Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn Quy hoạch ngành mang ý nghĩa quan trọng

Xây dựng – Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 – 2030 tầm nhìn đến năm 2050 là một công cụ quản lý chiến lược hệ thống đô thị và nông thôn xác định các chỉ số tăng trưởng đô thị hóa kế ho

Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn: Quy hoạch ngành mang ý nghĩa quan trọng

22:38 | 16/09/2024

(Xây dựng) – Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là một công cụ quản lý chiến lược hệ thống đô thị và nông thôn; xác định các chỉ số tăng trưởng đô thị hóa, kế hoạch phát triển hệ thống đô thị cân bằng giữa các vùng miền và trong quá trình chuyển đổi đơn vị hành chính từ nông thôn sang đô thị.

Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn: Quy hoạch ngành mang ý nghĩa quan trọng
Quy hoạch có vai trò tổ chức hệ thống các đô thị và khu dân cư nông thôn trên toàn quốc nhằm phát triển đô thị và nông thôn bền vững. (Ảnh minh họa)

Cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia về hệ thống đô thị và nông thôn

Về quan điểm phát triển, Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn phát huy tối đa lợi thế của quốc gia, vùng, địa phương để phát triển đô thị trở thành động lực giữ vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế đất nước, phát triển hài hòa đô thị và nông thôn.

Phát triển đô thị, nông thôn bền vững, kế thừa các kết quả đạt được sau hơn 35 năm đổi mới; tổ chức không gian phù hợp với tiềm năng lợi thế khu vực; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đất đai, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái; bảo tồn di sản kiến trúc, cảnh quan, đô thị, bản sắc văn hóa vùng, miền và nâng cao chất lượng đô thị - nông thôn; phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Phát triển hệ thống đô thị theo mô hình mạng lưới; có trọng tâm, trọng điểm; tập trung phát triển vùng đô thị lớn, các đô thị lớn, có năng lực cạnh tranh để hình thành các cực tăng trưởng quốc gia, cạnh tranh quốc tế; tập trung phát triển đô thị, nông thôn tại một số địa bàn có điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, nguồn nhân lực chất lượng cao và các tiềm năng, lợi thế khác để hình thành vùng động lực, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng, tạo hiệu ứng lan tỏa thúc đẩy đến các đô thị vừa và nhỏ, đô thị miền núi và hải đảo, các khu vực nông thôn.

Đồng thời, xây dựng nông thôn hiện đại, tăng cường liên kết nông thôn - đô thị, thúc đẩy đô thị hóa nông thôn. Tổ chức phân bố đô thị, nông thôn hợp lý tạo sự phát triển cân đối hài hòa giữa các vùng, các tỉnh; có cơ chế, chính sách, nguồn lực phù hợp với điều kiện của nền kinh tế để bảo đảm cung cấp các dịch vụ hạ tầng, đặc biệt là dịch vụ về văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục; từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các địa bàn thuận lợi và địa bàn khó khăn miền núi, hải đảo; giữa các đô thị lớn với đô thị vừa và nhỏ, giữa đô thị với nông thôn…

Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn đã cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia về hệ thống đô thị và nông thôn trên cơ sở kết nối các ngành, các vùng có liên quan. Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn cũng là cơ sở để lập và quản lý thực hiện phát triển đô thị, nông thôn, được nghiên cứu đồng thời với các quy hoạch cấp dưới là các quy hoạch vùng và các quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn.

Quy hoạch có vai trò tổ chức hệ thống các đô thị và khu dân cư nông thôn trên toàn quốc nhằm phát triển đô thị và nông thôn bền vững trên cơ sở sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, bản sắc văn hóa vùng miền, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thời kỳ 2021 - 2030.

Đây cũng là một công cụ quản lý chiến lược hệ thống đô thị và nông thôn; xác định các chỉ số tăng trưởng đô thị hóa, kế hoạch phát triển hệ thống đô thị cân bằng giữa các vùng miền và trong quá trình chuyển đổi đơn vị hành chính từ nông thôn sang đô thị.

