Việt Nam lọt top 3 nước có tỷ lệ sở hữu nhà cao nhất thế giới

Việt Nam đứng thứ 3 trong 10 nước có tỷ lệ hộ gia đình sở hữu nhà cao nhất thế giới theo khảo sát của một tập đoàn bất động sản tại Mỹ

Việt Nam lọt top 3 nước có tỷ lệ sở hữu nhà cao nhất thế giới

09:14 | 20/12/2023

Việt Nam đứng thứ 3 trong 10 nước có tỷ lệ hộ gia đình sở hữu nhà cao nhất thế giới, theo khảo sát của một tập đoàn bất động sản tại Mỹ.

Mới đây, tập đoàn bất động sản Garrett có trụ sở ở Kentucky, Mỹ đã đưa ra danh sách các quốc gia có tỷ lệ hộ gia đình sở hữu nhà cao nhất thế giới.

Trong top 10 quốc gia, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 3 theo danh sách này.

Không chỉ người Việt Nam, người dân nhiều nước khác luôn hy vọng và hướng đến việc sở hữu nhà vì không chỉ là tài sản, đây còn là niềm tự hào của bản thân và gia đình, thành quả đạt được và mang lại sự ổn định cho cuộc sống.

1. Rumani - 96%

Rumani đứng đầu danh sách các quốc gia có tỷ lệ sở hữu nhà cao nhất thế giới. Tại đây, hơn 96% hộ gia đình sở hữu nhà riêng. Có được điều này là nhờ truyền thống thích sở hữu nhà của người dân Rumani, khả năng và cơ hội để mua nhà.

Năm 1990, 70% số khu chung cư ở Rumani thuộc sở hữu của nhà nước. Sau đó, chính phủ bán các bất động sản này, nhiều người Rumani đã mua nhà với giá ưu đãi. Mặc dù tỷ lệ sở hữu nhà ở Rumani cao nhưng các báo cáo cho thấy 1/3 số căn nhà ở Rumani có thể đang trong tình trạng hư hỏng.

Việt Nam lọt top 3 nước có tỷ lệ sở hữu nhà cao nhất thế giới
Tỷ lệ sở hữu nhà tại các nước trên thế giới. (Ảnh: Garrett).

2. Trung Quốc - hơn 90%

Tỷ lệ sở hữu nhà ở Trung Quốc vào hàng cao nhất thế giới với hơn 90%. Theo quan niệm ở nước này, dù sở hữu chung cư hay nhà riêng, sở hữu nhà cho thấy sự ổn định và giàu có.

3. Việt Nam - 90%

Ở Việt Nam, sở hữu nhà được coi là mục tiêu quan trọng đặc biệt với những người đến tuổi nghỉ hưu. Chính phủ hỗ trợ việc người dân sở hữu nhà thông qua các chương trình nhà ở với giá phải chăng. Tuy nhiên, giống như nhiều quốc gia khác, tốc độ tăng trưởng nhanh và giá cả tăng cao đã tạo ra thách thức về khả năng mua nhà. Mặc dù vậy, việc sở hữu nhà vẫn là mục tiêu quan trọng.

4. Nga - 87%

Ở Nga cũng như nhiều nước, sở hữu một căn nhà cho thấy sự ổn định và là khoản đầu tư vững chắc. Tuy nhiên, có báo cáo cho thấy sự khác biệt về chất lượng giữa nhà ở thành phố và nông thôn. Một trong những kiểu nhà phổ biến ở Nga là Khrushchyovka - chung cư xây thời Liên Xô. Một kiểu nhà phổ biến khác là nhà gỗ.

5. Sudan - 87%

Nhiều người sống trong những căn nhà chật chội tự xây bằng gạch hoặc bùn ở Sudan. Tại Sudan, tỷ lệ sở hữu nhà ở nông thôn cao hơn, tỷ lệ sở hữu nhà ở thành thị chỉ khoảng 67%. Tuy nhiên, dữ liệu về tỷ lệ sở hữu nhà ở Sudan không phải là con số chính xác, nhưng nhiều người Sudan quan niệm ưu tiên sở hữu nhà riêng hơn.

