Thanh Hóa Phê duyệt quy hoạch chung đô thị Phú Quý tại huyện Hoằng Hóa

Xây dựng – UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Quyết định số 1710 QĐ UBND về việc phê duyệt đồ án quy hoạch chung đô thị Phú Quý huyện Hoằng Hóa đến năm 2045

Thanh Hóa: Phê duyệt quy hoạch chung đô thị Phú Quý tại huyện Hoằng Hóa

12:30 | 03/05/2024

(Xây dựng) – UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Quyết định số 1710/QĐ-UBND về việc phê duyệt đồ án quy hoạch chung đô thị Phú Quý, huyện Hoằng Hóa, đến năm 2045.

Thanh Hóa: Phê duyệt quy hoạch chung đô thị Phú Quý tại huyện Hoằng Hóa
Công sở UBND huyện Hoằng Hóa.

Theo đó, ranh giới lập quy hoạch bao gồm toàn bộ địa giới hành chính các xã: Hoằng Trung, Hoằng Kim, Hoằng Phú, Hoằng Quý. Phía Bắc giáp xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc; phía Đông giáp xã: Hoằng Trinh, Hoằng Sơn; phía Nam giáp xã: Hoằng Hợp, Hoằng Quỳ, Hoằng Khê, huyện Hoằng Hóa; phía Tây giáp xã: Hoằng Phượng, Hoằng Xuân, Hoằng Khánh, huyện Hoằng Hóa, với tổng diện tích nghiên cứu lập quy hoạch 1.535,59ha.

Đô thị Phú Quý là đô thị loại V, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của xã Hoằng Trung, Hoằng Kim, Hoằng Phú và Hoằng Quý cũng như của huyện Hoằng Hóa; là đô thị có tính chất chức năng tổng hợp (công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, giáo dục) và là đầu mối giao thông của xã Hoằng Trung, Hoằng Kim, Hoằng Phú, Hoằng Quý và huyện Hoằng Hóa. Quy mô dân số, đất đai đô thị theo các giai đoạn, dân số hiện trạng năm 2020 khoảng 20.789 người đến năm 2030 khoảng 30.000 người đến năm 2045 khoảng 45.000 người, đất xây dựng đô thị 1.199,39ha; đất dân dụng 449,08ha.

Định hướng phát triển về chức năng: Phát triển về thương mại, dịch vụ, phục vụ nhân dân huyện Hoằng Hóa. Phát triển dịch vụ vận tải giao thương vùng, phát huy lợi thế điểm đấu nối giao thông giữa các tuyến đường: Quốc lộ 1A, đường Kim Sơn (đường nối Quốc lộ 45 - Quốc lộ 10) bằng việc xây dựng bến xe vùng, trạm trung chuyển hành khách, hàng hóa nhằm kết nối vùng, kết nối với đô thị trung tâm - thành phố Thanh Hóa. Phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp vừa và nhỏ tại cụm công nghiệp Bắc Hoằng Hóa đã có, khu công nghiêp sẽ là động lực phát triển của đô thị.

Định hướng phát triển về không gian: Hình thành “cấu trúc đô thị mở, linh hoạt” thông qua giải pháp xây dựng mạng lưới đường giao thông phù hợp, kết nối các khu chức năng bên trong của đô thị với các khu vực lân cận. Khai thác các tuyến sông, kênh mương tạo nên trục cảnh quan cho đô thị.

Không gian đô thị được xác lập chủ yếu là thấp tầng, mật độ thấp gắn với không gian cây xanh mặt nước, xây dựng mật độ nén tập trung tại các khu vực trung tâm để tạo điểm nhấn… Các khu vực làng xóm phát triển theo cấu trúc hiện hữu là bám dọc theo các tuyến đường trục chính. Bảo vệ cấu trúc các làng xóm truyền thống để tạo nên hình ảnh đặc trưng. Cải tạo không gian cảnh quan dọc sông Ấu tạo nên hình ảnh công viên sinh thái hai bên sông. Sử dụng tối đa các yếu tố tự nhiên hiện hữu như sông hồ, mặt nước, đồi núi, các mảng xanh nông nghiệp, để tạo nên hình ảnh đặc trưng cho không gian đô thị…

UBND huyện Hoằng Hóa có trách nhiệm hoàn chỉnh hồ sơ được duyệt theo quy định, tổ chức bàn giao hồ sơ, tài liệu quy hoạch chung đô thị Phú Quý, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2045 cho địa phương, làm cơ sở để quản lý và tổ chức thực hiện theo quy hoạch được duyệt.

Phối hợp với Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan tổ chức công bố rộng rãi nội dung quy hoạch chung được duyệt, chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày được phê duyệt theo quy định tại khoản 12 Điều 29 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch năm 2018.

Giao Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa, Viện trưởng Viện Quy hoạch - Kiến trúc Thanh Hóa và Thủ trưởng các ngành, các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành.

Tiến Anh

Theo