Vĩnh Phúc: Phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Vĩnh Tường đến năm 2040
(Xây dựng) – UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2040, tỷ lệ 1/10.000.
Cụm công nghiệp Đồng Sóc đang là điểm đến của nhiều nhà đầu tư. |
Theo quy hoạch, huyện Vĩnh Tường sẽ là đô thị loại IV. Là trung tâm thương mại dịch vụ, du lịch, công nghiệp vùng liên huyện phía Nam tỉnh Vĩnh Phúc; trung tâm thương mại dịch vụ vùng phía Bắc của cả nước. Đầu mối giao thông, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng liên huyện phía Nam tỉnh Vĩnh Phúc.
Quy mô lập quy hoạch đô thị Vĩnh Tường có diện tích 144,0073km2. Trong đó, diện tích đất xây dựng đô thị đến năm 2030 khoảng 6.701,26ha; đến năm 2040 đất xây dựng đô thị khoảng 7.725,06ha.
Đô thị Vĩnh Tường phát triển theo cấu trúc tích hợp và đa cực, bao gồm 3 hành lang và 5 khu vực phát triển. Trong đó, 3 hành lang phát triển gồm: Hành lang đô thị dịch vụ, phát triển theo mô hình dạng chuỗi các đô thị dọc theo Đường tỉnh 304; phát triển du lịch, công nghiệp phía Đông, phía Nam đô thị; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái trải nghiệm phía Tây Nam đô thị.
5 khu vực phát triển gồm: Khu nhà ở, dịch vụ thương mại cấp vùng; công nghiệp, đô thị; khu trung tâm hành chính; công nghiệp, du lịch sinh thái và nhà ở; khu nông nghiệp công nghệ cao.
Theo quy hoạch, đô thị Vĩnh Tường sẽ được phát triển theo 7 phân khu, trong đó 5 phân khu phát triển đô thị; 2 phân khu phát triển chức năng. Phân khu đô thị Vĩnh Tường 1, tại khu vực các xã Yên Lập, Lũng Hòa và Tân Tiến có diện tích khoảng 1.510ha; mật độ xây dựng gộp tối đa là 50%; tầng cao xây dựng tối đa là 9 tầng có chức năng chính là phát triển nhà ở thương mại, dịch vụ thương mại, chợ đầu mối. Phân khu đô thị Vĩnh Tường 2, tại khu vực thị trấn Thổ Tang, các xã Đại Đồng và Vĩnh Sơn, có quy mô khoảng 1.380ha; với mật độ xây dựng gộp tối đa là 50%; tầng cao xây dựng tối đa là 15 tầng có chức năng chính là phát triển nhà ở, dịch vụ thương mại, cụm công nghiệp. Phân khu đô thị Vĩnh Tường 3, tại khu vực các xã Bình Dương, Vũ Di và Vân Xuân có diện tích khoảng 1.470ha; dân số khoảng 27.194 người, mật độ xây dựng gộp tối đa là 50%; tầng cao xây dựng tối đa là 11 tầng với chức năng chính là phát triển nhà ở, thương mại, khu công nghiệp. Phân khu đô thị Vĩnh Tường 4, tại khu vực các xã Thượng Trưng và Tuân Chính, có diện tích khoảng 1.270ha; giới hạn tầng cao xây dựng tối đa là 09 tầng với chức năng chính là phát triển nhà ở thương mại. Phân khu đô thị Vĩnh Tường 5, tại khu vực các thị trấn Vĩnh Tường, Tứ Trưng, các xã Tam Phúc và Ngũ Kiên có diện tích khoảng 1.640ha; dân số khoảng 28.989 người; tầng cao xây dựng tối đa là 25 tầng với chức năng chính là phát triển công trình hành chính, trình trị, công cộng của đô thị, phát triển nhà ở, các khu công viên, cây xanh thể dục thể thao cấp đô thị, phát triển nhà ở, thương mại, công nghiệp.
Phân khu chức năng Vĩnh Tường 6, tại khu vực một phần các xã An Tường, Vĩnh Thịnh, Phú Đa và Vĩnh Ninh với quy mô diện tích khoảng 1.059ha; có mật độ xây dựng đối với khu vực bãi sông Hồng tối đa là 5%; tầng cao xây dựng tối đa là 7 tầng với chức năng chính là phát triển du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái và trải nghiệm. Phân khu chức năng Vĩnh Tường 7, tại khu vực một phần các xã Kim Xá, Yên Bình và Chấn Hưng có diện tích khoảng 539ha; mật độ xây dựng tối đa là 30%; tầng cao xây dựng tối đa là 07 tầng với chức năng chính là phát triển du lịch sinh thái và trải nghiệm, phát triển công nghiệp.
