Kỳ 2 Các dự án nhà ở xã hội chậm triển khai do đâu

Xây dựng Nhà đầu tư phải đối mặt với nhiều khó khăn như giải phóng mặt bằng thủ tục hành chính gây nên sự chậm trễ trong việc triển khai các dự án nhà ở xã hội NƠXH tại Thanh Hóa

Kỳ 2: Các dự án nhà ở xã hội chậm triển khai do đâu?

11:02 | 27/09/2023

(Xây dựng) - Nhà đầu tư phải đối mặt với nhiều khó khăn như giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính... gây nên sự chậm trễ trong việc triển khai các dự án nhà ở xã hội (NƠXH) tại Thanh Hóa.

Kỳ 2: Các dự án nhà ở xã hội chậm triển khai do đâu?
Dự án được chấp thuận từ năm 2014, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần phát triển AMC Toàn Cầu. Sau khi chính thức khởi công vào tháng 01/2021 đến nay, dự án vẫn “án binh bất động”, cỏ dại mọc um tùm.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, một chủ đầu tư trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: “Khó khăn đầu tiên, đó là về hình thức giao đất thực hiện dự án. Để được miễn tiền sử dụng đất, cơ quan chức năng yêu cầu phải xác định tiền sử dụng đất rồi mới thực hiện thủ tục miễn, làm phát sinh thủ tục hành chính. Để thực hiện thủ tục này phải mất thời gian từ 1-2 năm.

Cùng với đó là bất cập về quyền và ưu đãi cho chủ đầu tư như các dự án NƠXH phải dành tối thiểu 20% diện tích nhà ở để cho thuê, chủ đầu tư chỉ được bán sau 5 năm đưa vào sử dụng. Trên thực tế có nhiều dự án không cho thuê được phần diện tích này, dẫn đến tình trạng các căn hộ để không, lãng phí.

Các ưu đãi cho chủ đầu tư như miễn tiền sử dụng đất, giảm 50% thuế, được dành 20% tổng diện tích đất ở (hoặc diện tích sàn xây dựng) để kinh doanh nhà ở thương mại (hoặc sàn kinh doanh thương mại), được vay vốn với lãi suất ưu đãi... không thực chất. Vì ưu đãi này mỗi người dân được hưởng. Thêm một bất hợp lý nữa là giá bán, cho thuê, thuê mua NƠXH chưa tính đến các chi phí hợp lệ, hợp lý như chi phí tổ chức bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp... trong khi lợi nhuận định mức không vượt quá 10% nên khó thu hút được doanh nghiệp.

Việc không quy định thời điểm xác định giá trước khi thực hiện bán, cho thuê, thuê mua NƠXH đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách và việc xác định giá phải được UBND cấp tỉnh thẩm định cũng gây kéo dài thời gian, tốn kém cho doanh nghiệp, làm tăng chi phí”.

Một chủ đầu tư khác cho biết thêm: “Do gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc nên các chúng tôi không còn “mặn mà” với những dự án NƠXH, đơn cử như Công ty CP Đầu tư và Xây dựng HUD4 là một trong những đơn vị đi đầu trong tỉnh Thanh Hóa về thực hiện dự án NƠXH trên địa bàn. Hàng loạt các dự án đã được công ty triển khai đưa vào sử dụng có hiệu quả như: Chung cư thu nhập thấp Phú Sơn; Dự án khu chung cư thu nhập thấp tại lô C5 thuộc Khu đô thị Nam thành phố Thanh Hóa; Dự án NƠXH cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Thanh Hóa tại phường An Hưng. Từ năm 2021 đến nay, công ty chưa thực hiện thêm dự án NƠXH nào trên địa bàn tỉnh”.

Ông Lê Thanh Lương, công nhân Khu công nghiệp (KCN) Lễ Môn thành phố Thanh Hóa cho hay: “Công nhân có thu nhập thấp như chúng tôi, nhu cầu mua NƠXH là rất lớn, nhưng điều kiện thụ hưởng, chính sách cũng có nhiều bất cập. Các đối tượng thụ hưởng chính sách NƠXH không phân biệt hình thức hỗ trợ đều phải đảm bảo đủ 3 điều kiện (chưa có nhà ở, phải cư trú trên địa bàn tỉnh, thu nhập không thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân) và phải được các cơ quan có thẩm quyền thẩm định về đối tượng, điều kiện... Những quy định này khiến chúng tôi và chính quyền phải thực hiện nhiều thủ tục, giấy tờ, khó khăn trong việc xác nhận các điều kiện”.

Theo số liệu của Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa, thống kê năm 2020, trên địa bàn tỉnh có khoảng 12.300 công nhân có nhu cầu về NƠXH, trong đó tại KCN Hoàng Long khoảng 3.000, KCN Lễ Môn khoảng 3.200, Khu kinh tế Nghi Sơn khoảng 2.600, tại thành phố Thanh Hóa khoảng 1.000 và tại các huyện khoảng 2.500 công nhân.

Chưa kể đến nhóm đối tượng là lao động tự do có mức thu nhập thấp có nhu cầu về nhà ở. Như vậy, có thể nói, nhu cầu về NƠXH tại Thanh Hóa là rất lớn. Song hiện nay, nhiều doanh nghiệp chưa “mặn mà” tham gia đầu tư dự án NƠXH. Ngoài các dự án cũ đã và đang triển khai những năm trước đây. Trong vòng 3 năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh chỉ có 1 dự án NƠXH ở phường Nam Ngạn được chấp thuận chủ trương và đã lựa chọn được chủ đầu tư.

Ông Nguyễn Mạnh Tuấn - Trưởng Phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng Thanh Hóa cho biết: “Phát triển NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, là trách nhiệm, nghĩa vụ của quản lý nhà nước, của các doanh nghiệp, người dân và toàn xã hội. Thời gian qua, do các vướng mắc pháp lý trong triển khai đầu tư, thực hiện các dự án NƠXH gặp nhiều khó khăn. Chỉ bàn riêng về lĩnh vực quy hoạch, sự phù hợp giữa các cấp độ quy hoạch đã có nhiều bất cập, gây khó khăn cho chủ đầu tư trong thực hiện dự án NƠXH, khiến các dự án NƠXH bị gián đoạn. Các dự án này khi hoàn thành cơ bản là bán hết. Tuy nhiên, hiện các quy định của pháp luật thay đổi rất nhiều nên từ năm 2020 đến nay chưa có dự án NOXH nào được chấp thuận.

Mục tiêu mà tỉnh ta đặt ra đến năm 2030, tổng số căn hộ NƠXH trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hoàn thành ít nhất 13.787 căn hộ. Trong đó giai đoạn 2021-2025 hoàn thành khoảng 6.287 căn, giai đoạn 2026-2030 hoàn thành khoảng 7.500 căn. Để đạt mục tiêu cụ thể trên, trong giai đoạn 2021-2025, Thanh Hóa tiếp tục thực hiện hoàn thành 13 dự án đã lựa chọn nhà đầu tư, đang triển khai đầu tư xây dựng tại thành phố Thanh Hóa. Đồng thời, có giải pháp thu hút đầu tư, triển khai thực hiện 14 dự án NƠXH đã được quy hoạch. Trong đó có 1 dự án tại huyện Yên Định, 1 dự án tại huyện Thọ Xuân, 1 dự án tại thị xã Bỉm Sơn, 1 dự án tại thị xã Nghi Sơn và 10 dự án tại thành phố Thanh Hóa”.

Tiến Anh

Theo