Tập trung hoàn thiện pháp luật về quy hoạch và phát triển đô thị

Xây dựng Chủ trì và kết luận Hội thảo chuyên đề về Nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị hướng đến phát triển bền vững Vụ trưởng Vụ Quy hoạch Kiến trúc Bộ Xây dựng Trần Thu Hằng nhấn mạnh Hoàn thiện pháp

Tập trung hoàn thiện pháp luật về quy hoạch và phát triển đô thị

15:14 | 18/11/2022

(Xây dựng) - Chủ trì và kết luận Hội thảo chuyên đề về “Nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị hướng đến phát triển bền vững”, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch Kiến trúc (Bộ Xây dựng) Trần Thu Hằng nhấn mạnh: “Hoàn thiện pháp luật về quy hoạch và phát triển đô thị là vô cùng cần thiết”. Đây là 1 trong 3 hội thảo chuyên đề hướng đến Hội nghị Đô thị toàn quốc năm 2022 do Bộ Xây dựng và Ban Kinh tế Trung ương phối hợp tổ chức, ngày 16/11.

Tập trung hoàn thiện pháp luật về quy hoạch và phát triển đô thị
Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo “Nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị hướng đến phát triển bền vững”.

Hoàn thiện pháp luật về quy hoạch và phát triển đô thị

Theo nhận định của Vụ trưởng Vụ Quy hoạch – Kiến trúc Trần Thu Hằng, các tham luận và ý kiến trao đổi tại Hội thảo “Nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị hướng đến phát triển bền vững” đã đưa ra một số gợi ý và định hướng nhằm hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan tới công tác quản lý và phát triển đô thị trong thời gian tới.

Thứ nhất, việc hoàn thiện pháp luật về quy hoạch đô thị, đổi mới hướng tiếp cận quy hoạch và phương pháp thực thi, phù hợp với nguồn lực thực hiện là vô cùng cần thiết.

Có thể nói, quy hoạch đô thị không đơn giản chỉ là xây dựng hình ảnh mà là tạo ra sự khác biệt; quy hoạch là khung hướng dẫn giúp các nhà lãnh đạo hiện thực tầm nhìn bằng cách sử dụng không gian như một nguồn lực chủ chốt cho sự phát triển và gắn kết các bên tham gia xuyên suốt lộ trình theo tính bền vững.

Thứ hai, chia sẻ kinh nghiệm từ các tổ chức quốc tế cho thấy sự cần thiết phải xây dựng hệ thống đô thị với một cơ chế kết nối các đô thị ở cấp vùng để cùng nhau giải quyết các vấn đề vượt ranh giới hành chính của từng đô thị như: Biến đổi khí hậu, quản lý nguồn nước và xây dựng hạ tầng khung của vùng, đồng thời tạo động lực kết nối phát triển theo cụm, phát huy được tiềm năng phát triển của từng đô thị trong vùng, từ đó góp phần phát triển kinh tế và phát triển bền vững toàn vùng, toàn hệ thống đô thị.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy: Trong phát triển hệ thống/vùng đô thị cũng cần lưu tâm hơn tới các đô thị vừa và nhỏ như là các đô thị vệ tinh, đảm bảo cân bằng vùng và tránh phụ thuộc vào các đô thị lớn.

Bên cạnh đó, hình thành khung hệ thống đô thị quốc gia có sự liên kết chặt chẽ với các vùng động lực, trục, hành lang kinh tế là một nhiệm vụ quan trọng khi triển khai lập quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia.

Chia sẻ từ nước Pháp (Vùng Ile Defrance tại Việt Nam), cần có cơ chế thực hiện Quy hoạch “quá độ” cho các trường hợp quy hoạch, dự án chưa được thực hiện (như trường hợp quy hoạch “treo”, dự án “treo”của Việt Nam) cùng với sự đồng thuận và tham gia của cộng đồng. Đại diện đến từ Hội đồng Quy hoạch vùng Luân Đôn (Anh) cũng đã chia sẻ những nguyên tắc hỗ trợ cho việc thực hiện quy hoạch đô thị…

Tập trung hoàn thiện pháp luật về quy hoạch và phát triển đô thị
Vụ trưởng Vụ Quy hoạch – Kiến trúc Bộ Xây dựng Trần Thu Hằng nhấn mạnh sự cần thiết của nhiệm vụ hoàn thiện pháp luật về quy hoạch đô thị, đổi mới hướng tiếp cận quy hoạch và phương pháp thực thi, phù hợp với nguồn lực thực hiện.

