Vĩnh Phúc: Phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng huyện Yên Lạc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
(Xây dựng) – UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ký Quyết định số 2905/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng huyện Yên Lạc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là dấu mốc quan trọng, mở ra triển vọng phát triển kinh tế - xã hội và là tiền đề có ý nghĩa trong tiến trình phát triển đô thị hóa của huyện.
Yên Lạc được quy hoạch phát triển theo mô hình 2 trục và 2 hành lang phát triển. |
Xác định công tác lập quy hoạch là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong việc định hướng và kiểm soát sự phát triển của đô thị và nông thôn. Huyện Yên Lạc đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn chủ động, tích cực, phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành của tỉnh, đặc biệt là Sở Xây dựng để tổ chức các hội nghị, hội thảo, tham vấn ý kiến của các tổ chức, cá nhân có kinh nghiệm để hoàn thiện, trình phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng huyện Yên Lạc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định, đảm bảo chất lượng và phù hợp với thực tế địa phương.
Ngày 27/12/2023, UBND tỉnh đã ký Quyết định số 2905/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây không chỉ là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ huyện Yên Lạc mà còn có ý nghĩa rất quan trọng trong chiến lược xây dựng và phát triển huyện Yên Lạc, tạo động lực, cơ hội cho huyện Yên Lạc khơi dậy và giải phóng tiềm năng, thu hút tối đa nguồn lực cho đầu tư phát triển, phấn đấu đến năm 2030 huyện Yên Lạc trở thành đô thị loại IV, trở thành quận trực thuộc thành phố Vĩnh Phúc trong tương lai.
Quy hoạch được UBND tỉnh phê duyệt gồm toàn bộ diện tích tự nhiên của huyện Yên Lạc với hơn 10.765ha, gồm 17 xã, thị trấn. Dựa vào đặc điểm, không gian tự nhiên, hệ thống giao thông và dự kiến quy hoạch phát triển các khu chức năng trong vùng, Yên Lạc được quy hoạch phát triển theo mô hình 2 trục và 2 hành lang phát triển.
2 trục phát triển gồm: Trục Bắc - Nam, kết nối thành phố Vĩnh Yên, qua vùng Yên Lạc đến Thành phố Hà Nội, tập trung cải tạo đô thị hiện hữu, phát triển đô thị, dịch vụ thương mại; trục Đông - Tây kết nối vùng Yên Lạc với các vùng phía Nam của tỉnh, tập trung phát triển đô thị và công nghiệp.
2 hành lang phát triển gồm: Hành lang phía Bắc, phát triển dọc theo Quốc lộ 2, trục Đông - Tây của vùng Yên Lạc, định hướng phát triển đô thị, cụm công nghiệp xen kẽ cây xanh mặt nước sinh thái; hành lang phía Nam tập trung phát triển theo đê tả sông Hồng, định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông thôn, du lịch trải nghiệm, hành lang cây xanh ven sông Hồng.
Quy hoạch định hướng phát triển vùng huyện Yên Lạc thành 3 phân vùng: Vùng 1 là 6 xã, thị trấn (Đồng Văn, Đồng Cương, Trung Nguyên, Tề Lỗ, Bình Định, thị trấn Yên Lạc) được định hướng phát triển trung tâm hành chính, chính trị, văn hóa thể thao và y tế của vùng huyện; phát triển đô thị, dịch vụ thương mại, cụm công nghiệp kết hợp du lịch văn hóa tâm linh.
Vùng 2 là 5 xã, thị trấn (Yên Đồng, Yên Phương, Nguyệt Đức, Văn Tiến, thị trấn Tam Hồng), được định hướng phát triển đô thị, công nghiệp và thương mại dịch vụ.
Vùng 3 là 6 xã (Đại Tự, Liên Châu, Hồng Châu, Hồng Phương, Trung Kiên, Trung Hà), được định hướng phát triển đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái ứng dụng công nghệ cao, du lịch trải nghiệm.
Trong thời gian tới, để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của quy hoạch đã đề ra, chính quyền các cấp cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm như: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các nội dung cốt lõi của quy hoạch tới các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân, hiểu được định hướng phát triển của huyện trong giai đoạn tới, nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức, để từ đó có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả trong thực hiện quy hoạch.
Theo chức năng, nhiệm vụ được giao các cấp, các ngành cần phối hợp tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, khoa học, đặc biệt trong quản lý, phát triển đô thị, không gian kiến trúc, cảnh quan đô thị, quản lý sử dụng đất, quản lý xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển, đẩy mạnh hợp tác giữa các đơn vị, các ngành và địa phương trong việc triển khai quy hoạch, khuyến khích sự tham gia của người dân trong quá trình lập và thực hiện các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, nhằm đảm bảo tính khả thi và phản ánh đúng nguyện vọng của người dân.
Khẩn trương rà soát, điều chỉnh và lập mới các quy hoạch. Trong quá trình thực hiện, phải đảm bảo tính liên ngành, căn cứ cơ sở khoa học, đánh giá thực tế và phân tích xu hướng phát triển, nhằm đưa ra những giải pháp đồng bộ, hiệu quả và bền vững, phù hợp với từng giai đoạn phát triển theo mục tiêu đã đề ra.
Tiếp tục đổi mới công tác quy hoạch và phát triển đô thị đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh chóng của xã hội và người dân. Quan tâm các xu hướng mới trong phát triển đô thị như: Đô thị xanh, đô thị thông minh, đô thị phát triển bền vững. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào công tác quy hoạch, giúp nâng cao tính chính xác, hiệu quả, minh bạch và dự báo tốt hơn về xu hướng phát triển đô thị; tăng cường hợp tác, học hỏi kinh nghiệm từ các chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế, tiếp thu ý kiến đóng góp của cộng đồng để quy hoạch và phát triển đô thị phù hợp với thực tiễn địa phương, đảm bảo tính khả thi; tính toán các yếu tố bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, ưu tiên phát triển giao thông công cộng và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường; nâng cao năng lực quản lý và đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực quy hoạch và phát triển đô thị; tăng cường quản lý, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy hoạch, đảm bảo tính pháp lý và trật tự xây dựng trong quá trình thực hiện quy hoạch.
Tập trung ưu tiên nguồn lực cho đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị gắn với hạ tầng xã hội; có giải pháp sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn vốn ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển; huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả nguồn lực từ doanh nghiệp và các thành phần kinh tế để đầu tư, phát triển toàn diện của Quy hoạch vùng huyện Yên Lạc.
Ngọc Minh
Theo