Phí bảo trì chung cư Trách nhiệm của cá nhân và tổ chức

Xây dựng Chung cư là tập hợp của rất nhiều hộ gia đình tại đây mỗi cá nhân và tập thể phải có trách nhiệm chung với những phần chủ sở hữu Phần chung của chung cư có nhiều chủ sở hữu Do đó nhiều người qua

Phí bảo trì chung cư: Trách nhiệm của cá nhân và tổ chức

18:27 | 13/12/2022

(Xây dựng) - Chung cư là tập hợp của rất nhiều hộ gia đình, tại đây mỗi cá nhân và tập thể phải có trách nhiệm chung với những phần chủ sở hữu. Phần chung của chung cư có nhiều chủ sở hữu. Do đó, nhiều người quan tâm phần kinh phí bảo trì chung cư sẽ được thực hiện như thế nào?

Phí bảo trì chung cư: Trách nhiệm của cá nhân và tổ chức
Ảnh minh họa (nguồn: TL).

Điều 108 Luật Nhà ở 2014 về kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu quy định:

1. Kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu được quy định như sau:

a) Đối với căn hộ, phần diện tích khác trong nhà chung cư mà chủ đầu tư bán, cho thuê mua thì chủ đầu tư phải đóng 2% giá trị căn hộ hoặc diện tích khác bán, cho thuê mua; khoản tiền này được tính vào tiền bán, tiền thuê mua nhà mà người mua, thuê mua phải đóng khi nhận bàn giao và được quy định rõ trong hợp đồng mua bán, hợp đồng thuê mua.

b) Đối với căn hộ, phần diện tích khác trong nhà chung cư mà chủ đầu tư giữ lại không bán, không cho thuê mua hoặc chưa bán, chưa cho thuê mua tính đến thời điểm bàn giao đưa nhà chung cư vào sử dụng, trừ phần diện tích thuộc sở hữu chung thì chủ đầu tư phải đóng 2% giá trị căn hộ, phần diện tích giữ lại; phần giá trị này được tính theo giá bán căn hộ có giá cao nhất của nhà chung cư đó.

2. Trường hợp kinh phí bảo trì quy định tại khoản 1 Điều này không đủ để thực hiện bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư thì các chủ sở hữu nhà chung cư có trách nhiệm đóng góp thêm kinh phí tương ứng với phần diện tích thuộc sở hữu riêng của từng chủ sở hữu.

3. Trường hợp chủ đầu tư ký hợp đồng mua bán, thuê mua căn hộ hoặc diện tích khác trong nhà chung cư trước ngày 01/7/2006 mà chưa thu kinh phí bảo trì phần sở hữu chung thì các chủ sở hữu nhà chung cư họp Hội nghị nhà chung cư để thống nhất mức đóng góp kinh phí này; mức đóng góp kinh phí có thể được nộp hàng tháng vào tài khoản tiền gửi tại tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam do Ban quản trị nhà chung cư lập hoặc được đóng khi phát sinh công việc cần bảo trì.

4. Trường hợp chủ đầu tư ký hợp đồng mua bán, thuê mua căn hộ hoặc diện tích khác trong nhà chung cư sau ngày 01/7/2006 mà trong hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở không có thỏa thuận về kinh phí bảo trì thì chủ đầu tư phải đóng khoản tiền này; trường hợp trong hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở mà giá mua, giá thuê mua chưa tính kinh phí bảo trì thì chủ sở hữu thực hiện đóng khoản kinh phí bảo trì phần sở hữu chung theo quy định tại khoản 3 Điều này.

5. Trường hợp nhà chung cư có mục đích sử dụng hỗn hợp để ở và kinh doanh mà phân chia được riêng biệt các khu chức năng khác nhau trong cùng một tòa nhà bao gồm khu chức năng căn hộ, khu chức năng kinh doanh, dịch vụ và mỗi khu chức năng này có phần sở hữu chung được tách biệt với phần sở hữu chung của cả tòa nhà, được quản lý, vận hành độc lập thì chủ đầu tư và người mua, thuê mua căn hộ hoặc diện tích khác trong nhà chung cư thỏa thuận trong hợp đồng mua bán, thuê mua việc phân chia tỷ lệ kinh phí bảo trì phần sở hữu chung thành nhiều phần để quản lý, sử dụng theo quy định tại khoản 4 Điều 109 của Luật này.

Tóm lại, việc bảo trì chung cư có thể chia làm 2 giai đoạn. Trước ngày 1/7/2006 (thời điểm không quy định cụ thể về thu phí bảo trì chung cư) thì các chủ sở hữu nhà chung cư họp Hội nghị nhà chung cư để thống nhất mức đóng góp kinh phí này.

Từ thời điểm 1/7/2006 mà trong hợp đồng không có thỏa thuận về kinh phí bảo trì thì chủ đầu tư phải đóng khoản tiền này. Trường hợp trong hợp đồng giá thuê mua chưa tính kinh phí bảo trì thì chủ sở hữu thực hiện đóng khoản kinh phí bảo trì tại Hội nghị nhà chung cư. Trường hợp thỏa thuận về bảo trì chung cư thì việc thỏa thuận thực hiện theo Điều 108 Luật Nhà ở 2014.

Thảo Phương

Theo