Phải có bước đột phá về nhà ở cho người lao động trong thời gian tới
(Xây dựng) – Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về định hướng phối hợp công tác giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong thời gian tới.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo phải có bước đột phá về nhà ở cho người lao động trong thời gian tới. |
Thủ tướng cho rằng, trong năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, Chính phủ và Tổng Liên đoàn đã chủ động, tích cực phối hợp thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ theo Quy chế phối hợp công tác. Một trong những nội dung cụ thể là vấn đề nhà ở cho người lao động.
Tuy nhiên, để chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của người lao động tốt hơn trong thời gian tới, Thủ tướng đã nhấn mạnh nhiệm vụ tiếp tục quan tâm đặc biệt tới vấn đề nhà ở cho người lao động.
“Nhà ở là một trong những vấn đề lớn nhất của con người, “an cư thì mới lạc nghiệp”, nhà ở có thể mua, thuê hoặc thuê mua”, Thủ tướng chia sẻ khi nói về yêu cầu phải có bước đột phá về nhà ở cho người lao động trong thời gian tới.
Trên thực tế, không phải cho đến bây giờ Chính phủ và Thủ tướng Phạm Minh Chính mới quan tâm đặc biệt tới vấn đề nhà ở cho người lao động.
Vào ngày 17/5, Thủ tướng đã chủ trì cuộc họp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030”.
Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh việc phát triển nhà ở xã hội phải lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, nguồn lực, động lực phát triển, không để ai bị bỏ lại phía sau. Việc phát triển nhà ở xã hội cũng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; hỗ trợ người khó khăn, nhất là gia đình trẻ, người mới xây dựng gia đình, công nhân lao động tại các khu công nghiệp, thành phố lớn.
Để thực hiện được mục tiêu này, các Bộ, ngành đã tích cực, chủ động xây dựng và hoàn thiện một loạt cơ sở pháp lý có liên quan vấn đề này như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng. Các Luật cơ bản tháo gỡ các nút thắt, vướng mắc về thủ tục, đất đai… để phát triển nhà ở xã hội và Chính phủ cũng đề xuất Quốc hội cho phép các Luật có hiệu lực sớm hơn.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ đạo đa dạng hóa các nguồn lực phát triển nhà ở xã hội để hỗ trợ cả người bán và người mua. Các địa phương phải vào cuộc quyết liệt, tích cực với các chương trình, kế hoạch, dự án cụ thể. Các thủ tục, điều kiện cho người vay vốn để đầu tư nhà ở xã hội và người mua, thuê, thuê mua phải đơn giản hơn.
Vào ngày 27/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tiếp tục chủ trì cuộc họp toàn quốc dự thảo Nghị định quản lý và phát triển nhà ở xã hội. Trong đó, Phó Thủ tướng đã giao Bộ Xây dựng phối hợp với các Bộ, ngành, rà soát, cắt giảm tối đa trình tự, thủ tục thực hiện dự án nhà ở xã hội; đơn giản hóa tiêu chí xác định đối tượng cũng như điều kiện, thủ tục thuê, mua nhà ở xã hội; làm rõ các tiêu chí về nhà ở xã hội, khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đầu tư dự án nhà ở xã hội…
Dịch Phong
Theo