Nhà đầu tư 'hụt hơi', áp lực giảm giá bất động sản để thu hút dòng tiền
Các chủ đầu tư phải tiếp tục giảm giá sản phẩm trên diện rộng nhằm thu hút dòng tiền và có nguồn cầu mới, theo nhận định của các chuyên gia.
Doanh thu, lợi nhuận sụt giảm mạnh
Hàng loạt các doanh nghiệp bất động sản trên sàn công bố báo cáo tài chính quý IV/2022 và luỹ kế năm 2022 với doanh thu, lợi nhuận sụt giảm mạnh. CTCP Tập đoàn Đất Xanh (DXG) báo lỗ quý IV/2022 hơn 460 tỷ đồng, trong khi đó công ty này lãi 245,5 tỷ đồng trong quý IV/2021. Lũy kế cả năm 2022, doanh thu DXG ghi nhận đạt 5.632,6 tỷ đồng, lãi sau thuế 469 tỷ đồng, giảm lần lượt 44% và 70,6% so với thực hiện năm 2021.
Theo báo cáo của CTCP Đầu tư Hải Phát (HPX), doanh thu thuần quý IV/2022 giảm 16% so với cùng kỳ, còn 327 tỷ đồng, lãi ròng hơn 18 tỷ đồng. Lũy kế cả năm 2022, HPX ghi nhận 1.635 tỷ đồng doanh thu thuần. Lãi sau thuế lại giảm khoảng 51%, còn 141 tỷ đồng. HPX chỉ thực hiện được gần 61% mục tiêu doanh thu và hơn 31% mục tiêu lợi nhuận.
CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR) ghi nhận doanh thu chỉ hơn 14 tỷ đồng trong quý IV/2022, trong khi cùng kỳ năm ngoái đạt 1.228 tỷ đồng. Lũy kế cả năm 2022, doanh thu của PDR đạt hơn 1.500 tỷ đồng, giảm 58% so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.169 tỷ đồng, trong khi năm ngoái con số này đạt 1.860 tỷ đồng.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản báo lợi nhuận giảm. (Ảnh: Hoàng Hà) |
CTCP Quốc Cường Gia Lai (QCG) báo lỗ trước thuế 16 tỷ đồng trong quý IV/2022 (cùng kỳ lãi 30 tỷ đồng). Lũy kế năm 2022, doanh nghiệp lãi ròng 34 tỷ đồng, giảm 51% so với năm trước, về mức thấp nhất trong vòng 7 năm trở lại đây. Công ty chỉ hoàn thành 44% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Tương tự, CTCP Đầu tư LDG (LDG) ghi nhận doanh thu giảm 83,7% và lỗ 38,88 tỷ đồng trong quý cuối của năm 2022. Luỹ kế trong năm 2022, LDG ghi nhận doanh thu đạt 276,3 tỷ đồng, giảm 54,7% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 4,01 tỷ đồng, giảm 98,5% so với cùng kỳ năm trước. Công ty không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm và chỉ đạt khiêm tốn 1,3% kế hoạch năm.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp khác lỗ nặng. CTCP Đầu tư Phát triển Nhà Đà Nẵng (NDN) lỗ ròng cả năm 2022 lên đến 136,5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi gần 252 tỷ đồng. Đây cũng là năm đầu tiên Nhà Đà Nẵng thua lỗ kể từ khi lên sàn năm 2011.
CTCP Ngoại thương và Phát triển Đầu tư (FDC) cũng không khá hơn, với mức âm cả năm 2022 gần 197,6 tỷ đồng, con số lỗ cao kỷ lục trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp bất động sản này.
Áp lực giảm giá
Nhận định thị trường năm 2023, ông Troy Griffiths, Phó Giám đốc điều hành Savills Việt Nam cho biết trong bối cảnh thị trường bất động sản toàn cầu được dự báo sẽ diễn biến chậm lại, Việt Nam cũng khó tránh khỏi những tác động.
Ông Troy Griffiths nhận định, hiện có nhiều thay đổi đang diễn ra gây tác động lên thị trường bất động sản như thị trường chứng khoán với các chỉ số giảm khoảng 30% giá trị nên đây có thể nói là thời gian khó khăn của các doanh nghiệp niêm yết.
Theo Chứng khoán SSI, lãi suất cho vay có thể hạ nhiệt vào cuối năm 2023, nhưng sẽ không giảm mạnh. Các chủ đầu tư có tình hình tài chính yếu kém hoặc thiếu năng lực bán hàng có thể tiếp tục gặp khó khăn về dòng tiền nếu thắt chặt tín dụng và thanh khoản thị trường không được cải thiện. Ngoài ra, vấn đề trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục gây áp lực cho ngành bất động sản và áp lực trả nợ trái phiếu vẫn còn đáng kể.
FiinRatings cho rằng, chi phí tài chính cao trong khi doanh thu giảm ảnh hưởng đến tín dụng lẫn vòng quay vốn của doanh nghiệp, buộc họ phải rút tiền từ hoạt động khác, hoặc tạm dừng dự án để xoay sở dòng tiền trả nợ. Các chủ đầu tư có thể phải tiếp tục giảm giá sản phẩm trên diện rộng nhằm thu hút dòng tiền và có nguồn cầu mới.
FiinRatings đánh giá các chính sách mới là tín hiệu tích cực, làm cơ sở cho thị trường bất động sản hồi phục. Chính sách mới có độ trễ nhất định, rất cần thời gian phát huy hiệu quả, giúp vực dậy niềm tin của nhà đầu tư và hồi phục thị trường.
Theo Duy Anh/Vietnamnet.vn
Link gốc: https://vietnamnet.vn/giam-gia-bat-dong-san-de-thu-hut-dong-tien-2107352.html