Quy hoạch phát triển các đô thị biển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu

Xây dựng Đó là nội dung Hội thảo chuyên đề do Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia VIUP tổ chức ở không gian trưng bày quy hoạch tại Cung Triển lãm kiến trúc quy hoạch xây dựng quốc gia

Quy hoạch phát triển các đô thị biển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu

16:11 | 19/07/2024

(Xây dựng) - Đó là nội dung Hội thảo chuyên đề do Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (VIUP) tổ chức ở không gian trưng bày quy hoạch tại Cung Triển lãm, kiến trúc quy hoạch xây dựng quốc gia.

Quy hoạch phát triển các đô thị biển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu
TS.KTS Phạm Thị Nhâm, Phó Viện trưởng Viện VIUP chia sẻ, Hội thảo là diễn đàn khoa học trao đổi và tiếp thu các phản biện xã hội cho công tác quản lý kiến trúc - quy hoạch và ngành Xây dựng.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS.KTS Phạm Thị Nhâm, Phó Viện trưởng Viện VIUP chia sẻ về Không gian trưng bày quy hoạch, bà cho biết: Đây sẽ là không gian trưng bày thường niên các đồ án quy hoạch trên toàn quốc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời hoạt động này sẽ gắn các nội dung quy hoạch chung với hội thảo chuyên đề trao đổi chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch - kiến trúc và liên ngành về công tác lập các đồ án quy hoạch vùng/tỉnh gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, và công tác quy hoạch đô thị mang tính đặc thù của từng địa phương.

Đồng thời đây cũng là diễn đàn khoa học trao đổi và tiếp thu các phản biện xã hội cho công tác quản lý kiến trúc - quy hoạch và ngành Xây dựng nói chung; cung cấp thông tin cho công tác giảng dạy, đào tạo trong các trường đại học.

Trong hoạt động đầu tiên nằm trong chuỗi sự kiện thường niên này là Hội thảo với chủ đề Quy hoạch phát triển các đô thị ven biển gắn với 2 đồ án quy hoạch chung do Viện thực hiện đó là: Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; và Quy hoạch chung thành phố Phú Quốc đến năm 2040 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đây là nội dung được nhấn mạnh trong Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã xác định, phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái.

Quy hoạch phát triển các đô thị biển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu
TS.KTS Nguyễn Trung Dũng, Giám đốc Trung tâm thông tin - Đào tạo và hợp tác quốc tế (VIUP).

Trong Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về "Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” khẳng định quy hoạch đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng các đô thị phải đi trước một bước và tạo ra nguồn lực chủ yếu cho phát triển đô thị. Các vùng đô thị, hành lang đô thị, dải đô thị ven biển được tập trung xây dựng; Đầu tư phát triển các đô thị có giá trị về di sản, du lịch, đô thị gắn với những địa bàn có nhiều tiềm năng phát triển du lịch; Đầu tư nâng cao khả năng chống chịu thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu của các đô thị ven biển, Đồng bằng sông Cửu Long và các vùng sinh thái đễ bị tổn thương.

Việt Nam với đường bờ biển kéo dài khoảng 13 vĩ độ từ Móng Cái (Quảng Ninh) qua mũi Cà Mau (cực Nam của Tổ quốc) đến Hà Tiên (Kiên Giang) đi qua 28/63 tỉnh, thành phố ven biển của nước ta với tổng chiều dài 3.260km. Mỗi đô thị biển nằm trong vùng địa văn hóa, địa chính trị khác nhau... nên tính chất phát triển theo đặc trưng đô thị cũng cần được xác định để có được định hướng yếu tố đô thị biển có tính bản sắc riêng.

Các đô thị ven biển đều là các đô thị phát triển năng động và có nhiều đóng góp cho tăng trưởng kinh tế đất nước thời gian qua. Tuy nhiên, địa bàn các đô thị ven biển nước ta lại là nơi tập trung nhiều yếu tố nhạy cảm về chính trị - xã hội, an ninh quốc phòng, môi trường sinh thái, đặc biệt chịu ảnh hưởng mạnh của biến đổi khí hậu và thiên tai rất mạnh. Thách thức của các đô thị biển bảo đảm tính kết nối giữa các địa phương ven biển với nhau, cũng như với các địa phương trong nội địa, qua đó tăng cường sự gắn kết, tạo thành chuỗi kết nối khép kín, nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa, sức cạnh tranh cho các ngành, địa phương và các vùng trong cả nước. Vì vậy, cần có định hướng quy hoạch chiến lược để tạo lập các không gian đô thị biển mang tính đặc trưng vùng miền đảm bảo sự phát triển bền vững.

Tại Hội thảo có 06 chuyên đề được đưa ra thảo luận, trong đó có Đề án xây dựng, phát triển các đô thị ven biển theo mô hình sinh thái gắn với phát triển du lịch bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu của TS.KTS Nguyễn Trung Dũng cho thấy vai trò và vị thế hệ thống đô thị ven biển Việt Nam. Trong đó với 28 tỉnh, thành phố Trung ương ven biển, 373 đô thị ven biển (năm 2019), 13 đô thị du lịch ven biển, và có đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế quốc gia (khoảng 60% GDP cả nước). Bên cạnh đó, những vấn đề tồn tại trong quy hoạch phát triển không gian đô thị như phát triển tập trung bám theo mặt biển, hệ thống không gian công cộng thiếu bản sắc. Đặc biệt là thiếu kết nối giữa không gian đô thị và không gian biển…

Đây cũng là vấn đề được đưa ra trong bài tham luận về đề xuất Xây dựng tiêu chí các đô thị ven biển mang tính đặc trưng của ThS.KTS Lê Thúy Hà.

