Ngấm thuốc thị trường bất động sản khỏe lên

Thị trường bất động sản đang ghi nhận chuyển biến tích cực sau quý I nguồn cung sụt giảm nghiêm trọng gần như đứng im chỉ có hơn 1 000 giao dịch

Ngấm 'thuốc', thị trường bất động sản khỏe lên

09:07 | 17/10/2023

Thị trường bất động sản đang ghi nhận chuyển biến tích cực sau quý I, nguồn cung sụt giảm nghiêm trọng, gần như đứng im, chỉ có hơn 1.000 giao dịch.

Ngấm 'thuốc', thị trường bất động sản khỏe lên
Ảnh minh họa: Nguyên Linh/TTXVN

Sang đến quý II đã xuất hiện chào bán trở lại của hơn 200 sản phẩm với khoảng 3.700 giao dịch thành công. Cho đến quý III, số giao dịch thành công đã đạt hơn 5.000 cùng 300 dự án mở bán. Điều này cho thấy, niềm tin của các nhà đầu tư và lượng giao dịch bất động sản đang quay trở lại, giúp thị trường dần khỏe lên.

Ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, mặc dù sự lên xuống của thị trường bất động sản là điều bình thường trên thế giới, nhưng có 3 vấn đề chính của thị trường cần phải quan tâm là cơ chế chính sách, tiếp cận nguồn vốn và việc thực thi công vụ của các cơ quan quản lý. Những yếu tố này ảnh hưởng rất lớn đến sự lên xuống của thị trường bất động sản.

Khác với trước đây, hiện thị trường, doanh nghiệp không chỉ ngồi im chờ hỗ trợ của Chính phủ mà cũng chung tay cùng tháo gỡ. Thời gian qua có rất nhiều cuộc gặp gỡ, làm việc giữa doanh nghiệp với chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nhà nước. Từ đó, những khó khăn vướng mắc được chỉ rõ; trong đó, có khoảng 70% liên quan đến cơ chế chính sách, pháp lý. Đặc biệt là liên quan đến khó khăn về quỹ đất, giải phóng mặt bằng, xác định giá đất, đấu giá đất… Những liều thuốc để “trị bệnh” cho thị trường bất động sản đã dần ngấm.

Bởi vậy, Tiến sỹ Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia nhận định: Thị trường bất động sản hiện nay cơ hội nhiều hơn thách thức, bởi thách thức lớn nhất thị trường đã vượt qua nên giai đoạn này sẽ là phục hồi. Tuy nhiên, so với thời điểm hoàng kim thị trường hiện nay mới chỉ phục hồi được khoảng 20-30%.

Các vướng mắc về pháp lý, thể chế cũng đang dần được tháo gỡ và thực thi. Đơn cử như chính sách tiền tệ đang chuyển từ “chặt chẽ, chắc chắn” sang “linh hoạt, nới lỏng”. Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần giảm lãi suất điều hành, đưa mặt bằng lãi suất giảm dần. Cùng đó, nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân như cơ cấu nợ, đảo nợ… Đây là những chính sách chưa từng có đối với tài chính và thị trường bất động sản – ông Lực dẫn chứng.

Có thời điểm, chỉ trong vòng 1 tháng đã có 4 chính sách được thông qua. Cụ thể là Nghị định số 08/2023/NĐ-CP ban hành ngày 5/3/2023 sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

Tiếp đó, Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Cùng đó là Nghị định số 10/2023/NĐ-CP ngày 20/5/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai và Quyết định 338/QĐ-TTg ngày 3/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030"...

“Cùng với các chính sách được ban hành kịp thời, chưa bao giờ chúng ta có cơ hội sửa đổi nhiều luật cùng một lúc như hiện nay với Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Đấu giá, Luật Đấu thầu”, ông Lực nhận xét.

Trợ lực chính sách chính là liều thuốc trị đúng bệnh để thị trường bất động sản khỏe dần lên, lấy lại động lực phát triển, chuẩn bị bước vào chu kỳ mới. Trong số đó phải kể đến sự hỗ trợ từ việc giải ngân vốn đầu tư công bởi đây là động lực rất quan trọng, được cả xã hội quan tâm.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, trong 9 tháng của năm nay, các nước đã giải ngân được 51,38% và đối với đầu tư công 9 tháng, chưa năm nào vượt qua 50%. Cùng đó, tăng trưởng GDP quý III đạt 5,33% cũng là mức tăng vượt mong đợi và đóng góp vào tăng trưởng 9 tháng là 4,24%.

Từ yếu tố vĩ mô, Tiến sỹ Lê Xuân Sang - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, khi hạ tầng giao thông được đầu tư, nâng cấp nhanh, một mặt giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mặt khác lực cầu đối với đầu tư, mua sắm bất động sản cũng sẽ tăng. Do đó, thanh khoản của thị trường sẽ theo chiều hướng tăng.

Sau hơn 1 năm chống chịu với “bão lớn”, nhiều doanh nghiệp bất động sản không thể vượt qua. Nhưng nếu vượt qua được, các doanh nghiệp sẽ bước vào một giai đoan phát triển mới, bền vững và an toàn hơn. Đây cũng chính là thế hệ doanh nghiệp có tầm vóc và sức chống chịu cao hơn với nhiều thách thức và cơ hội đan xen– ông Sang nhận xét.

Đánh giá về triển vọng thời gian tới, Tiến sỹ Cấn Văn Lực nhận định, thị trường bất động sản sẽ diễn biến theo kịch bản tốt hơn, cú hích lớn sẽ bắt đầu từ đầu quý I/2024, bởi lãi suất đã và đang giảm. Độ ngấm của chính sách tại thời điểm đó cũng sẽ tốt hơn, đặc biệt khi có 4 Luật liên quan đến lĩnh vực này được Quốc hội thông qua trong kỳ họp tháng 10 này. Ngoài ra, những vụ việc vi phạm pháp luật, pháp lý trong năm nay về cơ bản sẽ được xử lý. Thời điểm đó, tình hình phục hồi kinh tế và vĩ mô của Việt Nam, thế giới cũng sẽ rõ nét hơn.

Chuyên gia này cũng dự báo, đầu năm 2024 sẽ là thời điểm thuận lợi để nhà đầu tư đưa ra quyết định rót vốn bởi lãi suất giảm và giá bất động sản được điều hoà hợp lý.

Theo Thu Hằng (TTXVN)