Nghiên cứu phương án mở rộng đối tượng được thuê nhà ở công vụ
(Xây dựng) - Cử tri tỉnh Cao Bằng đề nghị Chính phủ quan tâm, xem xét có chính sách đặc thù bố trí nguồn vốn xây dựng nhà ở công vụ cho cán bộ công chức, viên chức và người lao động bị ảnh hưởng do thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính, để cán bộ công chức, viên chức và người lao động có chỗ ở ổn định, yên tâm công tác lâu dài.
Ảnh minh họa (nguồn: Internet). |
Theo phản ánh của cử tri tỉnh Cao Bằng, Cao Bằng là một tỉnh miền núi, có địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn. Sau khi thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, việc lựa chọn 1 trụ sở có sẵn để bố trí, sắp xếp nơi làm việc gây khó khăn cho việc đi lại từ nơi ở huyện cũ đến trụ sở cơ quan mới, phát sinh nhiều khó khăn về đời sống của cán bộ, công chức, người lao động (đường xá, khó đi, không bảo đảm an toàn...). Nhiều cán bộ, công chức, người lao động có con nhỏ, có bố mẹ già phải phụng dưỡng, phải đi thuê nhà ở...
Về vấn đề này, Bộ Xây dựng trả lời cử tri tỉnh Cao bằng như sau:
Tại Điểm b, Điểm c Khoản 1 Điều 32 Luật Nhà ở năm 2014 quy định đối tượng được bố trí cho thuê nhà ở công vụ:
"b) Cán bộ, công chức thuộc các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội không thuộc diện quy định tại Điểm a Khoản này được điều động, luân chuyển đến công tác tại địa phương giữ chức vụ từ Chủ tịch UBND cấp huyện, Giám đốc Sở và tương đương trở lên;
c) Cán bộ, công chức thuộc các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội không thuộc diện quy định tại Điểm b Khoản này được điều động, luân chuyển đến công tác tại xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo;".
Do đó, theo quy định của pháp luật về nhà ở hiện hành, trường hợp sau khi thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện thì chỉ xem xét, bố trí nhà ở công vụ cho cán bộ, công chức giữ chức vụ từ Chủ tịch UBND cấp huyện và tương đương trở lên và cán bộ, công chức được điều động, luân chuyển đến công tác tại các xã vùng sâu, vùng xa; các cán bộ công chức còn lại làm việc tại UBND cấp huyện sau khi thực hiện việc sắp xếp mà có khó khăn về nhà ở thì chưa có quy định được bố trí cho thuê nhà ở công vụ.
Hiện nay, Bộ Xây dựng được Chính phủ giao chủ trì, nghiên cứu sửa đổi Luật Nhà ở năm 2014, trong đó có nghiên cứu phương án mở rộng đối tượng thuê nhà ở công vụ theo hướng cán bộ, công chức được điều động, luân chuyển đến công tác tại địa phương giữ chức vụ từ Phó Chủ tịch UBND cấp huyện và tương đương trở lên; trường hợp đối với các cán bộ, công chức còn lại làm việc tại UBND cấp huyện sau khi thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện mà có khó khăn về nhà ở, Bộ Xây dựng xin ghi nhận ý kiến kiến nghị của cử tri tỉnh Cao Bằng để tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động trong quá trình xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi).
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 49 Luật Nhà ở năm 2014, cán bộ công chức, viên chức thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội, do đó, đối với việc phát triển nhà ở công vụ, nhà ở xã hội thì UBND cấp tỉnh phải lập và phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở công vụ, nhà ở xã hội trong Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương.
Vì vậy, đề nghị UBND tỉnh Cao Bằng rà soát lại Chương trình phát triển nhà ở của địa phương, trong đó xác định cụ thể nhu cầu nhà ở công vụ, nhà ở xã hội của tỉnh, cũng như nhu cầu nhà ở của một số đơn vị hành chính cấp huyện sau khi thực hiện việc sắp xếp lại trong thời gian tới.
Khánh Diệp
Theo