Quy hoạch phát triển các đô thị biển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu
ThS.KTS Lê Thúy Hà, Phó Trưởng Phòng Nghiên cứu chiến lược và chính sách phát triển đô thị (VIUP).

Bên cạnh các đồ án quy hoạch chung do các kiến trúc sư là cán bộ của Viện trực tiếp tham gia, trong nội dung hội thảo này, hiện nay Viện đã phối hợp với Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) bước đầu lập đề án "Xây dựng, phát triển một số đô thị, khu đô thị ven biển hiện đại theo mô hình sinh thái, tăng trưởng xanh, thông minh gắn với phát triển du lịch bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045”.

Viện cũng đang đề xuất triển khai "Nghiên cứu đề xuất các tiêu chí về các đô thị du lịch ven biển tại Việt Nam" cho nên Hội thảo cũng là cơ hội để cùng trao đổi với các nhà quản lý, các chuyên gia về Bộ tiêu chí đô thị du lịch biển. Và nhìn nhận các vấn đề tồn tại và hạn chế trong quản lý phát triển đô thị biển, từ đó có giải pháp phát huy lợi thế để thúc đẩy, tạo đột phá trong phát triển kinh tế đô thị biển.

Dải đất ven biển là vùng có cơ hội phát triển kinh tế rất cao, do có không gian biển rộng lớn và giàu tài nguyên. Sự kết nối giữa kinh tế biển và chuỗi đô thị sẽ thúc đẩy sự hình thành các cực kinh tế mũi nhọn. Để nước ta thực sự trở thành cường quốc biển, Việt Nam cần quy hoạch phát triển hệ thống đô thị biển theo hướng xanh và bền vững.

Quy hoạch phát triển các đô thị biển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu
TS.KTS Trương Văn Quảng, Phó Tổng Thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam.

Trao đổi tại Hội thảo, các chuyên gia và đại diện Hiệp hội Đô thị Việt Nam cũng cho rằng để thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển đô thị ven biển một cách bền vững thì đòi hỏi sự kết hợp của nhiều chiến lược và biện pháp khác nhau, trong đó quy hoạch không gian và phát triển đô thị bền vững sao cho tối ưu hóa việc sử dụng không gian và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Đồng thời phát triển cơ sở hạ tầng xanh như công viên, khu vực bảo tồn và các hệ thống thoát nước tự nhiên qua xử lý là điều vô cùng cần thiết. Trong đó, xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững và linh hoạt thông qua nâng cấp cơ sở hạ tầng để chịu được các hiện tượng khí hậu khắc nghiệt bằng cách sử dụng các loại vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường và có khả năng chống chịu tốt…

Quy hoạch phát triển các đô thị biển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu
TS.KTS Ngô Trung Hải, Tổng Thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam.

Cụ thể quản lý tài nguyên nước, cải thiện hệ thống thoát nước và xử lý nước thải để ngăn ngừa ngập lụt và ô nhiễm. Tạo ra các hồ chứa nước mưa và các giải pháp lưu trữ nước khác. Bảo vệ và phục hồi hệ sinh thái ven biển như bảo vệ các rạn san hô, rừng ngập mặn và các hệ sinh thái quan trọng khác để chống lại xói mòn và ngập lụt. Khuyến khích phục hồi các khu vực tự nhiên bị suy thoái. Nâng cao nhận thức và giáo dục cộng đồng về biến đổi khí hậu và các biện pháp thích ứng. Cũng như tổ chức các chương trình đào tạo và giáo dục cho người dân và các nhà quản lý.

Xây dựng chính sách và quy định hỗ trợ thông qua ban hành các chính sách và quy định để thúc đẩy phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Khuyến khích các dự án đầu tư xanh và hỗ trợ tài chính cho các dự án thân thiện với môi trường. Hợp tác quốc tế và địa phương bằng cách tham gia các chương trình hợp tác quốc tế về biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Xây dựng mối quan hệ hợp tác giữa các chính quyền địa phương, các tổ chức phi Chính phủ, và cộng đồng.

Việc quy hoạch và phát triển các đô thị ven biển cần sự tham gia của nhiều bên liên quan và phải được thực hiện theo cách tiếp cận toàn diện để đảm bảo sự phát triển bền vững và khả năng chống chịu trước những thách thức của biến đổi khí hậu.

Thanh Huyền

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load

$(document).ready(function () { var nextURL; function updateNextURL(doc) { nextURL = $(doc).find('.__MB_NEXT_URL:last').val(); } updateNextURL(document); $('.__MB_LIST_ITEM').infiniteScroll({ path: function () { return nextURL; }, append: '.item', //responseType: 'document', status: '.scroller-status', hideNav: '.__MB_NEXT_URL', scrollThreshold: 100, loadOnScroll: true, scrollThreshold: true, history: false, historyTitle: false, prefill: false }); $('.__MB_LIST_ITEM').on('load.infiniteScroll', function (event, response) { updateNextURL(response); }); });