Quy định thời hạn sở hữu chung cư có nguy cơ làm xáo trộn thị trường bất động sản
Đó là nhận định của Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng liên quan đến Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi)
HoREA kiến nghị 10 phương án gỡ vướng cho các dự án nhà ở thương mại
HoREA "hiến kế" xây nhà cho người thu nhập thấp
TP Hồ Chí Minh: Nhà ở bình dân bị "xóa sổ" trên thị trường trong sáu tháng đầu năm 2022
Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng, quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư có thể gây ra nhiều bất cập cho sự phát triển ổn định của thị trường bất động sản.
Trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Bộ Xây dựng đề xuất hai phương án quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư. Trong đó có phương án thời hạn sở hữu được xác định căn cứ theo thời hạn sử dụng công trình.
Liên quan đến nội dung này, trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng mới đây, HoREA đã chỉ ra 8 bất cập khi quy định thời hạn sở hữu chung cư.
“Căn hộ chung cư là tài sản có giá trị rất lớn với người dân đô thị, đa số người Việt muốn để lại cho con cháu. Sâu xa hơn, điều này còn đóng vai trò thúc đẩy chính sách khuyến khích người dân lựa chọn sống trong căn hộ cao tầng, phù hợp với Luật Đất đai yêu cầu sử dụng đất hiệu quả với quy hoạch đô thị loại đặc biệt, loại 1 và loại 2 ưu tiên phát triển nhà chung cư”, Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu nói và nhấn mạnh, nếu quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư được xác định căn cứ vào thời hạn sử dụng công trình, có thể dẫn đến hàng loạt những bất cập, gây tâm lý bất an cho người mua căn hộ và làm xáo trộn thị trường nhà ở.
Theo HoREA, việc “quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư” là không phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành và không phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của người dân, cũng như sự phát triển của thị trường bất động sản. Ảnh: Tiểu Thúy
Cụ thể, 8 bất cập mà HoREA đề cập, gồm:
Thứ nhất, tăng thêm gánh nặng công việc cho cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện, bởi sẽ phát sinh thêm thủ tục hành chính (kiểm định, gia hạn quyền sở hữu) và sẽ "đẻ" thêm chi phí, tăng gánh nặng tài chính cho xã hội.
Thứ hai, Bộ Xây dựng đề xuất thời hạn sở hữu chung cư được căn cứ vào thời hạn sử dụng công trình theo quy định của pháp luật xây dựng, có thể đang nhầm lẫn giữa quyền sở hữu nhà chung cư với thời hạn sử dụng (tuổi thọ) nhà chung cư được quy định trong Luật Xây dựng.
Bất cứ công trình xây dựng nào, trong đó có nhà chung cư cũng đều có niên hạn sử dụng phụ thuộc vào chất lượng xây dựng và việc quản lý, sử dụng, bảo trì công trình. Nhưng không nên căn cứ vào thời hạn sử dụng (tuổi thọ) công trình để giới hạn quyền sở hữu nhà chung cư vì đây là hai phạm trù khác nhau. Trong thực tiễn, việc xử lý nhà chung cư hết thời hạn sử dụng phải phá dỡ để xây dựng lại hoàn toàn có thể thực hiện theo cơ chế, chính sách quy định tại Nghị định số 69 năm 2021.
Bất cập thứ ba, là không nên vì vướng mắc trong nhiều năm qua mà "chữa cháy" bằng đề xuất quy định sở hữu nhà chung cư có thời hạn để Nhà nước dễ thực hiện cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ. Điều này đi ngược lại với tâm tư, nguyện vọng của người dân muốn được sở hữu căn hộ nhà chung cư gắn liền với quyền sử dụng đất ở ổn định lâu dài.
Chủ tịch HoREA phân tích, quyền sở hữu căn hộ nhà chung cư gắn liền với quyền sử dụng đất ở ổn định lâu dài không hề gây ra những khó khăn, vướng mắc trong công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ mà nguyên nhân chủ yếu là do chưa có đầy đủ các cơ chế chính sách phù hợp. Cơ quan quản lý chưa có những cơ chế đồng bộ để giải quyết thỏa đáng việc bồi thường phải sát giá thị trường, đi đôi với hỗ trợ thỏa đáng và tái định cư tốt hơn nơi ở cũ cho các chủ sở hữu nhà chung cư.
Nghị định số 69 về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư mới bắt đầu quy định đầy đủ các cơ chế, chính sách có tính khả thi và phù hợp với thực tiễn và trên thực tế thì các địa phương chỉ mới áp dụng kể từ ngày 1/9/2021. Do Nghị định này mới đi vào thực tiễn được 1 năm nên cần tiếp tục thực hiện để phát huy hiệu quả tốt hơn.
