Nghề môi giới bất động sản: Khi những “cánh chim” đã mỏi
Dù đã cố gắng trong khoảng thời gian dài nhưng nhiều môi giới bất động sản (BĐS) tại miền Trung vẫn không thể bám trụ được với nghề. Họ chọn cách tiếp tục ở lại TP tìm kiếm công việc có thu nhập ổn định hoặc hướng về quê hương để tìm các cơ hội tốt hơn.
Bỏ việc, kéo nhau làm... cò đất
Hội Môi giới Bất động sản VN: Đánh giá thị trường BĐS 2016, xu thế 2017
Lý do khiến 99% môi giới BĐS "tay trắng vẫn hoàn tay trắng"
Bỏ nghề vì thu nhập bấp bênh
Rời ghế giảng đường, Nguyễn Trung Hậu (quê Quảng Nam) trải qua nhiều công việc kinh doanh nhưng cuối cùng quyết định chọn nghề mua giới BĐS tại TP Đà Nẵng. Có kinh nghiệm, kiến thức và đầu tư nghiêm túc nên trong khoảng thời gian ngắn đã thu được kết quả. Sau đó anh may mắn đầu quân cho vài doanh nghiệp môi giới có uy tín và phân phối các dự án đất nền khu vực phía nam TP Đà Nẵng, Quảng Nam.
Song khi đại dịch Covid-19 đi qua, thị trường bắt đầu đi xuống, giao dịch trở nên khó khăn, cá nhân đã nỗ lực và thay đổi về phương thức khai thác khách hàng nhưng Hậu vẫn không cải thiện được tình hình. Hậu tiết lộ, khi thị trường khó khăn gần như người môi giới BĐS không có thu nhập, thậm chí nhiều tháng phải chạy mượn tiền để trang trải cuộc sống. Cũng trong giai đoạn này, thị trường miền Trung chứng kiến nhiều dự án gặp rắc rối về mặt pháp lý khiến tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong khi vật giá và mọi chi phí sinh hoạt đều tăng cao khiến anh và một vài đồng nghiệp không thể bám trụ được với nghề.
Thay vì ở lại TP, chàng trai 9x quyết định về quê để tìm kiếm thử thách mới. Theo số đông địa phương, Hậu chọn công việc kinh doanh vòng trầm. Lĩnh vực cạnh tranh không kém nhưng giúp anh có thu nhập ổn định và được gần bố mẹ. “Tôi rất thích công việc mua giới BĐS nhưng theo dõi tình hình thị trường thấy khó khăn kéo dài. Giao dịch giảm mạnh, doanh nghiệp thì thanh lọc nhân sự nên bản thân quyết định dừng lại. Chuyển nghề giúp tôi có những trải nghiệm mới và thu nhập tốt hơn” - Hậu chia sẻ.
Qua rồi cái thời hái ra tiền nhờ làm nghề môi giới bất động sản (hình ảnh minh họa). Ảnh: Tấn Việt
Hoàn cảnh môi giới chuyển việc, thậm chí bị doanh nghiệp sa thải vào giai đoạn cuối năm 2022 và đầu 2023 kiểu như Hậu đang phổ biến trên thị trường địa ốc miền Trung. Hữu Lực (TP Đà Nẵng) cũng quyết tâm bỏ nghề mua giới BĐS dù trước đó rất hào hứng với mơ ước kiếm tiền nhanh.
“Cựu mua giới” này từng đầu quân cho doanh nghiệp có uy tín về phát triển dự án với số lượng nhân sự lớn và môi trường làm việc chuyên nghiệp. Thời gian đầu những sản phẩm đất nền vùng ven tại Quảng Nam và Quảng Ngãi rất hút khách hàng và giao dịch đều đặn, thậm chí thời điểm dịch Covid-19 vẫn có thanh khoản. Nhưng mọi thứ trở nên khó khăn vào đầu năm 2023 khi thị trường bị ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế hay lãi suất cho vay tăng cao.
“Cảm nhận được thị trường khó khăn nên bản thân cùng một số đồng nghiệp tìm kiếm công việc mới. Tôi có gia đình nên cần có thu nhập đều đặn, vừa đủ để trang trải cuộc sống” - Lực nói và cho biết đang làm công việc trong lĩnh vực khách sạn với mức lương giao động từ 8 đến 10 triệu đồng/ tháng. Dù không phải mức lương quá cao nhưng so với môi giới BĐS thì cơ bản không bấp bênh.
Tương tự, hơn 4 năm theo nghề và trải qua 3 doanh nghiệp BĐS ưu tín tại thị trường Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi, anh Võ Nam Quyền Sang nhớ lại, thời điểm dịch Covid-19 thị trường vẫn rất sôi động. Các bộ phận kinh doanh nhiều lúc áp dụng phương pháp bán hàng online nhưng giao dịch rất đều và người môi giới có thu nhập. Nhưng khoảng 6 tháng trở lại đây, nhiều doanh nghiệp chỉ hoạt động cầm chừng hoặc cắt giảm nhân sự để cân đối về tài chính khi thị trường đi xuống quá nhanh.
“Tôi phụ trách marketing cho doanh nghiệp BĐS nên cũng không tránh khỏi ảnh hưởng bởi sự khó khăn chung của doanh nghiệp. Thời trước chạy quảng cáo online hay làm sự kiện thu hút rất nhiều khách hàng quan tâm nhưng giờ chi phí tăng lên rất cao, tỷ lệ chuyển đổi lại thấp” – anh Sang cho biết.
Nhìn nhận môi trường làm việc BĐS không còn phù hợp, Sang quyết định đầu quân cho doanh nghiệp ở lĩnh vực khác cũng như nhận thêm các dự án marketing về làm để tăng thêm thu nhập. Giờ đây bản thân không còn những chuyến công tác kéo dài, bù lại công việc ổn định và có thêm thời gian bên cạnh gia đình.