Thứ ba, các bài trình bày từ Thành phố Hồ Chí Minh: Hướng đi nào cho các đô thị lớn hướng tới thành phố toàn cầu; từ Thành phố Hà Nội quy hoạch Thủ đô gắn với nguồn lực, chương trình, kế hoạch triển khai phát triển đô thị; Những khuyến nghị từ các tham luận của tổ chức quốc tế cho thấy: Cần lưu tâm hơn tới các cơ chế, chính sách hướng tới mức độ phân cấp, phân quyền và trao quyền tự chủ cao hơn cho các địa phương, thúc đẩy việc xây dựng mô hình chính quyền đô thị, tăng tự chủ trong quản trị, khả năng cạnh tranh của đô cũng như năng lực huy động các nguồn lực, nguồn tài chính khác nhau phục vụ công tác đầu tư phát triển địa phương tại các đô thị.

Thứ tư, trên cơ sở của tham luận của Học viện Đào tạo Cán bộ xây dựng và đô thị cho thấy xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về quy hoạch và phát triển đô thị gắn với dữ liệu tích hợp của Quốc gia, dữ liệu đất đai là nhiệm vụ rất quan trọng trong tiến trình Chuyển đổi số của Quốc gia và từng địa phương.

Vụ trưởng Trần Thu Hằng kỳ vọng: “Triển khai thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam; Chương trình hành động 148/NQ-CP của Chính phủ và các kế hoạch triển khai cụ thể của các Bộ, ngành, địa phương; cùng với sự tham gia của các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài nước, cùng với sự tham gia của các Bộ ngành Trung ương và sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, chúng ta sẽ tháo gỡ những bất cập hạn chế trong công tác quy hoạch đô thị tạo động lực phát triển hệ thống đô thị và góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển bền vững chung của Việt Nam”.

6 vấn đề cần nghiên cứu để nâng cao chất lượng quy hoạch và phát triển đô thị

Đồng chủ trì Hội thảo, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển đề nghị các chuyên gia, các nhà khoa học sẽ trao đổi 6 vấn đề quan trọng để nâng cao chất lượng quy hoạch và phát triển đô thị trong thời gian tới.

Vấn đề thứ nhất là nghiên cứu tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình áp dụng các quy định pháp luật về quy hoạch. Vấn đề thứ hai là quy hoạch như thế nào để phù hợp với quy luật phát triển của thị trường và đảm bảo nguyên tắc phát triển bền vững. Vấn đề thứ ba là tính bền vững trong quy hoạch và phát triển đô thị, đặc biệt là phát triển các đô thị đặc thù như đô thị ven biển, đô thị di sản… Vấn đề thứ tư là áp dụng công nghệ số, chuyển đổi số vào công tác quy hoạch. Vấn đề thứ năm là phát triển đô thị phải đáp ứng yêu cầu về kinh tế. Vấn đề thứ sáu là xây dựng chính sách đặc thù cho các đô thị đặc thù…

Quy hoạch và phát triển đô thị phải tôn trọng quy luật thị trường

Tham luận tại Hội thảo, TS. Ngô Trung Hải, Tổng Thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam cho biết: Trong nhiệm vụ 2 của Nghị quyết 06-NQ/TW về đổi mới công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam, đổi mới phương pháp, quy trình và nội dung sản phẩm theo hướng đa ngành, tầm nhìn dài hạn, toàn diện, chiến lược và tôn trọng quy luật thị trường là những yêu cầu rất quan trọng.

Nhưng trong bối cảnh siết chặt quy hoạch đô thị như hiện nay, TS. Ngô Trung Hải đặt ra câu hỏi liệu siết “chặt” quá thì có tôn trọng quy luật thị trường hay không?

Vấn đề nữa là các quy hoạch tỉnh hiện nay gần giống như quy hoạch vùng, vừa có tính chất của quy hoạch chung, vừa có tính chất của quy hoạch phân khu, ví dụ như quy hoạch tỉnh Bắc Giang là quy hoạch tỉnh đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào đầu năm nay.

Tập trung hoàn thiện pháp luật về quy hoạch và phát triển đô thị
TS. Ngô Trung Hải, Tổng Thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam cho rằng việc quy hoạch và phát triển đô thị phải tôn trọng quy luật thị trường.