Thứ tư, Khoản 1 Điều 30 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định gia hạn thời hạn sở hữu theo thời hạn nêu trong kết luận kiểm định dẫn đến nghịch lý quyền sở hữu nhà chung cư bị lệ thuộc vào kết luận kiểm định của một đơn vị tư vấn kỹ thuật xây dựng, bao gồm cả tình huống đất xây dựng khu chung cư được sử dụng ổn định lâu dài. Do đó, phương án đề xuất của Bộ Xây dựng chưa chặt chẽ, chưa đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với các quy định pháp luật.
Thứ năm, quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư dẫn đến có sự phân biệt về quyền sở hữu nhà ở. Cụ thể, nhà ở riêng lẻ (biệt thự, nhà phố) gắn liền với đất ở được công nhận sở hữu không xác định thời hạn. Trong khi đó nhà chung cư chỉ được công nhận sở hữu có thời hạn. Quy định này có thể làm lợi cho các chủ đầu tư dự án nhà ở thấp tầng (biệt thự, nhà phố) và làm trở ngại cho việc phát triển nhà chung cư cao tầng tại các đô thị, nên có thể chưa phù hợp với chủ trương của Nhà nước về phòng, chống lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.
Thứ sáu, nếu quy định về niên hạn sở hữu có thể dẫn đến nhiều người sẽ bỏ lựa chọn nhà chung cư để chuyển sang mua nhà ở riêng lẻ (biệt thự, nhà phố) gắn liền với đất ở, khiến giá biệt thự, nhà phố lại bị đẩy lên cao.
“Quy định này có thể “làm lợi” cho các chủ đầu tư dự án nhà ở thấp tầng (biệt thự, nhà phố) và làm trở ngại cho việc phát triển nhà chung cư cao tầng tại các đô thị” – Hiệp hội phân tích.
Bên cạnh đó, theo HoREA, ưu điểm của căn hộ nhà chung cư sở hữu có thời hạn là giá bán thấp hơn căn hộ sở hữu không xác định thời hạn tương tự tại cùng khu vực, phù hợp với khả năng tài chính của một bộ phận khách hàng. Nhưng theo nhận định của Hiệp hội này, đa số người dân lại có tâm lý lựa chọn căn hộ nhà chung cư được sở hữu không xác định thời hạn, nên rất cần thiết giữ nguyên chính sách hiện nay của Luật Nhà ở 2014 cho phép phát triển cả hai loại dự án nhà chung cư “sở hữu không xác định thời hạn gắn liền với quyền sử dụng đất ở ổn định lâu dài” hoặc “sở hữu có thời hạn”.
HoREA cho biết, nếu so sánh thì giá bán căn hộ nhà chung cư sở hữu có thời hạn tuy thấp hơn giá bán căn hộ nhà chung cư sở hữu vĩnh viễn khoảng trên dưới 20%, nhưng chưa thật sự hấp dẫn và chưa phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của số đông người tiêu dùng, bởi lẽ đa số người dân có tâm lý coi nhà ở, trong đó có căn hộ chung cư vừa là “tiêu sản” (dùng để ở, thụ hưởng); vừa là “tích sản” (tích lũy tài sản; làm của cải để dành) có giá trị lớn nhất; vừa kết hợp để ở và kinh doanh,...
Chưa kể, Việt Nam là nước đang phát triển (có thể còn mất nhiều năm nữa mới đạt mức GDP 7.000 USD/người) nên giá trị bất động sản, nhà đất (nhất là đất) thường có xu thế tăng giá theo thời gian.
Hiệp hội lấy ví dụ, năm 2007-2010, chủ đầu tư một khu đô thị mới tại quận 7 bán nhà phố, biệt thự với giá đất nền khoảng 7-16 triệu đồng/m2; bán căn hộ chung cư với giá 32-35 triệu đồng/m2. Nhưng, hiện nay (sau 15 năm) thì giá đất nền đã tăng lên 160-200 triệu đồng/m2, giá căn hộ chung cư đã tăng lên 50 triệu đồng/m2 nên đa số người dân mua nhà chung cư thì có xu hướng lựa chọn mua căn hộ nhà chung cư được sở hữu không xác định thời hạn gắn liền với quyền sử dụng đất ở ổn định lâu dài để được hưởng địa tô chênh lệch.
Thứ bảy, chính sách này nếu được áp dụng, có thể tác động tiêu cực đến mục tiêu ưu tiên phát triển nhà chung cư tại đô thị đặc biệt, loại 1 và loại 2 để sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả.
Thứ tám, phương án 1 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) chưa làm rõ chế độ sử dụng đất đối với đất xây dựng khu chung cư là sử dụng ổn định lâu dài hay sử dụng có thời hạn theo thời hạn sở hữu nhà chung cư, dễ dẫn đến nhầm lẫn khái niệm, dễ gây tranh chấp về sau.