Phát triển hệ thống đô thị theo mô hình mạng lưới

Về định hướng phát triển chung, phát triển hệ thống đô thị, nông thôn dựa trên đặc điểm lãnh thổ tự nhiên trên đất liền, biển, hải đảo; đặc điểm lịch sử, văn hóa, định cư và hiện trạng phân bố dân cư. Nâng cao chất lượng phát triển đô thị, nông thôn về kinh tế, xã hội, kết cấu hạ tầng, nhà ở và môi trường sống của người dân.

Phát triển đô thị, nông thôn đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Lựa chọn các đô thị có lợi thế đặc biệt để xây dựng thành trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ... có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế. Ưu tiên phát triển các đô thị gắn với các hành lang kinh tế thành các đô thị trung tâm phù hợp với chức năng của từng vùng, thúc đẩy lan tỏa phát triển.

Phát triển Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố khác trực thuộc Trung ương trở thành các đô thị năng động, sáng tạo, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị, có vai trò quan trọng trong mạng lưới đô thị của khu vực Đông Nam Á và châu Á. Quy hoạch đô thị lớn gắn với giao thông công cộng (TOD), chú trọng khai thác không gian ngầm, phát triển các đô thị vệ tinh giảm tải cho đô thị trung tâm.

Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn: Quy hoạch ngành mang ý nghĩa quan trọng
Bố trí, sắp xếp lại dân cư gắn với xây dựng huyện và xã nông thôn mới theo hướng tập trung, có điều kiện sống tương đương với khu vực đô thị. (Ảnh minh họa)

Phát triển mạng lưới khu dân cư nông thôn là hạt nhân quan trọng của khu vực nông thôn, được quy hoạch gắn với bảo vệ tài nguyên tự nhiên, văn hóa truyền thống; phù hợp với các vùng sinh thái nông nghiệp; đảm bảo an ninh, quốc phòng của đất nước…

Về định hướng tổ chức không gian hệ thống đô thị, phát triển hệ thống đô thị Việt Nam theo mô hình mạng lưới, phân bố hợp lý tại các vùng kinh tế - xã hội, vùng đô thị lớn gắn với các cực tăng trưởng của đất nước trong mối liên kết tầng bậc, cấp, loại đô thị; tạo thành hình thái không gian kết nối chuỗi, dải và chùm đô thị, được phân bố hợp lý theo các vùng miền.

Mạng lưới đô thị quốc gia gồm: Các vùng đô thị, các đô thị trung tâm các cấp, bao gồm: Đô thị trung tâm cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh, huyện và cụm xã nông thôn. Mạng lưới đô thị quốc gia tạo nên hình thái không gian kết nối theo chuỗi, dải và chùm đô thị tại các vùng kinh tế - xã hội, dọc theo 02 hành lang kinh tế quốc gia gắn với chiến lược biển và đường Hồ Chí Minh; hành lang vành đai biên giới (Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia) gắn với kinh tế cửa khẩu, an ninh quốc phòng và các trục hành lang Đông - Tây.

Các vùng đô thị gồm 4 vùng gồm Vùng đô thị Hà Nội, Vùng đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, Vùng đô thị Đà Nẵng, Vùng đô thị Cần Thơ. Hệ thống đô thị trung tâm quốc gia (đô thị loại đặc biệt và loại I) gồm các thành phố trực thuộc Trung ương, đô thị loại đặc biệt, loại I. Với hệ thống đô thị trung tâm cấp vùng, có đô thị loại I, II, III là các thành phố đô thị trung tâm các vùng.

Tùy thuộc vào đặc điểm của điều kiện tự nhiên, các mối quan hệ và nguồn lực phát triển, các chuỗi và chùm đô thị được bố trí hợp lý tại các vùng kinh tế - xã hội, vùng đô thị lớn; dọc hành lang biên giới, ven biển, hải đảo và trên các tuyến hành lang kinh tế Bắc - Nam, Đông - Tây, tạo mối liên kết hợp lý trong mỗi vùng và trên toàn bộ lãnh thổ quốc gia...

