Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ quản đầu tư nhà ở xã hội cho thuê: Vẫn còn những ý kiến khác nhau
(Xây dựng) - Một trong những vấn đề được các đại biểu quốc hội (ĐBQH) đóng góp ý kiến nhiếu nhất và tranh biện nhiều nhất trong phiên Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), chiều 26/10 là nội dung Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư dự án nhà ở xã hội (NƠXH), nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp. Đến nay, liên quan đến vấn đề này, vẫn có những ý kiến khác nhau.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo 2 phương án
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết: Quy định Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án NƠXH, nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp (khoản 4 Điều 80) còn ý kiến khác nhau.
Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo 02 phương án. Phương án 1, tiếp thu ý kiến của Chính phủ và Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam theo hướng quy định Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư dự án NƠXH để cho thuê, để vừa bổ sung nguồn lực đầu tư dự án NƠXH, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp, thu hút người lao động tham gia tổ chức Công đoàn, vừa giới hạn phạm vi thực hiện (không bao gồm nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp) để nâng cao tính khả thi.
Phương án 2, chưa quy định Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án NƠXH trong Luật Nhà ở (sửa đổi) vì đây là vấn đề mới, quá trình thí điểm thời gian qua còn nhiều vướng mắc, chưa đủ độ “chín” để quy định trong Luật; Đề nghị Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng Đề án báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định cho thực hiện thí điểm chính sách Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án NƠXH trong một thời hạn nhất định, nếu phát huy hiệu quả mới quy định trong Luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết: Đa số ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành phương án 1.
Nhiều ý kiến đồng tình
Phát biểu thảo luận, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn làm rõ về sự cần thiết khi quy định giao cho tổ chức công đoàn là chủ đầu tư dự án NƠXH, nhà lưu trú công nhân.
Theo đại biểu, quy định này đáp ứng cả căn cứ cả về chính trị, pháp lý và thực tiễn. Về mặt chính trị thì Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của công đoàn Việt Nam có yêu cầu Nhà nước, chính quyền các cấp có cơ chế huy động, bố trí nguồn lực tài chính thỏa đáng để nâng cao phúc lợi xã hội, chăm lo giải quyết những vấn đề khó khăn, bức xúc của người lao động.
Về căn cứ thực tiễn, tổ chức Công đoàn cũng đã thực hiện, là chủ đầu tư thiết chế công đoàn tại tỉnh Hà Nam…
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa nhận định: Công đoàn là tổ chức chính trị xã hội, có vị trí, vai trò đặc biệt trong hệ thống chính trị. Công đoàn thì đang đứng trước sức ép rất lớn khi tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có yêu cầu khắt khe về lao động và tạo sức ép lớn cho tổ chức công đoàn. Do đó, đại biểu cho rằng cần thiết để cho tổ chức công đoàn có điều kiện, có cơ sở pháp lý để chăm lo cho các thành viên của mình.
Có chung nhận định, Đại biểu Hà Ánh Phượng - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ cũng cho rằng: Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã có kinh nghiệm và đạt được những kết quả cụ thể trong việc triển khai việc đầu tư thiết chế công đoàn, được công nhân và người lao động đón nhận. Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam có đủ tư cách pháp nhân, có đủ các phòng chuyên môn để thực hiện đầu tư, tổ chức triển khai các dự án theo quy định của pháp luật.
Nhiều đại biểu khác cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với việc Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án NƠXH, nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp. Đơn cử, đại biểu Vũ Huy Khánh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho rằng quy định này là cấp thiết và càng ý nghĩa hơn đối với những địa phương như Bình Dương, nơi có rất nhiều công nhân là người lao động ngoại tỉnh đến làm việc.
Cũng đồng tình với nội dung nói trên, song Đại biểu Nguyễn Quốc Luận - Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái nhất mạnh: Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng NƠXH chỉ bằng nguồn tài chính công đoàn cho công nhân, người lao động thuộc đối tượng được hưởng chính sách NƠXH.
Đại biểu Nguyễn Hữu Chính - Đoàn ĐBQH Thành phố Hà Nội bày tỏ nhất trí với phương án trên nhưng cho rằng cần có quy định cụ thể và lộ trình cụ thể. Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương thì đề nghị nên mở rộng đối tượng được phép thuê NƠXH do Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam chủ quản đầu tư, bởi vì khi dự án đã hoàn thành đầu tư xây dựng, bước vào giai đoạn vận hành cho thuê mà chỉ cho phép công nhân, người lao động thuê sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng công nhân, người lao động chưa có nhu cầu thuê hết, nhà cho thuê vẫn thừa. Trong khi đó, nhiều đối tượng khác thuộc điều 76 có nhu cầu nhưng không thể thuê do không thuộc đối tượng “công nhân, người lao động”.
