Sửa Luật Đất đai Bồi thường bằng tiền thì rất rẻ

PGS TS Nguyễn Thị Nga Trưởng Bộ môn Luật Đất đai Đại học Luật nêu vấn đề Bồi thường bằng tiền thì rất rẻ không tương xứng với giá trị đất Bởi nông dân không giao dịch đất nông nghiệp thì lấy đâu ra bảng

Sửa Luật Đất đai: 'Bồi thường bằng tiền thì rất rẻ'

11:41 | 01/10/2022

PGS.TS Nguyễn Thị Nga - Trưởng Bộ môn Luật Đất đai Đại học Luật - nêu vấn đề: "Bồi thường bằng tiền thì rất rẻ, không tương xứng với giá trị đất. Bởi nông dân không giao dịch đất nông nghiệp thì lấy đâu ra bảng so sánh giá thực tế trên thị trường để làm mức tối thiểu..."

Tại Hội thảo góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) ngày 30/9, GS. TS Lê Minh Tâm - nguyên Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam cho biết, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã quy định một cách toàn diện, đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, nhưng vẫn còn nhiều điều chưa được đề cập đến.

Về vấn đề Nhà nước thu hồi đất, ông Tâm bày tỏ cơ bản nhất trí với quy định về những trường hợp Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh.

Tuy nhiên, cần có quy định rõ hơn về quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền để làm căn cứ cho việc thu hồi và bảo đảm tính cụ thể, minh bạch của pháp luật và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện và kiểm tra giám sát của nhân dân.

Đối với những trường hợp Nhà nước thu hồi đất để xây dựng dự án đô thị, nhà ở thương mại, GS.TS Lê Minh Tâm kiến nghị cần có sự phân biệt từng trường hợp cụ thể để có những quy định phù hợp, bởi đây là những trường hợp tương đối nhạy cảm, dễ bị lợi dụng, dễ gây ra sự bức xúc, bất bình, phản đối, khiếu kiện của người dân và cộng đồng dân cư có lợi ích liên quan.

"Vì vậy, đối với những trường hợp này cần phải có sự đánh giá, cân nhắc thận trọng, bảo đảm hài hoà về lợi ích giữa người sử dụng đất, nhà đầu tư và người quản lý, trên cơ sở bảo đảm đoàn kết, đồng thuận", nguyên Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam phân tích.

Ông Tâm cũng nêu ý kiến nên quy định theo hướng khuyến khích nhà đầu tư thoả thuận với người sử dụng đất trong việc nhận chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại. Hạn chế tối đa việc thu hồi đất cho các mục đích trên bằng phương pháp hành chính.

sua luat dat dai boi thuong bang tien thi rat re
Nhiều ý kiến đóng góp tại Hội thảo góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) ngày 30/9.

Góp ý thêm về vấn đề này, PGS. TS Doãn Hồng Nhung - Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội lập luận: "Nhà nước thu hồi đất là thu hồi quyền tài sản của người sử dụng nên cần quan tâm hơn đến quyền của người sử dụng đất như được bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Bởi trong nội dung của Luật Đất đai quy định rõ nơi ở mới phải tốt hoặc bằng nơi ở cũ. Trong quy trình thu hồi đã phải đưa nội dung là kiểm soát điều kiện của người dân tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ thì mới triển khai hoạt động thu hồi".

Bà Nhung đề nghị việc sửa đổi Luật Đất đai cần cân nhắc, rà soát kỹ mục đích sử dụng đất, kiểm soát quyền lực Nhà nước trong cơ chế thu hồi đất.

PGS.TS Nguyễn Thị Nga - Trưởng Bộ môn Luật Đất đai Đại học Luật - nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật đất đai cần quan tâm đúng mức đến việc bảo vệ quyền sử dụng đất cho các đối tượng yếu thế trong xã hội, ở đây gồm các hộ gia đình có đất sản xuất chủ yếu là trồng lúa.

"Như chúng ta biết, bồi thường bằng tiền thì rất rẻ, không tương xứng với giá trị đất. Bởi nông dân không giao dịch đất nông nghiệp thì lấy đâu ra bảng so sánh giá thực tế trên thị trường để làm mức tối thiểu trong bồi thường, lại quay lại sử dụng mức giá đất mà tỉnh đã ban hành”, bà Nga nêu thực tế.

Vị chuyên gia nhấn mạnh phải có quy hoạch tốt. Nếu đã quy hoạch đất để sản xuất nông nghiệp thì phải có chính sách bảo vệ quyền sử dụng đất của người dân ở mức độ nhất định, phải giữ đất để người nông dân sản xuất.

Theo Ngọc Mai/Tienphong.vn