Thị trường BĐS năm 2023 sẽ ra sao

Xây dựng Nhiều chuyên gia nhận định năm 2023 thị trường BĐS sẽ xuất hiện nhiều điểm sáng nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ cùng dự thảo sửa đổi chính sách tháo gỡ điểm nghẽn về pháp lý dòng vốn cho

Thị trường BĐS năm 2023 sẽ ra sao?

10:31 | 29/12/2022

(Xây dựng) - Nhiều chuyên gia nhận định, năm 2023, thị trường BĐS sẽ xuất hiện nhiều điểm sáng, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, cùng dự thảo sửa đổi chính sách tháo gỡ điểm nghẽn về pháp lý, dòng vốn cho DN.

Thị trường BĐS năm 2023 sẽ ra sao?

Nhằm lành mạnh hóa thị trường BĐS, Đảng, Nhà nước, Chính phủ thực hiện nhiều giải pháp ngắn, trung và dài hạn. Những giải pháp này không chỉ góp phần giúp BĐS thanh khoản trở lại, gỡ khó cho DN kinh doanh BĐS, mà còn hạn chế rủi ro cho nền kinh tế, giúp người lao động tiếp cận nhà ở dễ dàng hơn.

Cụ thể, trong 2 tháng cuối năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quan trọng. Sau Quyết định số 1435/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã ký Công điện 1164/CĐ-TTg về tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS và phát triển nhà ở.

Trong công điện, Thủ tướng yêu cầu rà soát, đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật theo thẩm quyền còn chồng chéo, bất cập, gây cản trở trong triển khai, thực hiện dự án BĐS. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo, phối hợp, hướng dẫn các địa phương, ngân hàng thương mại cho vay, giải ngân nhanh chóng, đúng trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng đối với các DN, dự án BĐS đủ điều kiện theo đúng quy định của pháp luật; ưu tiên cho vay các dự án NƠXH.

Các Bộ, ngành đã có giải pháp cụ thể. Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 65/2022/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu DN.

Trong đó, đề xuất giãn thời gian thực hiện trong vòng 1 năm đối với quy định yêu cầu xếp hạng tín nhiệm bắt buộc, cho phép các trái phiếu phát hành được gia hạn 2 năm, hay cho phép hai bên thỏa thuận để chuyển đổi khoản thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn thành khoản vay hoặc tài sản khác. Nếu đề xuất này được thông qua, sẽ tháo gỡ khó khăn trong việc gọi vốn.

Bộ Xây dựng đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức “Hội nghị phát triển thị trường BĐS an toàn, lành mạnh và bền vững” do Thủ tướng Chính phủ chủ trì; triển khai Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ theo Quyết định số 1435/QĐ-TTg; thường xuyên theo sát diễn biến tình hình thị trường BĐS, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để đánh giá cụ thể tình hình, diễn biến dòng vốn vào thị trường BĐS, đề xuất giải pháp xử lý phù hợp…

Về tiến độ xây dựng dự thảo các luật liên quan trực tiếp đến thị trường BĐS như Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), đại diện Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho biết, Bộ Xây dựng sẽ chuyển hai dự thảo luật trên sang Bộ Tư pháp để thẩm định cơ sở, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ năm (năm 2023).

Hiện Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS đang biên soạn Nghị định về trình tự, thủ tục đầu tư dự án nhà ở, quy định chi tiết, giúp nhà đầu tư nắm rõ cách làm, cơ quan Nhà nước dễ kiểm tra, giám sát.

Các chuyên gia dự báo, thị trường BĐS sẽ có nhiều tín hiệu tích cực dựa trên những triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2023. Điều tiên quyết là sớm tháo gỡ nút thắt về pháp lý, vốn, trong đó có trái phiếu DN BĐS, thậm chí phải có giải pháp mạnh để kích cầu.

PGS.TS Trần Kim Chung - nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến BĐS; nghiên cứu, xây dựng, công bố chính thức các chỉ số liên quan đến thị trường BĐS; Các DN BĐS cần hướng đến tính chuyên nghiệp; các nhà đầu tư thứ cấp, tổ chức tài chính cần hướng tới đa dạng, đầy đủ các nguồn tài chính cho thị trường BĐS…

Linh Đan

Theo