Thị trường bất động sản 2023: Nhiều triển vọng phát triển
(Xây dựng) – Bộ Xây dựng đề xuất, kiến nghị một số giải pháp, nhiệm vụ nhằm giải quyết khó khăn, đảm bảo thị trường bất động sản (BĐS) trong năm 2023 tiếp tục phát triển ổn định, an toàn, lành mạnh…
Thị trường BĐS có nhiều triển vọng trong tương lai (Ảnh minh họa: TTXVN). |
Nhiều chính sách tác động tích cực tới thị trường BĐS
Năm 2022 là năm đầy khó khăn thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành BĐS nói riêng. Chính vì vậy, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành tích cực nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, chính sách để đảm bảo tính đồng bộ, liên thông của hệ thống pháp luật liên quan đến đất đai, xây dựng, nhà ở, kinh doanh BĐS..., từ đó tháo gỡ khó khăn đối với lĩnh vực BĐS trong năm 2022, hướng tới sự phát triển trong năm 2023.
Các chính sách mới và có hiệu lực trong năm 2022 gồm 01 nghị quyết của Quốc hội; 07 nghị định của Chính phủ; 01 quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 03 thông tư của Bộ Xây dựng và 01 thông tư của Ngân hàng Nhà nước liên quan đến thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Xây dựng, Luật Phí và lệ phí, Luật Quản lý thuế, Luật Kinh doanh BĐS…
Cùng với đó, hàng loạt các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ ngành nhằm tháo gỡ khó khăn đối với lĩnh vực BĐS, tín dụng, trái phiếu…, đã tạo ra các xung lực mới, có tác động tích cực tới thị trường BĐS.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong quý IV/2022 và cả năm 2022, tình hình BĐS năm 2022 đã có xu hướng phục hồi và phát triển. Tuy nhiên, thị trường BĐS vẫn đang đối diện tình trạng thiếu nguồn cung ở tất cả phân khúc sản phẩm và cơ cấu hàng hóa không phù hợp. Số lượng nhà ở xã hội (NƠXH) và nhà ở thương mại giá rẻ, các căn hộ có giá bình dân số lượng rất ít, chưa đủ đáp ứng nhu cầu của người dân.
Trong phát triển nhà ở thương mại, cả nước có 126 dự án với 55.732 căn hộ được cấp phép; 466 dự án với 228.029 căn hộ đang được triển khai xây dựng; 91 dự án với 18.206 căn hộ đã hoàn thành xây dựng…
Trong phát triển NƠXH, cả nước có 09 dự án được cấp phép mới với quy mô 5.526 căn hộ; có 114 dự án với 6.196 căn hộ đã hoàn thành xây dựng; có 27 dự án với 8.245 căn hộ đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai (theo thông báo của các Sở Xây dựng).
Riêng dự án nhà ở công nhân, trên cả nước có 02 dự án được cấp phép mới với quy mô 1.729 căn hộ; có 01 dự án với 32 căn hộ đã hoàn thành xây dựng; có 04 dự án với 2.328 căn hộ đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai.
Bên cạnh đó, cả nước có 12 dự án du lịch nghỉ dưỡng được cấp phép; 30 dự án đã hoàn thành xây dựng; 785.637 giao dịch thành công liên quan đến căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền…
Về tình hình cấp tín dụng BĐS trong năm 2022, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến 31/12/2022, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh BĐS là khoảng 800.000 tỷ đồng.
Liên quan đến đầu tư FDI vào BĐS, theo số liệu báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), nguồn vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực BĐS đã tăng thêm 1,85 tỷ USD, tăng hơn 70% so với cả năm 2021 và giữ vị trí thứ 2 trong các lĩnh vực thu hút vốn đầu tư FDI năm 2022, với tổng vốn đầu tư hơn 4,45 tỷ USD, chiếm 16,1%, chủ yếu tập trung vào thị trường BĐS công nghiệp và một số dự án BĐS lớn...
Đảm bảo thị trường BĐS 2023 phát triển ổn định, lành mạnh
Để đảm bảo thị trường BĐS trong thời gian tới tiếp tục phát triển ổn định, an toàn, lành mạnh trong năm 2023, Bộ Xây dựng đề xuất, kiến nghị một số giải pháp, nhiệm vụ để giải quyết khó khăn.
Theo đó, Bộ Xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng; Nghiên cứu đề xuất ban hành Nghị định của Chính phủ hướng dẫn về quy trình, trình tự, thủ tục triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị.
Cùng với đó, Bộ Xây dựng phối hợp với các Bộ, ngành chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương doanh nghiệp triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó lập danh mục các dự án, rà soát quỹ đất, hoàn thiện thủ tục pháp lý, lựa chọn chủ đầu tư để thực hiện các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ.
Bộ Xây dựng hướng dẫn các địa phương doanh nghiệp triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”; Nghiên cứu hoàn thiện hồ sơ xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023), thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023), đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật.
Bên cạnh đó, các Bộ, ngành, địa phương theo chức năng nhiệm vụ hướng dẫn, đôn đốc tháo gỡ khó khăn trong triển khai thủ tục pháp lý các dự án BĐS, đẩy mạnh công tác công bố, công khai, minh bạch các thông tin; rà soát lập danh mục các dự án nhà ở, BĐS trên địa bàn để tăng nguồn cung cho thị trường…
Trong năm 2023, với sự vào cuộc quyết liệt của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành, các chuyên gia dự báo kỳ vọng vào một thị trường bất động ổn định, lành mạnh, phát triển vững mạnh.
Nhật Minh
Theo