Vì sao thị trường bất động sản Kon Tum đóng băng dịp cuối năm

Xã Đăk Rơ Wa thành phố Kon Tum là một trong những địa phương sốt đất hồi đầu năm do các dự án du lịch cộng đồng song đến nay không còn nhiều nhà đầu tư quan tâm đến bất động sản tại đây

Vì sao thị trường bất động sản Kon Tum 'đóng băng' dịp cuối năm?

10:48 | 14/12/2022

Xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum, là một trong những địa phương "sốt đất" hồi đầu năm do các dự án du lịch cộng đồng, song đến nay, không còn nhiều nhà đầu tư quan tâm đến bất động sản tại đây.

Vì sao thị trường bất động sản Kon Tum 'đóng băng' dịp cuối năm?
Nhiều lô đất tại thành phố Kon Tum treo biển bán đã lâu nhưng không có người hỏi mua. (Ảnh: Dư Toán/TTXVN)

Từng là một trong những thị trường bất động sản sôi động bậc nhất ở khu vực Tây Nguyên trong những tháng đầu năm 2022, với khối lượng giao dịch lên đến gần 24.000 hồ sơ đăng ký biến động đất đai trong quý 1, song đến cuối năm, thị trường bất động sản tại tỉnh Kon Tum đã và đang rơi vào tình trạng "đóng băng."

Số lượng giao dịch trên thị trường giảm sút là thực trạng đang diễn ra tại thị trường này, dù mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã thông báo sẽ nới room tín dụng từ 1,5-2% vào cuối năm.

Giao dịch giảm sâu

Theo số liệu thống kê của Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Kon Tum, số lượng hồ sơ đăng ký biến động đất đai tại tỉnh liên tục giảm trong những tháng cuối năm. Con số gần 24.000 hồ sơ đăng ký vào quý 1 giảm xuống gần 22.000 hồ sơ vào quý 2, giảm sâu xuống còn trên 15.700 hồ sơ vào quý 3 và tiếp tục có chiều hướng giảm mạnh vào những tháng cuối năm.

Xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum là một trong những địa phương xuất hiện tình trạng “sốt đất” hồi đầu năm do các dự án du lịch cộng đồng, song đến nay, không còn nhiều nhà đầu tư quan tâm đến bất động sản tại đây. Khảo sát thực tế cho thấy dù có rất nhiều lô đất treo biển bán, song theo những người dân địa phương, đã nhiều tháng nay không có người tìm đến hỏi mua.

Ông Đào Văn Hậu, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum xác nhận hiện nay thị trường bất động sản trên địa bàn xã đã chững lại, không còn rầm rộ như những tháng đầu năm.

Vì sao thị trường bất động sản Kon Tum 'đóng băng' dịp cuối năm?
Biển rao bán đất tại thành phố Kon Tum. (Ảnh: Dư Toán/TTXVN)

Thông qua bộ phận một cửa, số lượng hồ sơ đăng ký biến động đất đai đã giảm đi nhiều, số lượng người kinh doanh, mua bán bất động sản vào địa bàn xã cũng không còn nhiều như trước; các trang mua bán đất trên mạng xã hội cũng ít đăng bài mua, bán đất hơn.

Tương tự, tại huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum, không khí ảm đạm trên thị trường bất động sản cũng xuất hiện. Những tháng đầu năm, khi cơn sốt đất xảy ra, một số người môi giới bất động sản đã mua đất bên lòng hồ Plei Krông, rồi “vẽ” ra dự án sinh thái, phân lô, bán với giá cao. Tuy nhiên, đến nay, những người mua lại đất của các đối tượng “cò đất” đã không thể giao dịch được lô đất đã mua.

Ông Đặng Ngọc Tiến, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum cho biết, với những nhà đầu tư đã mua đất ở khu vực ven lòng hồ Plei Krông, thì hiện nay đang rao bán với giá chỉ bằng 1/3 giá mua cũng không có người quan tâm. Đây cũng là thực trạng chung của thị trường bất động sản tại Đăk Hà, khi rơi vào tình cảnh đóng băng.

