Lặng Café – Khuôn viên xanh mang “hơi thở” Đà Lạt giữa lòng Sài Gòn
(Xây dựng) - Kiến trúc xanh đã và đang trở thành một xu hướng được chú trọng tại nhiều nước trên thế giới trong thiết kế xây dựng. Đây cũng được xem là giải pháp hiệu quả để đối phó với các vấn đề môi trường, giúp tiết kiệm và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên. Theo đó, Lặng Café (Số 203 đường Long Thuận, Long Phước, Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh) là một công trình được KTS Phạm Tuấn Khanh (Giảng viên Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh) cùng cộng sự xây dựng với tiêu chí bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.
PV: Trước thực trạng số lượng công trình kiến trúc xanh còn rất hạn chế tại Việt Nam, ông có thể cho biết lý do ông quyết định xây dựng Lặng Cafe theo mô hình này ạ?
KTS Phạm Tuấn Khanh: Tôi quyết định chọn phương án xây dựng Lặng Cafe theo mô hình kiến trúc xanh trên cơ sở phân tích và nhìn nhận thực trạng bối cảnh chung của các thành phố lớn và đặc điểm riêng của khu vực Quận 9, thành phố Thủ Đức.
Thứ nhất, với sự gia tăng dân số cùng tốc độ đô thị hóa nhanh chóng ở Thành phố Hồ Chí Minh những năm qua, tỷ lệ bê tông hóa ngày càng nhiều gây nên những vấn đề tiêu cực đến khí hậu, cuộc sống người dân nơi đây. Về lâu dài, tình trạng này sẽ khiến cho không khí ở khu vực Thành phố Hồ Chí minh khô nóng hơn, mất cân bằng nhiệt so và sẽ biến đổi khó lường hơn với các khu vực lân cận. Khí hậu hiện nay đang ngày càng khắc nghiệt, mỗi người dân nay đều có thể cảm nhận được rõ rệt sự khắc nghiệt của thời tiết...
Lặng Café mang đến cho khách đến quán một không khí trong lành và tươi mát. |
Thứ hai, nguy cơ mất đi các mảng xanh tự nhiên vốn có tại các vùng phụ cận thành phố hiện nay đang ngày một rõ rệt. Cây xanh là một trong những yếu tố giúp hạn chế ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn, đặc biệt là ở các đô thị lớn. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, chỉ tiêu về mảng xanh ở Thành phố Hồ Chí Minh còn thiếu so với tiêu chuẩn của một đô thị loại đặc biệt. Không chỉ thiếu về mảng xanh mà đối với những mảng xanh đã có cũng đang đối mặt với thực trạng phải “cạnh tranh” không gian sống cùng các công trình kiến trúc, công trình ngầm, điện lực…
Xét trên thực tế tại Quận 9, thành phố Thủ Đức, quỹ đất nhà vườn và kinh tế vườn ngày một hiếm hoi và khó giữ trong thực trạng phân lô bán nền hiện nay. Hơn nữa, về điều kiện tự nhiên, nước nhiễm phèn nặng, thảm thực vật thưa thớt và khí hậu vô cùng nóng ẩm, có thời điểm lên đến hơn 40 độ.
Tìm không gian xanh mát cho thực khách đến thư giãn là mục tiêu mà ông Khanh và cộng sự hướng đến trong suốt quá trình hình thành và xây dựng Lặng Café. |
Từ những cơ sở đó, tôi quyết định tìm giải pháp cho một không gian xanh mát. Chi phí sở hữu công trình xanh có thể cao hơn một chút ban đầu, nhưng những giá trị đem lại cho cuộc sống thì lớn hơn nhiều.
PV: Như ông vừa chia sẻ, điều kiện tự nhiên tại khu vực cũng là một khó khăn để xây dựng một công trình kiến trúc xanh. Ông đã giải quyết khó khăn đó bằng phương pháp nào?
KTS Phạm Tuấn Khanh: Giải pháp của tôi lúc đó là cân bằng đào - đắp đất trong toàn khu nhằm tiết kiệm chi phí tối đa trong công tác san lấp thông thường. Sau đó cải tạo đất nhiễm phèn nặng theo phương pháp truyền thống của ông bà chúng ta xưa kia hay làm, đó là khử phèn bằng vôi và ximang… kết hợp nuôi cá tăng số lượng dần, đặc biệt các loại cá sống khỏe với vùng nước phèn như rô phi, cá trê, cá lóc…
Đất được cải tạo nhiễm phèn nặng bằng cách khử phèn và kết hợp nuôi cá. |
Bên cạnh đó, ngoài việc định hướng những bố trí quy hoạch hợp lý còn phải sử dụng vật liệu thật khéo léo và “đủ chất mộc mạc” phù hợp với khung cảnh thiên nhiên chung; Các ngôi nhà chỉ là các kiến trúc rất nhỏ - với tỷ lệ rất bé so với không gian chung để tạo nên khung cảnh và không gian rộng hơn - sâu hơn.
Các căn nhà tuy nhỏ, nhưng khi mở cửa ra là khung cảnh rộng mở và trải ra hết tầm mắt của toàn khu đất với mặt hồ phẳng lặng (và không có chướng ngại vật hạn chế tầm nhìn) nên dù khu đất không quá lớn mà vẫn tạo được cảm giác rộng thoáng ngoài mong đợi của nhiều người.
PV: Ông có thể miêu tả một cách khái quát về công trình Lặng Cafe theo mô hình kiến trúc xanh mà ông đã tạo dựng?
KTS Phạm Tuấn Khanh: Bằng các biện pháp như tôi đã nói trên, tôi và các cộng sự đã tạo ra một “hình ảnh Đà Lạt” với đồi thông xanh mướt vi vu trong gió - soi bóng xuống mặt hồ phẳng lặng... Chỉ cần về hình ảnh ấy và cái nhìn đầu tiên toàn khu cũng làm cho ta cảm giác dịu bớt cái nóng gay gắt mùa hè và sự khắc nghiệt vốn có của thời tiết hiện tại. Các loại cây ăn trái cũng được lựa chọn sao cho phù hợp với địa phương và thổ nhưỡng của khu đất.
Mỗi một chi tiết trong toàn bộ khuôn viên quán đều được ông Khanh và cộng sự xây dựng dựa trên tiêu chí tự nhiên, ít tác động tiêu cực đến môi trường. |
Thậm chí cây thông rất khó trồng tại những vùng khí hậu nóng ẩm nhưng tại đây thông lại phát triển rất tốt và xanh mướt do chọn đúng chủng loại Thông caribe (loại hợp với khí hậu nóng) và xử lý nguồn nước tưới tiêu hét nhiễm phèn nặng.
Chúng tôi kết hợp khung cảnh Đà Lạt nho nhỏ để tạo thêm giá trị về kinh doanh qua hình thức 01 quán cafe giải khát, 01 không gian giao lưu giải trí - văn hóa lành mạnh: Câu cá giải trí - team-building - Event sự kiện - Camping cắm trại & lưu trú qua đêm… chứ không chỉ dành riêng cho việc nghỉ dưỡng cuối tuần.
Việc khai thác khu đất theo định hướng trên cũng làm cho việc duy tu bảo dưỡng được chu đáo hơn và kỹ càng hơn; hay nói một cách khác là “lấy chính nó nuôi nó”.
PV: Xin chân thành cảm ơn ông!
Nguyễn Dương – Hàn Thủy
Theo