Theo ý kiến của TS. Ngô Trung Hải, mỗi loại hình quy hoạch sẽ có một phạm vi và mức độ giải quyết nên một quy hoạch không nên “ôm từ đầu tới cuối” của dự án.

Bên cạnh đó, TS. Ngô Trung Hải cũng lưu ý vấn đề cố gắng đổi mới nội dung quy hoạch đô thị trong Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, từ ý tưởng chiến lược chuyển ngay sang các dự án đầu tư, rút ngắn các quy trình không cần thiết, nhưng không nằm ngoài quy hoạch chung.

Học tập kinh nghiệm quy hoạch của quốc tế cần phù hợp với Việt Nam

Chia sẻ vấn đề toàn cầu hóa và tư duy mới về phát triển quy hoạch trên thế giới, GS TS. Nguyễn Tố Lăng, Nguyên Vụ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quy hoạch và Đầu tư xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội cho biết, trên thế giới có rất nhiều phương pháp quy hoạch như phương pháp cấu trúc chiến lược, phương pháp chiến lược, phương pháp hợp nhất đầu tư đa ngành… Nhưng vấn đề là phương pháp nào mới phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam?

Dựa trên kinh nghiệm quốc tế, GS TS. Nguyễn Tố Lăng cho rằng, Việt Nam cần thực hiện 7 nhiệm vụ để nâng cao chất lượng quy hoạch. Thứ nhất là quy hoạch theo hướng đa ngành và hợp nhất, đẩy mạnh tích hợp các quy hoạch. Thứ hai là tăng cường tính thực thi Luật Quy hoạch về nguồn vốn, khả năng áp dụng quy hoạch vào thực tế… Thứ ba là quy hoạch phải tăng cường quản lý các nguồn tài nguyên, đặc biệt là các nguồn tài nguyên có thể tái tạo. Thứ tư là linh hoạt trong việc sử dụng các văn bản quy phạm pháp luật. Thứ năm là xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch đô thị. Thứ sáu là dự báo chính xác về xu hướng phát triển. Thứ bảy là tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong quy hoạch đô thị từ đầu tới cuối.

Tăng cường ứng dụng chuyển đổi số trong quy hoạch, phát triển đô thị

Để nâng cao chất lượng quy hoạch và phát triển đô thị, TS Lưu Đức Minh, Phó Giám đốc Học viện cán bộ quản lý xây dựng và đô thị đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tích hợp dữ liệu trong nền tảng số về quy hoạch và phát triển đô thị, ứng dụng công nghệ hệ thống thông tin địa lý (GIS - Geographic Information System).

Theo đó, hệ thống GIS là một công cụ, một nền tảng quan trọng đã chứng minh được tính hiệu quả trong việc phát triển đô thị khi áp dụng trên toàn thế giới.

Tập trung hoàn thiện pháp luật về quy hoạch và phát triển đô thị
TS Lưu Đức Minh, Phó Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ứng dụng chuyển đổi số trong quy hoạch, phát triển đô thị.

Trong nhiệm vụ 2 của Nghị quyết 06-NQ/TW cũng đã nhấn mạnh việc ứng dụng hệ thống GIS và công nghệ số, nền tảng số trong công tác quy hoạch, phát triển đô thị.

Trong Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững của Việt Nam trong giai đoạn 2018 – 2025 và định hướng đến năm 2030 cũng đề cập việc xây dựng cơ sở dữ liệu cho việc phát triển đô thị thông minh. Gần đây, Bộ Xây dựng đã ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương thiết lập hệ thống GIS. Nhiều quy hoạch ở các tỉnh thành đã có hệ thống thông tin quản lý phát triển đô thị công khai và minh bạch. Nhưng đâu là giải pháp để công tác này có tính bền vững và thông tin quy hoạch luôn luôn được cập nhật?

Hiện nay, ngành Xây dựng vẫn chưa có chuẩn GIS cho công tác quy hoạch, phát triển đô thị và đây sẽ là việc cần phải làm trong thời gian tới. Bên cạnh đó, các Bộ, ngành và địa phương cũng phải quan tâm phát triển cơ sở đào tạo, chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực cán bộ quy hoạch, từ đó nâng cao chất lượng chuyển đổi số của ngành Xây dựng.