Ông D, một người kinh doanh bất động sản nhiều năm tại thành phố Kon Tum cho biết hiện nay, gần như không còn giao dịch bất động sản tại Kon Tum. Phân khúc sôi động nhất của thị trường bất động sản tại tỉnh trước đây là đất phân lô vùng ven, thì nay đã không còn giao dịch.

Số ít biến động đất đai theo hình thức chuyển nhượng đến từ đất trong khu dân cư, khu đô thị thuộc phân khúc đất nhà ở, có thể tạo ra dòng tiền bằng kinh doanh, buôn bán.

Chờ tín hiệu tích cực

Ông Dương Ngọc Vương, Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản tỉnh Kon Tum, cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng "đóng băng" của thị trường bất động sản tại Kon Tum là do đợt "sốt đất" hồi đầu năm 2022. Sau đó, Chính phủ đã có những động thái can thiệp như siết thuế theo giá giao dịch thị trường; các ngân hàng cũng đóng room tín dụng, nâng lãi suất cho vay quá cao và quá nhanh.

Trong khi đó, ông D chia sẻ, nguyên nhân chính dẫn đến đóng băng thị trường bất động sản đến từ chính sách không cho phân lô, chuyển mục đích sử dụng đất đối với đất nông nghiệp. Đối với những người kinh doanh bất động sản, dòng lãi chủ yếu đến từ phân lô, chuyển mục đích sử dụng, nhưng khi 2 dòng lãi này bị chặn thì các giao dịch bất động sản không còn lợi nhuận.

Chung quan điểm, ông A Byot, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum nhận định việc các ngân hàng siết lại các khoản vay nên người kinh doanh bất động sản khó tiếp cận nguồn vốn. Đồng thời, lãi suất cho vay tăng cao khiến người dân không còn mạnh dạn trong việc vay vốn để đầu tư bất động sản.

Trên thực tế, bên cạnh những ảnh hưởng từ các chính sách siết chặt của Chính phủ với thị trường bất động sản, việc thị trường này tại Kon Tum rơi vào tình trạng “đóng băng” đã từng được cảnh báo trong giai đoạn “sốt đất” hồi đầu năm 2022.

Theo ông Dương Ngọc Vương, thị trường bất động sản được xem là ổn định nếu mức tăng trưởng bình quân một năm khoảng 20%. Tuy nhiên, trong cơn “sốt đất,” nhiều khu vực đất tại Kon Tum đã bị “thổi giá,” “đẩy giá” lên đến 100-200%. Chính điều này đã tạo ra “bong bóng bất động sản” và xảy ra tình trạng “vỡ” vào cuối năm.

“Theo tôi, ít nhất phải một năm nữa, thị trường bất động sản tại Kon Tum mới ổn định trở lại. Điều này sẽ đến khi các ngân hàng thương mại đồng loạt nới room tín dụng, đưa lãi suất cho vay trở về mức 8%/năm," ông Dương Ngọc Vương nói.

Vì sao thị trường bất động sản Kon Tum 'đóng băng' dịp cuối năm?
Nhiều lô đất tại thành phố Kon Tum treo biển bán nhưng không có người hỏi mua. (Ảnh: Dư Toán/TTXVN)

Ông A Byot, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum, khẳng định để thị trường bất động sản tại tỉnh đi vào ổn định, phát triển bền vững, thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục theo dõi, nắm bắt và căn cứ vào tình hình biến động của thị trường bất động sản để tham mưu, đề xuất những giải pháp cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và các quy định của pháp luật.

Bất động sản vẫn được xem là một trong những ngành kinh doanh mang lại lợi nhuận ổn định cho các nhà đầu tư tại Kon Tum, bởi đây là tỉnh có diện tích đất lớn, nhiều tiềm năng.

Thế nhưng, bên cạnh những chính sách hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành, các cấp, ban, ngành của tỉnh Kon Tum vẫn cần phải có thêm những động thái quyết liệt để ngăn chặn tình trạng “sốt đất ảo” có thể sẽ tiếp tục diễn ra trong tương lai./.

Theo Dư Toán (TTXVN/Vietnam+)