Định hướng quy hoạch đô thị đến năm 2040, Vĩnh Tường phát triển theo định hướng quy hoạch khu vực nội thị, ngoại thị đã được quy hoạch và theo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã được duyệt. Trong đó, vùng trung tâm đô thị, Vĩnh Tường tập trung đầu tư tại 3 thị trấn hiện hữu của đô thị là thị trấn Thổ Tang, thị trấn Vĩnh Tường, thị trấn Tứ Tứ Trưng; 3 đô thị loại V là Đại Đồng, Tân Tiến và Thượng Trưng và các khu vực phát triển mới.
Đối với khu vực cửa ngõ kết nối đô thị Vĩnh Tường với các khu vực lân cận như: Thành phố Hà Nội, thông qua cầu Vĩnh Thịnh; thành phố Việt trì trên đường Quốc lộ 2; thành phố Vĩnh Yên trên đường Quốc lộ 2; huyện Yên Lạc theo đường Quốc lộ 2C; huyện Tam Dương theo đường Hợp Thịnh – Yên Bình; huyện Lập Thạch theo đường tỉnh 309 và thông qua các trục hướng tâm. Nghiên cứu bố trí các công trình, tổ hợp công trình cao tầng, kiến trúc đẹp để làm điểm nhấn cho các khu vực cửa ngõ đô thị.
Vĩnh Tường giữ gìn và xây dựng các điểm nhấn về cảnh quan thiên nhiên và nhân tạo. Cải tạo, giữ gìn gồm các không gian mặt nước cảnh quan như hồ Vực Xanh, Đầm Rưng, Đầm Sổ, khu vực dọc sông Hồng, dọc sông Phan, các không gian quảng trường, các công trình công cộng cấp đô thị, các công trình thương mại, hỗn hợp, chung cư cao tầng. Đầu tư xây dựng, giữ gìn không gian các công trình, không gian điểm nhấn của đô thị, nghiên cứu các không gian phụ cận, xung quanh để nâng cao giá trị các không gian, công trình điểm nhấn đô thị.
Hạ tầng giao thông của huyện Vĩnh Tường được nâng cấp, xây dựng mới. Nâng cấp Quốc lộ 2, Quốc lộ 2C (đường vành đai 5 vùng thủ đô); các tuyến đường tỉnh ĐT.303, 303C, ĐT.304, đường song song đường sắt, quy hoạch mặt cắt ngang 24m; đê tả sông Hồng,… Phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa phù hợp với định hướng phát triển giao thông vận tải trong Quy hoạch tổng thể quốc gia, duy trì khai thác luồng tuyến đường thủy Hà Nội – Việt Trì trên sông Hồng, quy mô cấp II. Quy hoạch cảng cạn Cam Giá, bổ sung thêm 2 cảng Vĩnh Ninh, Vĩnh Thịnh, giữ nguyên cảng Cao Đại…
Để triển khai thực hiện Quy hoạch chung đô thị Vĩnh Tường đến năm 2040, huyện sẽ ưu tiên và chuẩn bị các nguồn lực thực hiện các dự án phát triển. Trong đó, các dự án hạ tầng xã hội như công trình văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục,… theo chương trình đầu tư công của địa phương, phục vụ cộng đồng dân cư đô thị; tập trung đầu tư xây dựng các khu vực nhà ở công nhân, nhà ở xã hội phục vụ nơi ở, sinh hoạt cho cán bộ, công nhân các khu công nghiệp. Đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng khung đô thị. Tập trung đầu tư hoàn thiện các dự án đô thị đang triển khai; thu hút đầu tư xây dựng các dự án phát triển khu đô thị, khu nhà ở xã hội và nhà ở công nhân phục vụ cho các khu công nghiệp. Thu hút đầu tư và triển khai đầu tư xây dựng các khu công nghiệp Đồng Sóc, Chấn Hưng và các cụm công nghiệp trên địa bàn; đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng kỹ thuật và nhà máy tại các cụm công nghiệp….
Quy hoạch chung đô thị Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2040 được thông qua là cơ sở để địa phương ban hành các cơ chế, chính sách quản lý trong thu hút đầu tư, phát triển đô thị, sản xuất công nghiệp, đưa Vĩnh Tường trở thành trung tâm thương mại dịch vụ, du lịch, công nghiệp vùng liên huyện phía Nam tỉnh Vĩnh Phúc; trung tâm thương mại dịch vụ vùng phía Bắc của cả nước.
Văn Nhất
Theo