Khát vọng thành phố bên sông Hàn

Xây dựng Quy hoạch TP Đà Nẵng mở ra cơ hội không gian phát triển mới cho thành phố thể hiện khát vọng của Nhân dân Đà Nẵng về một thành phố đáng sống trung tâm kinh tế xã hội du lịch thương mại tài chính

Khát vọng thành phố bên sông Hàn

08:00 | 11/02/2024

(Xây dựng) - Quy hoạch TP Đà Nẵng mở ra cơ hội, không gian phát triển mới cho thành phố, thể hiện khát vọng của Nhân dân Đà Nẵng về một thành phố đáng sống, trung tâm kinh tế - xã hội, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao của cả nước và khu vực Đông Nam Á.

Khát vọng thành phố bên sông Hàn

Đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 9,5 - 10%/năm

Tháng 11/2023, UBND TP Đà Nẵng tổ chức Công bố quy hoạch TP Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với các mục tiêu cụ thể về kinh tế - xã hội, kết cấu hạ tầng đô thị, môi trường, quốc phòng an ninh…

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà khẳng định: Bản quy hoạch TP Đà Nẵng được xây dựng với tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn, dựa trên tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh, cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019, thể hiện khát vọng của Nhân dân Đà Nẵng về một thành phố đáng sống, trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á.

Về kinh tế, TP Đà Nẵng đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 9,5 - 10%/năm và phấn đấu đạt 12%/năm theo tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị. Cơ cấu kinh tế: Nông, lâm nghiệp - thủy sản chiếm 1 - 2%; công nghiệp - xây dựng chiếm 29 - 30%; dịch vụ khoảng 61 - 62%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm khoảng 8 - 9%. GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt 8.000 - 8.500 USD. Thu ngân sách tăng bình quân 9 - 11%/năm. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 11 - 12%/năm.

Về xã hội, thành phố đặt mục tiêu tốc độ tăng dân số bình quân đạt 2,9%/năm. Đến năm 2030, dân số thành phố khoảng 1,56 triệu người, tính cả dân số quy đổi khoảng 1,79 triệu người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 78%. Duy trì mức giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều từ 1 - 1,5%/năm.

Về kết cấu hạ tầng, đô thị, địa phương hướng đến tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 90%. Tỷ lệ đất giao thông so với đất xây dựng đô thị đạt 23 - 26%, trong đó tỷ lệ đất giao thông đô thị (tính đến đường liên khu vực) đạt tối thiểu 9 - 10%, tỷ lệ đất cho giao thông tĩnh đạt 3 - 4% diện tích đất xây dựng đô thị.

Về môi trường, Đà Nẵng mong muốn 100% dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung; 100% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý trên 97%; đầu tư xây dựng mới cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt đảm bảo tỷ lệ chôn lấp sau xử lý không quá 20%; tỷ lệ chất thải nguy hại thu gom được xử lý theo quy định đạt 100%...

Để đạt mục tiêu trên, lãnh đạo TP Đà Nẵng đặt ra nhiệm vụ trọng tâm. Đầu tiên là tái cơ cấu và xây dựng mô hình tăng trưởng theo hướng chuyển đổi thích nghi và phù hợp với giai đoạn phát triển mới, thu hút nguồn lực, điều chỉnh cơ cấu và nâng cao hiệu quả đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử...

Thứ hai là, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng công nghiệp, nhất là công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin được định hướng là một trong 3 trụ cột trong thời kỳ mới của nền kinh tế Đà Nẵng. Thứ ba là, phát triển các ngành dịch vụ, trọng tâm là dịch vụ du lịch và dịch vụ vận tải, kho bãi; đến năm 2030, đưa Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm du lịch, vận tải và logistics, cảng biển của cả nước.

Thứ tư là, tập trung phát triển Đà Nẵng thành trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực, hình thành khu phi thuế quan, khu thương mại tự do, phát triển dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông, y tế, giáo dục - đào tạo chất lượng cao. Thứ năm là, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững.

Thứ sáu là, quy hoạch phát triển đô thị dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế và nguyên tắc phát triển của một đô thị hiện đại. Và cuối cùng là đảm bảo sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nước, bảo vệ đa dạng sinh học, môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phấn đấu thành trung tâm kinh tế - xã hội lớn

Quy hoạch mới sẽ mở ra cơ hội, không gian phát triển, được kỳ vọng tạo ra xung lực mới để Đà Nẵng tạo kỳ tích lần thứ hai về phát triển kinh tế - xã hội, với trụ cột kinh tế tri thức.

TP Đà Nẵng đặt mục tiêu trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á, với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ; Trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế; Thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, khu vực Bắc Tây Nguyên và đạt đẳng cấp khu vực châu Á; Đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, thành phố đáng sống; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo, được bảo đảm vững chắc…

Khát vọng thành phố bên sông Hàn

Để đạt mục tiêu này, lãnh đạo TP Đà Nẵng cùng Nhân dân luôn hướng đến việc phải chuyển hoá khát vọng phát triển mãnh liệt, niềm tự hào, tình yêu quê hương cùng tinh thần đổi mới vào trong từng hành động, việc làm nhỏ nhất, để thành phố không chỉ đáng sống, mà còn đáng đầu tư, đáng cống hiến, đáng trải nghiệm.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho rằng, để đạt mục tiêu đề ra, địa phương phải thực hiện các nhiệm vụ, nhằm hiện thực hóa quy hoạch Đà Nẵng.

Theo đó, Đà Nẵng cần khẩn trương xây dựng lộ trình triển khai và xác định nội dung trọng tâm, tiến độ và nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án trong quy hoạch. Rà soát, lập, điều chỉnh, triển khai các quy hoạch chi tiết, chuyên ngành, phân khu bảo đảm thống nhất, đồng bộ với quy hoạch tỉnh. Công bố công khai, rộng rãi các quy hoạch, quảng bá xúc tiến để thu hút các nguồn lực xã hội, đặc biệt để Nhân dân giám sát việc thực thi quy hoạch.

Nghiên cứu, hoàn thiện, tạo cơ chế chính sách đột phá, tập trung cải cách hành chính, phát triển chính quyền điện tử, đô thị thông minh. Ban hành các tiêu chuẩn xanh, suất vốn đầu tư, công nghệ trong thu hút đầu tư, để thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, lấy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và tăng năng suất lao động làm nền tảng.

Ưu tiên đầu tư các dự án động lực, trọng điểm, tác động trực tiếp đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, có tính lan tỏa lớn. Tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực, thu hút nhân tài, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, coi đây là động lực đột phá. Chú trọng phát triển văn hóa, con người, nâng chất lượng cuộc sống của người dân, bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên tiếp tục xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố đáng sống, đẳng cấp quốc tế…

Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp; đổi mới tác phong lề lối làm việc, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho các thành phần kinh tế, trong đó đặc biệt quan tâm thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển nhanh và bền vững.

Địa phương xác định khâu đột phá phát triển, trong đó đổi mới sáng tạo, kinh tế tri thức và chuyển đổi số là nhân tố đóng góp chủ yếu nâng cao chất lượng tăng trưởng. Phát huy vai trò của các thành phần kinh tế; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực xã hội, để tạo đột phá trong xây dựng kết cấu hạ tầng.

Nâng cao chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; ban hành cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng. Phát triển toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy tối đa nhân tố văn hóa, con người làm nền tảng phát triển bền vững.

Ngọc Long - Thanh Đức

Theo