Kiểm soát chặt chẽ việc lấy đất nông nghiệp để phát triển đô thị

Đó là ý kiến của GS TS. Đỗ Hậu, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam khi trao đổi về thực trạng và giải pháp để quản lý, phát triển khu vực ngoại vi của các thành phố lớn, đặc biệt là vấn đề lấy đất nông nghiệp trong phát triển đô thị.

Theo ý kiến của GS TS. Đỗ Hậu, đô thị nào cũng phải lấy đất nông nghiệp khi mở rộng nhưng nên lấy đất như thế nào mới là hợp lý? Tại nhiều quốc gia trên thế giới, việc lấy đất nông nghiệp khi phát triển đô thị cần phải được kiểm soát rất nghiêm ngặt vì hậu quả nếu làm sai là rất to lớn, đặc biệt là 2 vấn đề sinh kế của người dân và an toàn lương thực cho đô thị. Hiện nay, nhiều nước đã có quy định rất rõ về tỷ lệ đất nông nghiệp được phép lấy khi phát triển đô thị.

Trong quá trình nghiên cứu vấn đề này tại Thành phố Hà Nội, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhận thấy, hoạt động nông nghiệp đô thị sẽ diễn ra ở cả các quận nội đô, các huyện trên đường trở thành quận và khu vực ngoại ô. Việc lấy đất nông nghiệp ở các khu vực này sẽ khác nhau. Đặc biệt, đối với các huyện sắp trở thành quận, việc quy hoạch tỷ lệ đất nông nghiệp sẽ rất quan trọng nên càng phải kiểm soát chặt chẽ hơn thời gian qua.

Cần thiết có quy định về thời hạn cập nhật các dự án

Trong Nghị quyết 06-NQ/TW đã nhấn mạnh việc quy hoạch phải đảm bảo các yếu tố quan trọng là tính đa ngành, bao trùm, dài hạn, bền vững, toàn diện, chiến lược và đặc biệt là tuân theo quy luật của thị trường. Chính vì thế, PGS.TS. Đỗ Tú Lan, Nguyên Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị Bộ Xây dựng đã nhấn mạnh việc tiêu chuẩn hóa các yếu tố để triển khai đồng bộ từ trên xuống dưới.

Tập trung hoàn thiện pháp luật về quy hoạch và phát triển đô thị
PGS.TS. Đỗ Tú Lan kiến nghị tiêu chuẩn hóa các yếu tố trong quy hoạch và phát triển đô thị để triển khai đồng bộ từ trên xuống dưới.

Hiện nay, các đô thị Việt Nam vẫn phát triển thiếu đồng bộ, chủ yếu phát triển theo chiều rộng mà thiếu chiều sâu, mật độ không hợp lý… Khi làm quy hoạch thì việc cập nhật các dự án là yếu tố bắt buộc, nhưng các dự án được cập nhật thường không đảm bảo tính đa ngành, bao trùm hay tuân theo quy luật thị trường như quy định tại Nghị quyết 06-NQ/TW. Nếu không có sự tiêu chuẩn hóa thì các địa phương sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo quy định của pháp luật khi cập nhật các dự án.

Bên cạnh đó, PGS.TS. Đỗ Tú Lan cũng lưu ý về tính linh hoạt trong đổi mới phương pháp quy hoạch và quá trình kiểm soát lập quy quy hoạch trong bối cảnh thế giới liên tục thay đổi; xây dựng quy định pháp luật cho các quy hoạch có tính đặc thù như quy hoạch đô thị ven biển, đô thị di sản…

Cùng chung quan điểm với PGS.TS. Đỗ Tú Lan, TS Lương Tiến Dũng, giảng viên khoa Quy hoạch trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho biết, trong các quy hoạch phân khu, quy hoạch chung đô thị và quy hoạch chi tiết hiện nay vẫn tồn tại vấn đề về cập nhật các dự án. Thực tế có nhiều dự án được phê duyệt sau 5-10 năm vẫn chưa triển khai thực hiện. Do đó, Chính phủ rất cần xây dựng quy định về thời hạn rà soát, cập nhật của các dự án.

Bên cạnh đó, TS Lương Tiến Dũng cũng chia sẻ vấn đề dự báo nhu cầu sử dụng đất và tỷ lệ tăng dân số quá lớn trong các quy hoạch tỉnh, rất khó đảm bảo thực hiện đúng quy hoạch; kiến nghị Chính phủ có giải pháp rà soát sự phát triển phù hợp với năng lực của từng địa phương…

Hữu Mạnh

Theo