Vì vậy, đại biểu cho rằng, chỉ nên quy định “các dự án NƠXH do Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đầu tư thì ưu tiên cho đối tượng là công nhân, người lao động thuê”. Và dự thảo luật cần quy định điều kiện các dự án NƠXH do Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đầu tư phải xuất phát từ nhu cầu thực tế và dự báo nhu cầu thực tế của công nhân, người lao động tại địa bàn đầu tư dự án.
Cần đánh giá thận trọng, kỹ lượng trước khi quy định trong Luật
Bên cạnh những ý kiến thông nhất nói trên thì vẫn còn những ý kiến bày tỏ băn khoăn. Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH Thành phố Hà Nội tranh luận với những ý kiến các đại biểu đồng tình chọn phương án 1, Tổ chức Công đoàn là chủ quản đầu tư NƠXH, nhà lưu trú công nhân …
Đại biểu cho rằng, lý giải này là chưa thỏa đáng vì Công đoàn là đại diện tiếng nói cho người lao động. Bây giờ, tổ chức công đoàn lại là chủ đầu tư. Vậy nếu khi nhà ở có vấn đề thì ai là người đại diện cho người lao động nói lên tiếng nói đó? Khi thiếu nhà ở thì công đoàn cũng phải chịu trách nhiệm.
Đại biểu Hoàng Văn Cường bày tỏ: Đồng ý là tổ chức công đoàn là có thể được là đơn vị đầu tư nhà ở cho người lao động chỉ là những dự án mẫu để làm điển hình và để công đoàn làm cơ sở có tiếng nói với các lực lượng khác…
Trích dẫn Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mục đích giao cho Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản đầu tư NƠXH, nhà lưu trú công nhân là nhằm thu hút người lao động tham gia tổ chức công đoàn, đại biểu Nguyễn Hải Dũng - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định cho rằng: Đây là vấn đề cần hết sức quan tâm. Bởi khi có các tổ chức đại diện cho người lao động hình thành, họ cũng có thể sử dụng rất nhiều công cụ vật chất hấp dẫn hơn để thu hút đoàn viên tham gia vào tổ chức của mình. Như vậy, khi xảy ra tình trạng này, công cụ, biện pháp đưa ra trong dự thảo Luật sẽ không phát huy được tác dụng. Do đó, đại biểu đề nghị chưa quy định giao Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản đầu tư xây dựng NƠXH, nhà lưu trú công nhân.
Đại biểu Tô Văn Tám - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum thì cho rằng: Việc giao cơ quan nhà nước, hay một tổ chức chính trị, xã hội làm chủ đầu tư dự án NƠXH để bán, cho thuê mua chưa phù hợp với yêu cầu tách biệt giữa chức năng của cơ quan nhà nước, chức năng của tổ chức chính trị xã hội và chức năng sản xuất, kinh doanh.
Đại biểu đề nghị cần cân nhắc kỹ, chưa đưa nội dung này vào trong luật, mà cần thực hiện theo các quyết định hiện hành, tổng hợp thực tiễn để luật hóa những nội dung đã chín, đã rõ.
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm – Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang cũng cho rằng đây quy định mới, do đó đề nghị cần đánh giá thận trọng, kỹ lượng, trên cơ sở yêu cầu về thực tiễn, điều kiện về nguồn lực, năng lực thực hiện, quy định chặt chẽ, đảm bảo tính khả thi, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm đồng thơi đề nghị: Đối với các dự án NƠXH, nhà ở công nhân do Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư thì sẽ ưu tiên bố trí cho công nhân lao động nhưng cũng cần tạo điều kiện cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về NƠXH được sử dụng, khi quỹ nhà vẫn còn và các đối tượng này có nhu cầu để đảm bảo hài hòa, hiệu quả, chống lãng phí. Tuy nhiên “cần thông qua một cơ chế phù hợp nào đó”? – Đại biểu Cầm đặt vấn đề.
Tiếp tục cân nhắc
Trước những luồng ý kiến nói trên, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng: 2 phương án Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra, phương án nào cũng có ưu, nhược điểm. Do đó, đề nghị lấy phiếu xin ý kiến của các đại biểu Quốc hội về 2 phương án này.
Trực tiếp giải trình các ý kiến của các ĐBQH, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nhận định: Cơ bản các ý kiến thảo luận đồng tình thống nhất với đề xuất Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư dự án NƠXH, nhà ở công nhân… nhưng về phương thức thực hiện còn có các ý kiến khác nhau. Một vài ý kiến cho rằng có quy định cụ thể ngay trong luật Nhà ở. Cũng có ý kiến khác cho rằng chưa nên quy định mà triển khai thí điểm trước; đề nghị Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam trình phương án để Quốc hội xem xét, cho triển khai thí điểm...
Ông Hoàng Thành Tùng cho biết: Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp thu các ý kiến và tổng hợp báo cáo lại các đại biểu. Trong trường hợp có quy định nội dung này trong Luật Nhà ở thì phải sửa đổi đồng bộ trong Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản để có những quy định chặt chẽ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Quý Anh
Theo