Thúc đẩy thị trường bất động sản Cần gỡ vướng về pháp lý giúp doanh nghiệp tiếp cận khoản vay mới

Ngày mai 17 2 Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc thúc đẩy thị trường bất động sản Trước thềm hội nghị Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM HOREA Lê Hoàng Châu đã có cuộc t

Thúc đẩy thị trường bất động sản: Cần gỡ vướng về pháp lý, giúp doanh nghiệp tiếp cận khoản vay mới

19:05 | 16/02/2023

Ngày mai (17/2), Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc thúc đẩy thị trường bất động sản. Trước thềm hội nghị, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HOREA) Lê Hoàng Châu đã có cuộc trao đổi nhanh với Báo Điện tử Chính phủ về những ý kiến, đề xuất nhằm giải quyết các vướng mắc hiện tại của thị trường bất động sản, thúc đẩy thị trường phát triển ổn định, lành mạnh và bền vững.

Thúc đẩy thị trường bất động sản: Cần gỡ vướng về pháp lý, giúp doanh nghiệp tiếp cận khoản vay mới
Chủ tịch HOREA Lê Hoàng Châu cho rằng, vướng mắc lớn nhất của thị trường BĐS hiện tại là vấn đề pháp lý

Theo ông Lê Hoàng Châu, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương đã có rất nhiều nỗ lực để thúc đẩy thị trường bất động sản (BĐS). Nỗ lực của Chính phủ thể hiện trong Nghị quyết 01 ngày 6/1/2023 về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và Chỉ thị 03 ngày 27/1/2023 về đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau Tết Nguyên đán.

Năm 2022, Thủ tướng cũng đã có 4 công điện trong 4 ngày liên tiếp (13, 14, 15 và 16/12) để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, thị trường trái phiếu doanh nghiệp... bên cạnh đó là chỉ đạo về phát triển 1 triệu nhà ở xã hội… Những nỗ lực đó cực kỳ quan trọng, huy động các lực lượng vào cuộc để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS.

Gỡ vướng về mặt pháp lý

Đối với vấn đề của thị trường BĐS hiện tại, Chủ tịch HOREA thống nhất nhận định, khó khăn lớn nhất là vướng mắc về mặt pháp lý, chiếm tới 70% các khó khăn. Vì vậy, tháo gỡ về mặt pháp lý là vấn đề đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhận ra và từ đó ban hành Nghị quyết 18 ngày 16/6/2022 về sửa đổi Luật Đất đai và các luật liên quan như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS.

Theo ông Lê Hoàng Châu, muốn tháo gỡ vướng mắc về mặt pháp lý, thì ngay từ bây giờ, phải kiểm soát và đảm bảo chất lượng của dự thảo các văn bản luật sửa đổi.

"Các dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) hiện nay còn bề bồn, nhiều vấn đề cần được tiếp tục góp ý. Ngoài ra, cần sửa đổi một số điều của các luật có liên quan khác, bởi vì trong khi một số luật chưa được sửa đổi thì việc kết hợp sửa một số điều của các luật này sẽ đảm bảo pháp luật được đồng bộ, thống nhất", ông Lê Hoàng Châu đề xuất.

Ngoài ra, Chủ tịch HOREA cho rằng, trong thời gian chờ đợi các luật trên có hiệu lực (ngày 1/7/2024) thì Chính phủ cần ban hành các nghị định cực kỳ quan trọng để tháo gỡ ngay những vướng mắc của thị trường BĐS, đó là: Nghị định sửa đổi các nghị định về đất đai, Nghị định sửa đổi các nghị định liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng, Nghị định quy định về quy trình, thủ tục hành chính đầu tư xây dựng các dự án BĐS, nhà ở, đô thị để thống nhất về thủ tục hành chính ở trong toàn quốc.

Đối với Nghị định 65 về phát hành trái phiếu, ông Lê Hoàng Châu bày tỏ hoan nghênh Bộ Tài chính đã nỗ lực để lùi thời điểm áp dụng sang 1/1/2024. Tuy nhiên, ông Châu đề xuất lùi thêm đến 1/1/2025 để giúp thị trường giảm bớt khó khăn về thanh khoản.