6. Ba Lan - 86,8%

Ở Ba Lan có một số lượng lớn người dân sống trong các khu chung cư đã xây lâu được gọi là Bloczki. Tỷ lệ sở hữu nhà ở Ba Lan vào hàng cao trên thế giới. Tuy nhiên, gần đây, thị trường nhà ở cho thuê cũng được người trẻ và cư dân ở thành phố lớn quan tâm.

Sở hữu nhà không đơn thuần là một nơi để sống mà còn được xem là biểu tượng của sự ổn định tài chính và khả năng tự lực. Mặc dù giá nhà ở tại một số nơi ở Ba Lan tăng cao, việc mua nhà khó khăn hơn nhưng điều đó không làm giảm mục tiêu sở hữu nhà của người dân quốc gia Đông Âu này.

Việt Nam lọt top 3 nước có tỷ lệ sở hữu nhà cao nhất thế giới
Người dân nhiều nước xem sở hữu nhà là biểu tượng giàu có, ổn định. (Ảnh: Hồng Khanh)

7. Ấn Độ - 86,6%

Theo điều tra dân số năm 2011, tỷ lệ sở hữu nhà ở Ấn Độ chưa đến 87%. Chưa có con số chính xác về tỷ lệ sở hữu nhà ở quốc gia Nam Á này do Ấn Độ hoãn cuộc điều tra dân số chu kỳ 10 năm một lần. Quốc gia này đang thúc đẩy việc sở hữu nhà của người dân thông qua các chương trình nhà ở giá rẻ cho người có thu nhập trung bình và thấp.

Tuy nhiên, sự gia tăng dân số quá nhanh ở Ấn Độ dẫn đến tình trạng thiếu nhà ở và kéo theo hệ lụy tắc nghẽn giao thông ở các thành phố lớn. Nhưng với nhiều người Ấn Độ, sở hữu nhà vẫn cho thấy uy tín của bản thân trong xã hội, có khả năng về kinh tế và là nơi ở yên ổn.

8. Pakistan - 86,6%

Ở Pakistan, sở hữu căn nhà là chuyện trọng đại. Sở hữu nhà của riêng bạn cho thấy sự giàu có, niềm tự hào của gia đình và ổn định. Sự thay đổi của cuộc sống đã làm thay đổi nhu cầu nhà ở tại một số khu vực thành thị, nhưng nhiều người vẫn muốn làm nhà riêng cho thấy văn hóa sở hữu nhà ảnh hưởng đến người dân Pakistan như thế nào.

Mơ ước là một chuyện, vấn đề tiền bạc. Giá đất đai ảnh hưởng đến giấc mơ này của nhiều người. Tuy nhiên, hầu hết người Pakistan vẫn nuôi hy vọng một ngày nào đó bản thân có thể sở hữu nhà riêng.

9. Nhật Bản - 80%

Tỷ lệ sở hữu nhà ở Nhật Bản là 80%. Việc sở hữu một căn nhà ở Nhật Bản là biểu tượng cho sự ổn định, thịnh vượng. Theo quan niệm ngày xưa của người Nhật, có một căn nhà là giàu có. Thế nhưng, hiện nay, ở các thành phố lớn của nước này, dân số đông đúc, giá bất động sản tăng cao, số người già tăng nên quan niệm về nhà cửa có phần thay đổi. Chính phủ Nhật Bản cũng đưa ra các chương trình ưu đãi để khuyến khích mua nhà.

Ngoài ra, Nhật Bản còn thường xuyên hứng chịu thiên tai nên nhu cầu mua nhà mới, chắc chắn rất cần với người Nhật Bản. Trong khi đó, nhiều người trẻ đang thuê nhà vẫn mơ ước sở hữu căn nhà riêng.

10. Tây Ban Nha - 75,8%

Ở Tây Ban Nha, sở hữu căn nhà là chỉ dấu cho thấy một người ổn định và thành công. Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 khiến nhiều người gặp khó khăn, đặc biệt là thế hệ trẻ. Chính phủ nước này đã thực hiện giảm lãi suất để người dân mua nhà, nhưng việc sở hữu nhà vẫn là vấn đề thách thức.

Bất chấp các thách thức này, mong muốn sở hữu một căn nhà vẫn nằm trong tiềm thức của người Tây Ban Nha vì đó là cột mốc cho thấy bạn trưởng thành, tự lập.

Theo Hồng Khanh/Vietnamnet.vn