Tiếp vụ “lòi chiêu” hiến đất làm đường để phân lô, bán nền: Chính quyền tỉnh Bình Phước chậm cung cấp thông tin báo chí?
Dùng chiêu hiến đất làm đường để phân lô, bán nền tại dự án "ma" Vera City, ông T.V. Hiệu đẩy hàng trăm nhà đầu tư đến nguy cơ thất thoát tài sản. Để làm rõ vụ việc này, PV Báo Kinh tế & Đô thị đã nhiều lần liên hệ chính quyền tỉnh Bình Phước, song đến nay chúng tôi chưa nhận được bất cứ thông tin phản hồi nào.
Tiếp vụ “Lòi chiêu” hiến đất làm đường để phân lô, bán nền: Trách nhiệm chính quyền tỉnh Bình Phước?
Bình Phước: Lòi chiêu hiến đất làm đường…để phân lô bán nền!
Lâm Đồng: "Dẹp loạn" dự án nghỉ dưỡng, phân lô bán nền không đúng quy định
Từ chối phản hồi vì bận đi học chính trị
Như Tieudung.kinhtedothi.vn đã thông tin trước đó, ông T.V. Hiệu - chủ sở hữu khu đất 50.000m2 tại Khu Phố 2 (phường Tiến Thành, TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước) đã hiến đất làm đường "thiếu trong sáng", nhằm đủ điều kiện phân lô, tách nhỏ thửa đất, nâng giá trị bất động sản, để trục lợi.
Theo ghi nhận, hiện trạng ban đầu khu đất 50.000m2 của ông Hiệu vốn không hề có đường giao thông. Tuy nhiên, đến đầu năm 2021, bằng phương thức “hiến đất làm đường”, ông Hiệu đã xây dựng hàng km đường giao thông, dải nhựa trái phép trên những phần đất hiến. Sau đó, tiếp tục xin tách thửa 50.000m2 thành 400 lô đất nhỏ, lẻ và bán hết cho người mua dưới “vỏ bọc” dự án Vera City.
Hàng trăm sổ đỏ được tách ra từ việc “núp bóng” hiến đất làm đường, xây dựng đường giao thông trái phép
Đáng chú ý, dù chủ đất xây dựng đường nhựa trái phép, song không hiểu vì sao các cơ quan chức năng tỉnh Bình Phước vẫn “gật đầu” cho tách thửa, cấp hàng trăm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ – sổ đỏ), với thông tin trên GCNQSDĐ các thửa đất được tách còn thể hiện rõ là đất mặt tiền “đường nhựa”.
Để rồi sau khi ông Hiệu hoàn thành việc phân lô, bán hàng trăm nền đất nói trên và “ôm lợi” rút đi, cũng là lúc những tuyến đường nhựa xây dựng trái phép tại dự án "ma" Vera City bị chính UBND TP Đồng Xoài buộc cào lên, trả lại hiện trạng là đất như ban đầu. Điều này, vô hình chung đã đẩy hàng trăm khách hàng mua đất vào “bẫy liệt vị”, từ mua đất mặt tiền đường nhựa nay nguy cơ thành đất không có đường vào.
Liên quan đến vụ việc nói trên, phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị đã nhiều lần cố gắng liên lạc qua điện thoại với UBND phường Tiến Thành và UBND TP Đồng Xoài để tìm hiều thông tin vụ việc, nhưng đều bị từ chối với những lý do: bận đi học chính trị, điện thoại không nghe máy, nhắn tin không trả lời.
Đến ngày 8/12/2022, phóng viên trực tiếp đến UBND TP Đồng Xoài và gửi tới lãnh đạo TP này một số nội dung mà Báo Kinh tế & Đô thị quan tâm, tìm hiểu qua Phòng Văn thư.
Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, đã hơn 2 tháng trôi qua, UBND TP Đồng Xoài vẫn “bặt vô âm tín”, không có bất cứ thông tin phản hồi nào đến chúng tôi.
Tiếp tục, mới đây, ngày 10/2, khi phóng viên liên hệ thắc mắc vì sao chưa thấy thông tin phản hồi, thì bà Chánh Văn phòng UBND TP Đồng Xoài cho biết, ủy ban đang hoàn thành văn bản trả lời.
Công trình phân lô bán nền trái phép “núp bóng” hiến đất làm đường đi, xây đựng đường trái phép. Ảnh: UBND TP Đồng Xoài
Chính quyền địa phương buông lỏng quản lý?
Trong vụ việc này, ngoài chậm cung cấp thông tin báo chí, câu chuyện về trách nhiệm trong quản lý của chính quyền tỉnh Bình Phước cũng là điều cần phải xem xét thấu đáo.
Thứ nhất, khi ký cấp 400 sổ đỏ, Văn phòng đăng ký Đất đai (VPĐKĐĐ) tỉnh Bình Phước, cùng các cơ quan liên quan trong tỉnh đã nắm rõ động cơ, mục đích của việc hiến đất làm đường của ông T.V. Hiệu hay chưa?
Thứ hai, quá trình thi công xây dựng hàng km đường giao thông nhựa trái phép tại khu đất của ông T.V. Hiệu diễn ra rầm rộ, kéo dài nhiều tháng trời, nhưng vì sao chính quyền địa phương không kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý buộc tháo dỡ, khắc phục hậu quả ngay từ đầu?
Thứ ba, đã là công trình xây dựng trái phép vì sao trên sổ đỏ các thửa đất được tách vẫn thể hiện là đất mặt tiền “đường nhựa”?
Đoạn đường chừng 30 mét chủ đầu tư đã tháo dỡ, số còn lại hiện chưa thấy chủ đầu tiếp tục chấp hành tháo dỡ, hoặc UBND TP Đồng Xoài cưỡng chế tháo dỡ. Ảnh: Lâm Thiện
Thứ tư, vì sao khi mọi thứ đã “an bài”, công trình “vô pháp, vô thiên” hoàn thành, và khoảng 400 trăm nền đất được bán hết cho dân, chủ đầu tư nhận tiền, “ôm lợi” rút đi, thì UBND TP Đồng Xoài mới “sốt sắng” yêu cầu chủ đầu tư tiến hành tháo dỡ công trình xây dựng không phép này. Tuy nhiên, thật khó hiểu khi đến này công trình sai phạm này chỉ mới tháo dỡ được năm ba chục mét, mặc dù việc tiến hành tháo dỡ có sự chứng kiến của đại diện UBND phường Tiến Thành, UBND TP Đồng Xoài?
Và quan trọng nhất là, mặc dù tách ra hàng trăm thửa đất, thế nhưng chủ khu đất là ông T.V. Hiệu không tiến hành lập dự án: xin chủ trương chấp thuận đầu tư, lập quy hoạch hoạch chi tiết 1/500...để làm khu dân cư đất nền, hay khu dân cư nhà ở theo quy định của pháp luật.
Tất cả những thủ tực pháp lý cần thiết để tiến hành thực hiện một dự án bất động được chủ đầu tư bỏ qua, nhưng bằng cách nào vị này dễ dàng “qua mặt” tất cả các cơ quan chức năng liên quan trong tỉnh Bình Phước để thực hiện “trót lọt” mục đích là phân lô bán nền trái pháp luật?
Những câu hỏi này, một lần nữa Báo Kinh tế & Đô thị xin gửi đến UBND TP Đồng Xoài cũng như UBND tỉnh Bình Phước và mong sớm nhận được phản hồi, để chúng tôi có cơ sở thông tin trước công luận.
Tieudung.kinhtedothi.vn sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc