Tiếp tục nghiên cứu, bổ sung chính sách nhà ở cho người thu nhập thấp
(Xây dựng) - Cử tri Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị cần quan tâm đến chính sách nhà ở cho người lao động có thu nhập thấp, đặc biệt là giáo viên.
Ảnh minh họa (nguồn: Internet). |
Về vấn đề này, Bộ Xây dựng trả lời cử tri Thành phố Hồ Chí Minh như sau:
Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách thể hiện sự nỗ lực trong việc tạo dựng nhà ở xã hội cho các đối tượng có thu nhập thấp (trong đó có giáo viên), gặp khó khăn về chỗ ở. Cụ thể: Luật Nhà ở năm 2014; Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về quản lý và phát triển nhà ở xã hội; Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 1/4/2021 về quản lý và phát triển nhà ở xã hội (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP); Thông tư số 09/2021/TT-BXD ngày 16/8/2021 về hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP và Nghị định số 49/2021/NĐ-CP.
Theo đó, tại Điều 49 Luật Nhà ở năm 2014 đã quy định 10 nhóm đối tượng được hưởng chính sách về nhà ở xã hội, trong đó có người thu nhập thấp và cán bộ, công chức, viên chức (bao gồm giáo viên).
Người thu nhập thấp (trong đó có giáo viên) được mua, thuê mua nhà ở xã hội nếu đáp ứng các điều kiện về nhà ở, cư trú, thu nhập (Khoản 1, Điều 51 Luật Nhà ở năm 2014).
Ngoài ra, người thu nhập thấp (trong đó có giáo viên) được hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi của Nhà nước thông qua Ngân hàng chính sách xã hội, tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở (Khoản 1 và 4, Điều 50 Luật Nhà ở năm 2014).
Hiện nay, Bộ Xây dựng được Chính phủ giao chủ trì, nghiên cứu sửa đổi Luật Nhà ở, theo đó, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung chính sách cho đối tượng người thu nhập thấp (trong đó có giáo viên) để góp phần thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, tạo điều kiện cho các đối tượng là người thu nhập thấp ở khu vực đô thị (trong đó có giáo viên) có nhiều cơ hội tiếp cận và mua, thuê, thuê mua nhà ở, ổn định cuộc sống, yên tâm "an cư lạc nghiệp".
Huyền Trang
Theo