Nhà ở xã hội Cần chú trọng đẩy mạnh nguồn cung

Xây dựng Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản để khai thông phát triển nhà ở xã hội trong thời điểm hiện tại các Bộ ngành cùng địa phương phải đồng lòng vào cuộc Sớm hoàn thiện các chính sác

Nhà ở xã hội: Cần chú trọng đẩy mạnh nguồn cung

14:40 | 07/10/2022

(Xây dựng) - Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản, để khai thông phát triển nhà ở xã hội, trong thời điểm hiện tại, các Bộ ngành cùng địa phương phải đồng lòng vào cuộc. Sớm hoàn thiện các chính sách ưu đãi về vốn, quỹ đất và nhiệm vụ định hướng phát triển phân khúc nhà ở theo hướng thị trường cũng là việc cần phải quan tâm.

nha o xa hoi can chu trong day manh nguon cung
3 tòa nhà tái định cư thuộc Khu đô thị mới Sài Đồng (quận Long Biên, Hà Nội) bỏ hoang nhiều năm trong khi người dân lại không có cơ hội mua nhà chung cư, tái diễn cảnh “kẻ ăn không hết – người lần chẳng ra”.

Năm 2021, Bộ Xây dựng có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thị trường bất động sản. Theo đó, thị trường bất động sản năm 2021 có hiện tượng bị đẩy giá lên cao, đặc biệt giá đất nền tại một số khu vực dự kiến lên quận, hạ tầng giao thông đi qua. Trong đó, nhà ở chung cư tăng bình quân khoảng 5-7%, giá nhà ở riêng tăng 15-20%; giá đất nền tăng 20-30% so với thời điểm cuối năm 2020. Đặc biệt, tại thời điểm cuối quý I đầu quý II đã xảy ra hiện tượng tăng giá đột biến, thậm chí "sốt giá" đất nền tại nhiều địa phương (Số liệu dẫn theo Quyết định số 70/BC-BXD ngày 30/6/2022 về đánh giá toàn diện thị trường BĐS năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 của Bộ Xây dựng). Nguyên nhân tăng giá bất động sản là do tín dụng điều chỉnh chưa tốt, thông tin thị trường chưa được kịp thời nên xuất hiện tình trạng thổi giá. Đối với nhiều người dân mua nhà ở thời điểm này là điều vô cùng khó khăn.

Anh Hoàng Linh Tuấn – người dân quận Hà Đông đang có nhu cầu tìm mua nhà ở xã hội chia sẻ: “Hiện nay, giá mặt bằng chung của chung cư đang khá là cao so với trước đây, theo tôi tìm hiểu thì hiện tại những căn chung cư đều có giá từ 50-60tr/m2, với giá thành này thì những người có mức thu nhập vừa phải cũng khó có cơ hội sở hữu nhà chung cư tại Hà Nội. Mong rằng khi bình ổn giá trên thị trường, thì giá chung cư sẽ ổn định để người dân chúng tôi dễ tiếp cận hơn”.

Thiếu quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội có thể được coi là một nguyên nhân, tuy nhiên tại không ít địa phương trên cả nước hiện nay, nhiều dự án treo, thậm chí là các khu tái định cư bỏ hoang vẫn luôn tồn tại.

Tháng 5/2022, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi đến các tỉnh, thành phố đề nghị các địa phương tổng hợp báo cáo các danh sách dự án tái định cư không có nhu cầu sử dụng cũng như việc bố trí quản lý, đồng thời tổng hợp các dự án, số lượng nhà tái định cư không có nhu cầu sử dụng và có nhu cầu chuyển đổi sang nhà ở xã hội, nhà ở thương mại hoặc mục đích khác. Nếu những dự án như trên được chuyển đổi thành nhà ở xã hội thì chắc chắn sẽ đáp ứng được một phần không nhỏ của thị trường về phân khúc này.

Bên cạnh những hạn chế về quỹ đất, vướng mắc về trình tự thủ tục đầu tư, xây dựng, mua bán nhà, việc xác định giá, các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư đã khiến nguồn cung nhà ở xã hội luôn hạn chế.