Doanh nghiệp cần đồng hành với người môi giới
Từ đầu năm 2023, thị trường BĐS miền Trung tiếp tục đối mặt với những thách thức lớn do thiếu nguồn cung mới, lãi suất cho vay cao và động lực phục hồi kinh tế chưa có nhiều chuyển biến tích cực. Cùng với đó, niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường giảm mạnh do nhiều dự án BĐS phải tạm dừng triển khai khi thiếu vốn hoặc liên quan đến pháp lý. Nhìn tổng thể, nguồn cung và lực cầu của thị trường đều giảm mạnh khiến người làm môi giới lâm cảnh lao đao.
Gần 10 năm trong nghề và chứng kiến nhiều giai đoạn thăng trầm của thị trường, anh Đoàn Minh Hải - nguyên Phó TGĐ Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Địa ốc Babylon, cho biết thời điểm hiện tại nghề nào cũng gặp khó khăn chứ không riêng gì môi giới BĐS. Riêng thị trường địa ốc tại Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam hay Quảng Ngãi đang bước vào giai đoạn thanh lọc mạnh nhất từ trước đến nay, bởi tính thanh khoản thấp và thiếu nguồn cung mới. Điều đó dẫn đến một bộ phận nhỏ người môi giới cố gắng bám trụ với nghề hoặc làm song song để có thu nhập ổn định.
Thị trường chuyển biến mạnh mẽ đồng nghĩa với những đòi hỏi khắt khe hơn dành cho nghề môi giới. Họ cần thích nghi trong mọi điều kiện bán hàng, nắm rõ những chuẩn mực nghề nghiệp và am hiểu tường tận câu chuyện pháp lý khi tư vấn. Các môi giới kiểu “tay ngang” sẽ rất khó để cạnh tranh với những đồng nghiệp được đào tạo, kinh nghiệm và uy tín trong hoạt động môi giới. Chưa kể góc độ doanh nghiệp cũng cần đánh giá lại nội lực, dòng tiền và sản phẩm cốt lõi để duy trì và phát triển. |
“Khi thị trường bước vào giai đoạn tái cấu trúc, doanh nghiệp và người môi giới đều gặp khó khăn. Đặc biệt đối với những người trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm và cần có thu nhập ổn định để nuôi sống gia đình thì rất khó tiến xa. Nếu tính cả lực lượng môi giới nhỏ lẻ, tự phát và không chuyên nghiệp thì tỷ lệ chuyển đổi ngành nghề càng cao hơn” - anh Hải chia sẻ.
Tuy nhiên, anh Hải cho rằng thị trường đi xuống cũng là cơ hội để các doanh nghiệp và người môi giới chuyên nghiệp tăng tốc, khẳng định chỗ đứng trên thị trường.
Thị trường bất động sản miền Trung vẫn chưa "tan băng". Ảnh: Q.H
Đồng quan điểm, anh Hoàng Phạm Đình Hiệp - TGĐ Công ty cổ phần BĐS Hoàng Gia Minh, cho biết người môi giới đang trải qua chu kỳ thanh lọc mạnh. Một số người làm nghề không thể thích nghi với sự biến đổi nhanh và yêu cầu cao về kiến thức, kỹ năng và công nghệ.
“Đây là một quá trình tự nhiên để nâng cao chất lượng dịch vụ và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Các nhà môi giới có thể tận dụng thách thức này như một cơ hội để phát triển và xác định vị trí của mình trong một thị trường ngày càng cạnh tranh nhưng có tiềm năng” - anh Hiệp nói.
Do đó, anh Hiệp không quá bất ngờ khi nhiều môi giới chuyển đổi nghề để tìm kiếm công việc ổn định. Bởi thời gian qua số lượng người tham gia vào thị trường môi giới tăng rất nhanh, từ đó tạo ra áp lực cạnh tranh lớn. Khi thị trường gặp khó khăn, nhiều nhân sự đã không thể đáp ứng được yêu cầu mà doanh nghiệp lẫn khách hàng mong muốn. Chưa kể họ cảm thấy bị bỏ lại phía sau khi không nhận được sự hỗ trợ từ phía doanh nghiệp, chủ đầu tư và kể cả đồng nghiệp.
Chính vì vậy, doanh nghiệp cần đảm bảo môi trường làm việc tốt cho người môi giới; tập trung đầu tư vào công tác đào tạo và phát triển chuyên môn để họ có thể trở thành nhà môi giới chuyên nghiệp và hiện đại. Điều này có thể được thực hiện bằng cách cung cấp hướng dẫn, sự hỗ trợ và phản hồi có tính xây dựng. Song song, doanh nghiệp cần xây dựng mối quan hệ lâu dài và đáng tin cậy với người môi giới và các bên liên quan nhằm xử lý công việc hàng ngày một cách hiệu quả. Cuối cùng là các chính sách khuyến khích và định hướng cơ hội để phát triển sự nghiệp cho người làm môi giới.
Theo anh Hiệp, doanh nghiệp rõ ràng không thể đứng ngoài, thậm chí có một phần trách nhiệm khi người môi giới chuyển nghề. Do đó, cả doanh nghiệp và đội ngũ nhân sự cần tập trung vào sản phẩm cốt lõi, xây dựng mối quan hệ với khách hàng, nâng cao kiến thức chuyên môn, xây dựng thương hiệu cá nhân và hoạch định kế hoạch tài chính cá nhân. Nếu tuân thủ những nguyên tắc này, người môi giới sẽ có cơ hội để phát triển và thành công trong giai đoạn mới của thị trường.