HoREA kiến nghị 9 giải pháp để phát triển thị trường bất động sản

Xây dựng Ông Lê Hoàng Châu Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh HoREA vừa kiến nghị 9 giải pháp để thực hiện mục tiêu phát triển thị trường bất động sản an toàn lành mạnh bền vững

HoREA kiến nghị 9 giải pháp để phát triển thị trường bất động sản

11:14 | 24/10/2022

(Xây dựng) - Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) vừa kiến nghị 9 giải pháp để thực hiện mục tiêu “phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững”.

horea kien nghi 9 giai phap de phat trien thi truong bat dong san
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo đó, các kiến nghị nói trên được Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh nêu ra trong “Báo cáo đánh giá thị trường bất động sản 09 tháng đầu năm 2022 và kiến nghị một số giải pháp để thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững”. Đồng thời, ông Lê Hoàng Châu cũng gửi các kiến nghị này đến Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng.

Thứ nhất, ông Lê Hoàng Châu cho biết, Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ cùng các cơ quan thẩm quyền của Trung ương và các địa phương tập trung mọi nỗ lực để thực hiện mục tiêu của Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 16/06/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “Đến năm 2023 phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai 2013 và một số luật liên quan, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất” là giải pháp có tính quyết định nhất để thực hiện mục tiêu “phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững”.

Bên cạnh đó, ông Châu cũng cho rằng, đi đôi với việc hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai 2013 và “một số luật liên quan” trong năm 2023 gồm Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đấu thầu, Luật Giá, Luật Phòng, chống rửa tiền, Hiệp hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ xem xét sửa đổi Luật Quản lý đô thị, Luật Xây dựng, Luật Đấu giá tài sản, Luật Thuế GTGT, Luật Thuế TNDN, Luật Đầu tư, Bộ luật Dân sự… để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất.

Thứ hai, Hiệp hội kiến nghị Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cho phép thí điểm áp dụng tương tự Nghị quyết số 42/2017/NQ-QH14 của Quốc hội khoá XIV đã cho phép doanh nghiệp chủ đầu tư được “chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án khi đã có Giấy chứng nhận hoặc có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền”. Trường hợp chủ đầu tư chuyển nhượng chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất với Nhà nước đối với dự án, phần dự án chuyển nhượng thì chủ đầu tư nhận chuyển nhượng chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ này.

Thứ ba, Hiệp hội kiến nghị Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền của Trung ương sớm xem xét “có kết luận dứt điểm” các dự án sử dụng quỹ đất có nguồn gốc “đất công”, hoặc do cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, hoặc do di dời cơ sở sản xuất ô nhiễm đã bị dừng triển khai từ năm 2017 đến nay do phải thực hiện công tác rà soát pháp lý, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh có 64 dự án, để tăng nguồn cung nhà ở.

Trong quá trình xử lý các dự án thuộc diện rà soát pháp lý, Hiệp hội đề nghị thực hiện chủ trương “thu hồi triệt để tài sản Nhà nước bị thất thoát do tham nhũng, tiêu cực” và các doanh nghiệp có liên quan phải nộp nghĩa vụ tài chính, bao gồm cả nghĩa vụ tài chính bổ sung (nếu có) vào ngân sách Nhà nước theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, để cho dự án được tiếp tục triển khai thực hiện góp phần phát triển kinh tế và tăng nguồn cung dự án nhà ở thương mại và sản phẩm nhà ở cho thị trường bất động sản.

Thứ tư, Hiệp hội kiến nghị Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ xem xét có thể nới trần (room) tín dụng thêm khoảng từ 1-2% để có thêm nguồn vốn tín dụng khoảng 100-200 ngàn tỷ đồng để hỗ trợ cho nền kinh tế trong giai đoạn cao điểm cuối năm.

Đồng thời, Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét điều chỉnh Văn bản số 437/TTGSNH-TTr1 ngày 25/04/2022 của Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo “Quản lý chặt chẽ tình hình cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, chuyển tiền thu được từ bất động sản ra nước ngoài, thực hiện chính sách tín dụng linh hoạt đáp ứng nhu cầu thực về nhà ở của người dân, hạn chế tín dụng cho đầu tư bất động sản cao cấp, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng và đầu cơ bất động sản” và quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư, người mua nhà và nhà đầu tư thứ cấp trên thị trường bất động sản tiếp tục được tiếp cận nguồn vốn tín dụng đối với các dự án bất động sản, khu đô thị, nhà ở thương mại, khu du lịch nghỉ dưỡng, khu công nghiệp, văn phòng cho thuê… của các chủ đầu tư có uy tín thương hiệu và đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, nhất là các dự án nhà ở giá vừa túi tiền và các dự án nhà ở xã hội.

Hiệp hội cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét lại, nên sửa đổi Thông tư số 20/2021/TT-NHNN để cho phép các tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước chỉ định (Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agrikbank) được cho cá nhân, hộ gia đình vay vốn ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội.

Thứ năm, Hiệp hội đề nghị Bộ Tài chính và Chính phủ xem xét, tạo điều kiện cho nhà đầu tư cá nhân không phải là “nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp” được đầu tư, mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với một tỷ lệ nhất định.

