, phát triển đô thị, quản lý hạ tầng kỹ thuật. Việc quy hoạch phát triển phải gắn với mô hình quản lý hành chính, có quy hoạch đi trước, ưu tiên các nguồn lực phát triển khung hạ tầng kết nối giữa các đô thị, giữa đô thị và nông thôn.

Nguyễn Nam

Theo