"Bốn nghị định trên sẽ giúp giải quyết ngay những vấn đề trước mắt của thị trường BĐS. Chính phủ cần xem xét ban hành trong tháng 2/2023, chậm nhất là đầu tháng 3, vì tất cả các dự thảo nghị định này đã được chuẩn bị xong".

Ngoài ra, Chủ tịch HOREA cho rằng, việc giải quyết về mặt pháp lý có một phần trách nhiệm của địa phương. Lấy ví dụ, Nghị định 148 của Chính phủ về xử lý đất xen kẽ đã ban hành năm 2020, nhưng cho đến nay, nhiều địa phương vẫn chưa ban hành quy định về tách diện tích đất Nhà nước xen kẽ nằm trong dự án nhà ở thương mại để xử lý. Cùng với trách nhiệm của địa phương là trách nhiệm trong thi hành công cụ của cán bộ, công chức.

"Ngày hôm qua, UBND TPHCM trong buổi họp với HOREA đã xác định trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị trong giải quyết các hồ sơ vướng mắc của doanh nghiệp. Việc xác định đó rất quan trọng, bởi hiện nay, có hiện tượng sau khi nhận hồ sơ thì cán bộ, công chức, trước hết là tìm cớ để trả hồ sơ, nếu trả lại không được thì lại tìm cớ để trả hồ sơ qua cơ quan khác, khiến cho hồ sợ chạy lòng vòng, chậm được giải quyết. Vì vậy, vấn đề trách nhiệm thi hành công vụ phải được nâng cao", ông Lê Hoàng Châu cho hay.

Giúp doanh nghiệp tiếp cận khoản vay mới, tạo niềm tin cho thị trường

Cũng theo người đứng đầu Hiệp hội BĐS TPHCM, vướng mắc thứ hai là vấn đề tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp BĐS. Về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu đề xuất gia hạn trong phạm vi từ 12-24 tháng đối với các khoản vay tín dụng sắp đáo hạn để không bị chuyển qua nhóm nợ xấu nhóm 4 - nợ xấu không thu hồi được.

Cụ thể, Hiệp hội không đề nghị hỗ trợ cho những trường hợp doanh nghiệp có nợ xấu nhóm 4. Còn đối với nhóm nợ xấu nhóm 2 và nhóm 3 thì nên tạo cơ hội cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển trở lại bằng cách tiếp cận được với khoản vay mới. Mà muốn doanh nghiệp tiếp cận được khoản vay mới thì phải cơ cấu lại thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ hiện tại, không chuyển thành nhóm nợ xấu hơn.

Doanh nghiệp đang ở khoản nợ xấu nhóm 2, hoặc nhóm 3 muốn có khoản vay mới thì phải đảm bảo đầy đủ thủ tục pháp lý; có tài sản bảo đảm; dự án có tính khả thi và doanh nghiệp có khả năng thanh toán tiền lãi lẫn hoàn trả nợ gốc. Ngoài ra, người mua nhà cũng cần được vay tiền để giải quyết bài toán thanh khoản cho thị trường.

Trong quan điểm của mình, ông Lê Hoàng Châu cho rằng, ngoài 2 vướng mắc lớn trên, cần giải quyết vấn đề trái phiếu doanh nghiệp; ổn định tâm lý thị trường; xử lý các dự án đang bị vướng mắc…

Cuối cùng, quan trọng không kém, theo Chủ tịch HOREA, chính là trách nhiệm của các doanh nghiệp BĐS. Các doanh nghiệp cần phải đồng hành, hợp tác với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong giải quyết các vướng mắc. Ngoài ra, phải có trách nhiệm tái cấu trúc lại chính doanh nghiệp, tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu sản phẩm để chuyển hướng sang sản phẩm nhà ở hợp túi tiền; hưởng ứng chương trình 1 triệu căn nhà ở xã hội do Thủ tướng Chính phủ phát động; giảm giá nhà về thực chất, tạo điều kiện cho người mua nhà tiếp cận tín dụng.

Theo Vũ Phong/BaoChinhphu