Chính sách này sẽ thu hút nguồn vốn nhỏ lẻ nhàn rỗi trong xã hội và giúp cho người dân có thêm kênh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, nhất là Nghị định 65/2022/NĐ-CP đã có các quy định rất chặt chẽ đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ.

Đồng thời, Hiệp hội đề nghị Bộ Tài chính và Chính phủ xem xét, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có quy mô lớn, có uy tín thương hiệu, công ty đại chúng, công ty niêm yết trên sàn chứng khoán được xếp hạng tín nhiệm thì được phát hành riêng lẻ chào bán cho nhà đầu tư cá nhân không phải là “nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp”.

“Trước mắt, để đảm bảo cho các nhà đầu tư cá nhân chưa đủ điều kiện “nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp” có thể tham gia đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, Hiệp hội đề nghị quy định cho phép các nhà đầu tư cá nhân này được ủy thác cho công ty chứng khoán, các tổ chức đảm bảo năng lực bằng các hợp đồng thương mại để đầu tư trái phiếu theo quy định. Như vậy thì mới phát huy được hiệu quả nguồn vốn đầu tư trái phiếu, cũng như đảm bảo “rủi ro” cho các nhà đầu tư cá nhân (không đủ điều kiện) khi ủy thác đầu tư thông qua các tổ chức chuyên nghiệp có năng lực theo quy định”, ông Châu kiến nghị.

Thứ sáu, Hiệp hội kiến nghị Bộ Xây dựng và Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo cho phép chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, khu đô thị được quyền đầu tư xây dựng, kinh doanh trên phần đất thương mại, dịch vụ của dự án như công trình y tế, giáo dục, công viên vui chơi giải trí, công viên chuyên đề.

Thứ bảy, Hiệp hội kiến nghị Bộ Tài chính và Chính phủ cho phép các tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản kinh doanh đa ngành được hạch toán dùng phần lợi nhuận kinh doanh bất động sản để “bù” các khoản kinh doanh bị lỗ của các lĩnh vực kinh doanh khác.

Thứ tám, Hiệp hội kiến nghị Bộ Tài nguyên Môi trường và Chính phủ cho phép cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng là căn hộ du lịch, biệt thự du lịch và công trình khác (công trình phục vụ mục đích lưu trú, du lịch, gọi chung là condotel) trên đất thương mại, dịch vụ mà trước đây đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ gắn với “quyền sử dụng đất ở không hình thành đơn vị ở ổn định lâu dài” trái pháp luật, đã bị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thu hồi, hủy bỏ Giấy chứng nhận.

Thứ chín, Hiệp hội đề nghị Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp để thống nhất thực hiện “Trình tự thủ tục thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và dự án đầu tư xây dựng lại nhà chung cư cấp D trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh”; và tiếp tục chỉ đạo xem xét giải quyết hơn 100 dự án bị “vướng mắc” của các doanh nghiệp và đẩy mạnh công tác cấp Giấy chứng nhận (sổ hồng) cho người mua nhà trong dự án nhà ở thương mại.

Ông Lê Hoàng Châu cho biết, Hiệp hội rất hoan nghênh Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã có Văn bản số 3013/UBND-ĐT ngày 26/08/2022 “Về Trình tự thủ tục thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và dự án đầu tư xây dựng lại nhà chung cư cấp D trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh”, nhưng đến nay việc thực hiện trình tự thủ tục thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và cả dự án nhà ở thương mại cũng vẫn bị “vướng mắc” thủ tục đầu tư xây dựng, ngay tại khâu “đầu tiên” là công tác “chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư” tại Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Do đó, Hiệp hội đề nghị Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp để thống nhất thực hiện “Trình tự thủ tục thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và dự án nhà ở thương mại”.

horea kien nghi 9 giai phap de phat trien thi truong bat dong san
Thị trường bất động sản cần phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Bên cạnh đó, Hiệp hội rất hoan nghênh Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã có hơn 05 văn bản chỉ đạo các Sở, ngành phối hợp xem xét giải quyết hơn 100 dự án bị “vướng mắc” của các doanh nghiệp, nhưng kết quả giải quyết vẫn còn chậm. Hiệp hội đề nghị Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các Sở, ngành làm việc trực tiếp với các chủ đầu tư để sớm đề xuất giải quyết phù hợp với các quy định pháp luật và thực tiễn của từng dự án.

Cùng với đó, đầu năm 2022, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết có khoảng hơn 60.000 căn nhà trong các dự án nhà ở thương mại chưa được cấp “sổ hồng”. Trong 09 tháng đầu năm 2022, Sở Tài nguyên và Môi trường đã nỗ lực thực hiện cấp được 19.052 “sổ hồng” cho người mua nhà trong dự án nhà ở thương mại. Hiệp hội đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường nỗ lực thực hiện cấp “sổ hồng” cho các trường hợp còn lại để người mua nhà yên tâm và được bảo vệ quyền lợi.

Thiên Nam

Theo