Thái Nguyên Đến năm 2025 hoàn thành xây dựng quy chế quản lý kiến trúc

Xây dựng Nhằm tiếp tục xây dựng phát triển kiến trúc hiện đại bền vững giàu bản sắc đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển văn hóa trở thành nền tảng tinh thần trong công cuộc đổi mới ngày 6 12 tỉnh Thái Ng

Thái Nguyên: Đến năm 2025 hoàn thành xây dựng quy chế quản lý kiến trúc

20:37 | 15/12/2022

(Xây dựng) - Nhằm tiếp tục xây dựng, phát triển kiến trúc hiện đại, bền vững, giàu bản sắc, đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển văn hóa trở thành nền tảng tinh thần trong công cuộc đổi mới; ngày 6/12, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Kế hoạch triển khai định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thái Nguyên: Đến năm 2025 hoàn thành xây dựng quy chế quản lý kiến trúc
Các kiến trúc sư Thái Nguyên thực tế địa hình.

Các mục tiêu cụ thể được tỉnh Thái Nguyên hướng tới là: Đến năm 2025, các đô thị hoàn thành xây dựng Quy chế quản lý kiến trúc; phấn đấu đến năm 2030 cơ bản hoàn thành Quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn; bảo tồn, kế thừa và phát huy các giá trị kiến trúc truyền thống; phấn đấu đến năm 2025, các địa phương hoàn thành việc xây dựng danh mục công trình kiến trúc có giá trị; thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực kiến trúc, đến năm 2030 hoàn thành hệ thống cơ sở dữ liệu kiến trúc tỉnh Thái Nguyên; số hóa các công trình kiến trúc có giá trị; tuyên truyền, truyền thông về kiến trúc nhằm nâng cao nhận thức thẩm mỹ kiến trúc của cộng đồng; đẩy mạnh sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động kiến trúc; chủ động, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kiến trúc.

Theo đó, Thái Nguyên định hướng phát triển kiến trúc từ 3 phương diện, bao gồm: Kiến trúc khu vực đô thị, nông thôn; bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc; tuyên truyền, giáo dục phổ cập về lĩnh vực kiến trúc.

Đối với kiến trúc đô thị, Thái Nguyên xác định phát triển kiến trúc phải đảm bảo giữ được bản sắc, hài hòa với điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, trình độ khoa học, kỹ thuật. Đảm bảo tính thống nhất trong việc quản lý từ không gian tổng thể đến không gian cụ thể của công trình kiến trúc; đảm bảo kết hợp hài hoà giữa quá khứ với hiện tại; có dự báo hợp lý trong tương lai, phòng chống thiên tai, dịch bệnh và biến đổi khí hậu.

Đối với kiến trúc khu vực nông thôn: Đề cao sự tham gia của cộng đồng; chú trọng bảo vệ di sản kiến trúc, thiên nhiên; bổ sung những chức năng còn thiếu, kết hợp hiện đại hóa kết cấu hạ tầng; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán riêng biệt của mỗi địa phương; phù hợp với đặc điểm thiên nhiên, con người, kế thừa kinh nghiệm xây dựng, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Khuyến khích phát triển các công trình kiến trúc có tính kế thừa kiến trúc truyền thống, phù hợp với khung cảnh thiên nhiên và điều kiện khí hậu của từng địa phương.

Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh Thái Nguyên đã đưa ra các giải pháp như: Thực hiện tốt cơ chế chính sách trong đào tạo, lý luận, phê bình, phản biện, giám sát về hoạt động kiến trúc; ưu đãi cho việc bảo tồn, phát huy, bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc và bảo vệ các công trình kiến trúc có giá trị.

Bảo tồn, phát huy và quảng bá các giá trị kiến trúc truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc; xây dựng hệ thống dữ liệu kiến trúc về giá trị lịch sử, văn hóa của các dân tộc Việt Nam trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Ngoài ra, phát triển hệ thống lý luận, phê bình kiến trúc gắn lý thuyết với thực tiễn và giá trị bản sắc dân tộc, tính bản địa trong kiến trúc; đẩy mạnh phản biện xã hội thông qua phê bình kiến trúc.

UBND tỉnh Thái Nguyên cũng giao cho Sở Xây dựng làm cơ quan đầu mối tổng hợp, báo cáo, tham mưu UBND tỉnh về các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện để có các giải pháp kịp thời.

Bên cạnh đó, Sở Xây dựng Thái Nguyên cũng có trách nhiệm hướng dẫn các địa phương tổ chức lập Quy chế quản lý kiến trúc và Danh mục công trình kiến trúc có giá trị; hướng dẫn thực hiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về kiến trúc đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất; đồng thời, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về kiến trúc và quản lý hành nghề kiến trúc, dữ liệu về kiến trúc truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc của các địa phương.

Trong khi đó, Hội Kiến trúc sư tỉnh Thái Nguyên có trách nhiệm phối hợp với Sở Xây dựng và các cơ quan có liên quan triển khai thực hiện Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam tại tỉnh Thái Nguyên theo quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp của định hướng.

Thái Nguyên Nhân

Theo