Nhiều dự án biệt thự liền kề vỡ mộng thanh khoản

Dòng vốn bất động sản đang tắc khiến thị trường bất động sản suy giảm Nhiều chủ đầu tư dùng đủ cách như chia nhỏ sản phẩm cam kết cho thuê nhưng thanh khoản vẫn khó

Nhiều dự án biệt thự, liền kề ‘vỡ mộng’ thanh khoản

14:40 | 22/10/2022

Dòng vốn bất động sản đang "tắc" khiến thị trường bất động sản suy giảm. Nhiều chủ đầu tư dùng đủ cách như chia nhỏ sản phẩm, cam kết cho thuê... nhưng thanh khoản vẫn khó .

Nếu như cách đây 2 năm, biệt thự, liền kề lên ngôi khi giá tăng gấp đôi, thanh khoản tốt thì nay phân khúc này rơi vào cảnh "chợ chiều".

Mới đây, một chủ đầu tư dự án bất động sản lớn mở bán biệt thự, liền kề phía Đông Hà Nội. Do thị trường ế ẩm, chủ đầu tư dùng cách chia nhỏ căn hộ thành những phần khác nhau bán cho nhà đầu tư. Theo đó, với mỗi căn liền kề, biệt thự được chia nhỏ thành 50 phần khác nhau. Khách hàng có thể tham gia đầu tư từng phần thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh. Nhà đầu tư sẽ được chứng nhận quyền tài sản và được phân chia lợi nhuận phát sinh từ quyền tài sản này tương ứng với tỉ lệ đầu tư.

Chưa bao giờ, khách hàng mua biệt thự, liền kề lại dễ dàng và nhiều ưu đãi như thời gian này. Mới đây, một chủ đầu tư tại Bình Thuận đưa ra nhiều chương trình chiết khấu với tổng giá trị lên đến 9,5%. Hay như tại một dự án tại Đồng Nai, chủ đầu tư cam kết cho thuê từ 30- 100 triệu đồng/tháng liền kề, biệt thự...

Còn một dự án shophouse tại Bình Dương, khách được tặng ngay hai năm phí quản lý, cùng phương thức thanh toán linh hoạt, chia nhỏ thành nhiều đợt kéo dài đến 15 tháng.

nhieu du an biet thu lien ke vo mong thanh khoan
Chủ đầu tư bán liền kề, biệt thự bằng hình thức mua chung tại dự án phía Đông Hà Nội.

Theo bà Nguyễn Minh Tâm - Giám đốc sàn giao dịch bất động sản tại Hà Nội, thanh khoản thị trường bất động sản giảm sút trầm trọng, đặc biệt là phân khúc liền kề, biệt thự. Nguyên nhân do nguồn vốn tín dụng ngân hàng đang khó tiếp cận, không chỉ nhà đầu tư mà người mua nhà cũng gặp hoàn cảnh tương tự.

Ông Nguyễn Đăng - Giám đốc một sàn giao dịch tại Mê Linh (Hà Nội) - cho biết: "Trước đây, văn phòng luôn tấp nập người ra vào. Nay, cả ngày không có khách ghé văn phòng,".

Lý giải nguyên nhân dẫn đến sự chậm lại thanh khoản trên thị trường biệt thự, liền kề Hà Nội, anh Đăng cho rằng, hậu COVID-19, người mua nhà đang ngày càng càng thận trọng hơn tham gia thị trường khi giá bán tăng cao và nhiều dự án không đảm bảo về mặt pháp lý.

Theo ông Đăng, mức giá biệt thự liền kề hiện đang ở mức rất cao, do đó dư địa cho việc tăng giá không còn nhiều trong bối cảnh thị trường hiện nay.

Báo cáo tổng quan tình hình bất động sản quý III của Sở Xây dựng Hà Nội cho thấy, nguồn cung trên thị trường Hà Nội khoảng 3.600 sản phẩm, chủ yếu là hàng tồn kho từ các quý trước được tiếp tục chào bán ra thị trường; tập trung chủ yếu tại các quận, huyện vùng ven Hoàng Mai, Long Biên, Hà Đông…

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, nhìn chung, giá bất động sản nhà ở trong quý III trên địa bàn Hà Nội khá trầm lắng, không có biến động lớn do nhu cầu không cao, tăng nhẹ so với đầu năm. Trong quý III, ước lượng giao dịch trên thị trường chỉ đạt khoảng 10% lượng chào bán với hơn 600 giao dịch.

Đáng chú ý, đối với sản phẩm nhà ở thấp tầng (nhà liền kề, biệt thự), lượng giao dịch rất thấp, gần như không có giao dịch do giá bán cao. Các dự án nhà ở thấp tầng tại quận Hà Đông, Hoàng Mai có giá khoảng 200 triệu đồng/m2; tại huyện Mê Linh, một số dự án cũng bị đẩy lên đến 100 triệu đồng/m2...

Theo Ngọc Mai/Tienphong.vn