Luật Đất đai sửa đổi: Hài hòa lợi ích là quan trọng
Sáng 3/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Nhất trí với một số quan điểm trong Nghị quyết 18 đã nêu trong luật, đó là giải quyết hài hòa lợi ích của nhà nước, nhân dân và doanh nghiệp khi phát sinh chênh lệch về giá đất khi có sự chuyển đổi, ĐB Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, cho rằng, đây là điều hết sức quan trọng mà trước nay chưa có luật nào giải quyết được.
Tuy nhiên, ông Thanh lưu ý, phải bàn kỹ vấn đề này, để làm sao đạt được mục đích, yêu cầu đặt ra. ĐB đoàn Hà Nội nhận định, việc giải quyết, tháo gỡ vấn đề phân cấp, phân quyền trong Luật Đất đai hiện nay rất chậm. Ông ví dụ, việc cưỡng chế nếu theo đúng thủ tục sẽ mất 90 ngày, như vậy từ khi có quyết định cưỡng chế cho đến khi thực hiện cưỡng chế mất ba tháng. Trong khi yêu cầu công việc phải nhanh và hiệu quả.
ĐBQH Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội (đứng) trong cuộc thảo luận tại tổ - Ảnh: Như Ý |
Từ đó, ông Trần Sỹ Thanh cho rằng phải có sự phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ hơn cho HĐND các cấp, kể cả cấp quận, huyện, thành phố, tỉnh nếu các cơ quan này thực sự phát huy được tính giao quyền thực sự, đủ quyền lực và đủ kinh nghiệm, đủ trình độ, đủ năng lực quản trị.
Đánh giá dự thảo luật là bước đột phá về tư duy quản lý, ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) quan tâm đến khung giá đất, lâu nay được áp đặt một mức theo chủ quan. Bây giờ xây dựng bảng giá theo giá trị thị trường, đây cũng chính là cái gốc để giải quyết mọi vướng mắc, bất bình đẳng, không đảm bảo lợi ích của người dân. Mặt khác, theo nguyên tắc này sẽ xoá bỏ phần lớn tham nhũng về đất đai hoặc khiếu kiện.
Nhà nước thu hồi đất hay để tự thương lượng?
Về thu hồi đất, theo ông Cường, nếu quy định như dự thảo, lúc đó nhà đầu tư và người dân sẽ “tự thoả thuận”, nghe thì rất dân chủ, đảm bảo lợi ích của người dân, nhưng khi đặt cạnh nhau sẽ thấy bất cập. “Đất đai là sở hữu toàn dân mà Nhà nước là đại diện để thực hiện quyền quản lý. Khi chuyển đất đai từ người này sang người khác, tại sao Nhà nước không thực hiện quyền đó mà cho chủ đầu tư tự thỏa thuận? Cho tự thỏa thuận là tự bỏ đi quyền của Nhà nước. Nguy hiểm hơn sẽ tạo ra sự bất bình đẳng giữa người dân đang sử dụng đất và chủ đầu tư được quyền chuyển nhượng”, ông Cường nêu quan điểm.
Tuy nhiên, một số đại biểu khác ủng hộ việc thu hồi trên cơ sở tự thoả thuận. Dẫn điều 86 về thu hồi đất, ĐB Trần Hoàng Ngân (TP HCM) lo ngại việc thu hồi sẽ khó khăn và không đảm bảo quyền lợi người dân. Ông Ngân kiến nghị dự thảo luật nên hạn chế tối đa những dự án Nhà nước đứng ra thu hồi đất, để các dự án kinh tế, xã hội cho người dân và nhà đầu tư tự thương lượng theo giá thị trường.
Liên quan đến chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất, dự thảo quy định: "Phải đảm bảo người dân có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn chỗ ở". ĐBQH Nguyễn Hữu Chính, Chánh án TAND thành phố Hà Nội, cho rằng, nếu làm được điều này, thì “dân sung sướng vô cùng”. Nhưng thực tế không được, bởi lẽ nhu cầu người dân rất cao, trong khi tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá bằng hoặc hơn rất khó. ĐB Chính đề nghị nên sửa thành “đảm bảo điều kiện phù hợp, thoả đáng". |
Theo Thành Nam/Tienphong.vn
Link gốc: https://tienphong.vn/luat-dat-dai-sua-doi-hai-hoa-loi-ich-la-quan-trong-post1483638.tpo