Hệ thống nông thôn được phân bố, tổ chức phù hợp

Về định hướng quy hoạch hệ thống nông thôn, xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, hiện đại, xanh, sạch, đẹp gắn với quá trình đô thị hóa; có cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội đồng bộ và tiệm cận với khu vực đô thị; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn và tổ chức sản xuất hợp lý, tạo sinh kế bền vững cho người dân thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); xã hội nông thôn ổn định, dân trí được nâng cao; an ninh, trật tự được bảo đảm.

Với định hướng xây dựng phát triển vùng huyện và xã nông thôn, bố trí, sắp xếp lại dân cư gắn với xây dựng huyện và xã nông thôn mới theo hướng tập trung, có điều kiện sống tương đương với khu vực đô thị. Huyện có các đô thị loại IV, V là các thị trấn, đô thị mới là trung tâm huyện lỵ hoặc trung tâm chuyên ngành thuộc huyện, giữ vai trò liên kết nông thôn - đô thị. Phát triển mỗi xã nông thôn có một trung tâm xã, tại khu trung tâm bố trí đầy đủ các chức năng giao dịch hành chính, mua sắm, giải trí...

Về an sinh xã hội - văn hóa, liên kết các thị trấn, đô thị mới (loại V) với khu dân cư nông thôn tạo thành mạng lưới hạ tầng xã hội trên địa bàn huyện và xã, cung ứng đầy đủ các dịch vụ an sinh xã hội cơ bản, từng bước phát triển các dịch vụ nông thôn chất lượng cao. Tập trung nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu nhằm đảm bảo ổn định cuộc sống của người dân, đặc biệt là giao thông, cấp điện, cấp nước, thông tin và truyền thông, y tế, giáo dục, văn hóa, nhà ở cho dân cư.

Về văn hóa và bản sắc kiến trúc nông thôn, chú trọng hình thái không gian cư trú nông thôn theo đặc trưng địa hình cảnh quan và bản sắc văn hóa vùng miền, tăng mật độ dân cư để tiếp cận tốt hơn đối với kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội. Các khu dân cư nông thôn truyền thống được bảo tồn, phục hồi các di tích lịch sử, di sản văn hóa, tín ngưỡng…

Tổ chức hệ thống khu dân cư nông thôn theo các vùng sinh thái nông nghiệp sẽ thực hiện cho các vùng cụ thể bao gồm: Vùng trung du miền núi Bắc bộ, Vùng đồng bằng sông Hồng, Vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Nam Trung bộ, Vùng Tây Nguyên, Vùng Đông Nam bộ, Vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Về định hướng kiến trúc, cảnh quan đô thị, nông thôn, tổng thể kiến trúc cảnh quan của mỗi vùng và đô thị, nông thôn phải có bản sắc riêng, phù hợp với điều kiện kinh tế, tự nhiên, dân số - xã hội, trình độ khoa học, kỹ thuật, truyền thống văn hóa lịch sử của địa phương và các yêu cầu phát triển mới. Tổng thể kiến trúc của mỗi đô thị, nông thôn phải kết hợp hài hòa giữa cải tạo với xây dựng mới; đổi mới môi trường văn hóa kiến trúc truyền thống.

Trong đó, đặc biệt quan tâm đến kiến trúc các đô thị là trung tâm cấp quốc gia, khu vực và quốc tế như: Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; bảo vệ, tôn tạo kiến trúc cảnh quan tại các khu vực di sản trong đô thị, đô thị đặc thù như Huế, Hội An, Đà Lạt, Sa Pa, Ninh Bình; các khu phố cổ, phố cũ; di tích lịch sử, di sản văn hóa và các công trình kiến trúc cảnh quan có giá trị…

Yến Mai

Theo

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load

$(document).ready(function () { var nextURL; function updateNextURL(doc) { nextURL = $(doc).find('.__MB_NEXT_URL:last').val(); } updateNextURL(document); $('.__MB_LIST_ITEM').infiniteScroll({ path: function () { return nextURL; }, append: '.item', //responseType: 'document', status: '.scroller-status', hideNav: '.__MB_NEXT_URL', scrollThreshold: 100, loadOnScroll: true, scrollThreshold: true, history: false, historyTitle: false, prefill: false }); $('.__MB_LIST_ITEM').on('load.infiniteScroll', function (event, response) { updateNextURL(response); }); });