Để khai thông phát triển nhà ở xã hội, Chính phủ đã yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương đều phải đồng lòng vào cuộc. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, cung vẫn không đủ cầu. Không thể mua nhà thương mại bởi giá cao, tuy nhiên đối với những phân khúc bất động sản khác như nhà ở xã hội, người dân cũng khó thể tiếp cận trong thời điểm hiện tại.

Tại Họp báo thường kỳ ngày 13/6/2022 do Bộ Xây dựng tổ chức, Thứ trưởng Lê Quang Hùng chủ trì cuộc họp đã tập trung đưa ra phương hướng nhiệm vụ cụ thể cho 6 tháng cuối năm về “Đẩy mạnh nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và ổn định thị trường bất động sản”. Đặc biệt, đối với nội dung này, Bộ Xây dựng đã đề xuất nhiều giải pháp, trong đó là đẩy mạnh tăng nguồn cung cho thị trường bất động sản. Tăng cường công khai minh bạch thông tin, đặc biệt các thông tin về các dự án, quy hoạch, thông tin về các nguồn hàng, tránh hiện tượng câu kết để nâng giá, tăng nguồn vốn cho đầu tư. Từ nay đến hết năm 2022, Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân nhằm đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho người dân.

Ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết: Liên quan đến nguồn vốn ưu đãi để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, Bộ Xây dựng đã có văn bản chỉ đạo các tỉnh, các tỉnh đang tổng hợp gửi danh mục dự án để Bộ Xây dựng công bố và sau khi Bộ công bố, Ngân hàng Nhà nước sẽ cho vay và được hưởng hỗ trợ lãi suất 2%. Hiện đã có điều kiện và trình tự vay rõ ràng.

Về gói 15.000 tỷ đồng, gói tín dụng này không chỉ dành cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội mà còn cho việc cải tạo, sửa chữa nhà ở. Căn cứ theo Điều 49 Luật Nhà ở 2014, có khoảng 10 đối tượng thuộc diện được mua, thuê mua nhà ở xã hội và được vay vốn từ gói ưu đãi này. Từ đó, có thể thấy đối tượng của gói ưu đãi này là rất rộng.

Về huy động vốn, hiện nay các doanh nghiệp bất động sản huy động từ nhiều nguồn vốn khác nhau, tuy nhiên lại phụ thuộc rất nhiều vào nguồn vốn tín dụng. Bộ Xây dựng đã đề xuất điều chỉnh và kiểm soát chặt chẽ dòng vốn, trong đó ưu tiên dự án có tính khả thi cao, các dự án cung cấp nguồn cung nhanh.

nha o xa hoi can chu trong day manh nguon cung
Nằm ở vị trí vàng của Thủ đô, nhưng khu nhà ở tái định cư N01-D17 Duy Tân (phường Dịch Vọng Hậu) vẫn quây tôn bỏ trống, cỏ mọc um tùm.

Ngoài ra, một số ý kiến khác cũng cho rằng: Chúng ta cần phải thay đổi tư duy về phát triển nhà ở xã hội. Miễn là người dân tiếp cận được với các nguồn nhà ở giá rẻ, hợp tính thị trường. Trong đó, thị trường phải được Nhà nước quản lý về giá, để nhà đầu tư cũng có lợi và người dân cũng có lợi.

Cũng theo ý kiến của nhiều chuyên gia, để phân khúc nhà ở xã hội được phát triển đúng như kỳ vọng thì bên cạnh việc thay đổi tư duy, mỗi dự án nhà ở xã hội phải đi kèm với hệ sinh thái đặc thù, đảm bảo được nhu cầu sinh sống của người dân. Bên cạnh đó, các chính sách về vốn cần được xây dựng một cách hoàn thiện và cơ chế phát triển nhà ở xã hội cần phải nhất quán giữa các địa phương nhằm thu hút tối đa nguồn lực cho phát triển phân khúc này.

Thảo Phương

Theo