Vùng đồng bằng sông Hồng Phân bổ không gian giảm tải cho đô thị lớn

Xây dựng Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng với tư duy mới tầm nhìn mới sẽ tạo ra giá trị mới đặc biệt cho vùng Việc chú trọng giải quyết các vấn đề liên kết tái tổ chức phân bổ không gian đô thị giải né

Vùng đồng bằng sông Hồng: Phân bổ không gian, giảm tải cho đô thị lớn

16:17 | 02/01/2024

(Xây dựng)- Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng với tư duy mới, tầm nhìn mới, sẽ tạo ra giá trị mới đặc biệt cho vùng. Việc chú trọng giải quyết các vấn đề liên kết, tái tổ chức, phân bổ không gian đô thị, giải nén, giảm tải cho các đô thị lớn là yếu tố quan trọng, hướng đến mục tiêu phát triển nhanh, bền vững trong tương lai.

Vùng đồng bằng sông Hồng: Phân bổ không gian, giảm tải cho đô thị lớn

Yêu cầu cấp thiết từ thực tiễn

Từ giai đoạn 1990 đến nay, hệ thống đô thị trong vùng Đồng bằng sông Hồng đã và đang phát triển mạnh mẽ, luôn đóng vai trò là động lực phát triển kinh tế quan trọng nhất. Số liệu thống kê cho thấy, đây là khu vực có tỷ lệ đô thị hóa tương đối cao, đặc biệt năm 2021 là 41%, cao hơn trung bình cả nước.

Hiện nay, đây là khu vực có hệ thống đô thị phát triển mạnh, với 3 đô thị động lực của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ là Hà Nội, Hải Phòng và Hạ Long, đóng góp GDP so với cả nước là gần 30%. Trong đó, có 1 đô thị đặc biệt là TP Hà Nội, 1 đô thị loại I trực thuộc Trung ương là TP Hải Phòng, 5 đô thị loại I trực thuộc tỉnh, 7 đô thị loại II, 8 đô thị loại III, 11 đô thị loại IV và 144 đô thị loại V.

Theo Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), toàn bộ hệ thống quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô, quy hoạch xây dựng các khu chức năng vùng, quy hoạch chung đô thị, quy hoạch phân khu đã được phủ kín, tạo điều kiện pháp lý quan trọng để phát triển có tính chặt chẽ, ổn định theo quy hoạch và có kế hoạch.

Bộ Xây dựng cho rằng, hạ tầng liên kết vùng còn hạn chế, ảnh hưởng đến sự phát triển nói chung của hệ thống đô thị. Hay quá trình phát triển đô thị còn chênh lệch lớn giữa 2 tiểu vùng phía Bắc (Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương) và tiểu vùng phía Nam (Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định).

Mặc dù giai đoạn 10 năm (từ 2010 - 2020), Vùng có nhiều chỉ số phát triển tăng nhưng tỷ lệ đô thị hóa chưa đạt chỉ tiêu 45% (được đặt ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tới năm 2020). Chất lượng đô thị chưa thực sự tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, tăng trưởng đô thị.

Bên cạnh đó, còn tình trạng phát triển đô thị nóng, thiếu kiểm soát, sử dụng đất đai tại các khu vực đô thị đạt hiệu quả thấp, việc mở rộng đô thị chưa có chọn lọc. Trong khi đó, các hoạt động tái thiết dường như chưa được quan tâm, chú trọng đúng mức, như: Di dời các cơ sở ô nhiễm và cơ sở y tế, trường đại học ra khỏi khu vực nội đô; cải tạo chung cư cũ; phát triển ồ ạt nhiều dự án bất động sản trong các khu vực đô thị hiện hữu.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch có chung nhận định rằng: Vùng Đồng bằng sông Hồng chưa hình thành được hệ thống mạng lưới trung tâm chức năng đô thị tối ưu; ở nhiều đô thị không gian cao tầng tập trung dày đặc tại nội đô, trong khi chất lượng hạ tầng chưa tương xứng, dẫn đến quá tải, áp lực cho hạ tầng, giao thông đô thị.

Khu vực này được coi là một trong hai vùng tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ lớn nhất cả nước, với 3,83 triệu lao động trực tiếp và 1,5 triệu lao động gián tiếp, tạo ra sức ép không nhỏ. Tuy nhiên, sự phát triển công nghiệp mang tính đơn lẻ, độc lập của từng địa phương lại chưa gắn với phát triển đô thị và dịch vụ đi kèm, khiến hệ thống đô thị hiện hữu mới chỉ hấp thụ được một phần nhỏ nhu cầu này.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, đó là sự hạn chế trong công tác quy hoạch; thể chế, cơ chế hợp tác, phối hợp đầu tư phát triển vùng chưa hoàn thiện đồng bộ.

Tại nước ta, tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, đây là khu vực có quá trình đô thị hóa mạnh mẽ trong khi quy hoạch chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển này. Biểu hiện rõ qua việc quy hoạch không theo kịp thực tế, chưa dựa trên cơ sở dự báo phát triển chính xác (đặc biệt dân số, nhu cầu...), dẫn đến thường xuyên phải điều chỉnh quy hoạch tạo áp lực lên hệ thống hạ tầng.

Đồng thời, thời gian lập quy hoạch chi tiết còn rất chậm, thiếu sự đồng bộ giữa các quy hoạch. Hay tỷ lệ các quy hoạch cụ thể hóa, quy hoạch chuyên ngành còn chưa đảm bảo đủ công cụ quản lý. Do chưa có một cơ chế liên kết vùng hay một bộ máy với chức năng, thẩm quyền phối hợp hiệu quả giữa các tỉnh, thành phố, đô thị nên việc xuất hiện các hành lang kinh tế chưa được như mong muốn.

Giải pháp nào cho khu vực phát triển?

Khi triển khai Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị, Chính phủ đặt ra nhiệm vụ cho ngành Xây dựng là: “Tập trung phát triển hệ thống đô thị hiện đại, thông minh, bền vững theo mạng lưới; phân bổ hợp lý, bảo đảm đồng bộ, thống nhất để Vùng trở thành vùng đô thị lớn, có tỷ lệ đô thị hóa cao, chất lượng sống tốt; thực hiện đồng bộ chính sách giảm tải cho các đô thị lớn...).

Trong một diễn đàn về phát triển đô thị, Bộ Xây dựng đã đề xuất, đưa ra một số giải pháp cụ thể để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Đầu tiên là phải hoàn thiện quy hệ thống quy hoạch đô thị của vùng. Quy hoạch vùng và quy hoạch đô thị phải tiên phong đi trước một bước và góp phần đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, xây dựng củng cố hệ thống đô thị, phân bổ không gian đô thị hợp lý, thiết lập mạng lưới đô thị hiệu quả có khả năng chia sẻ chức năng giữa các cực tăng trưởng và các đô thị phụ trợ, thúc đẩy động lực phát triển chung.

Theo ông Trần Quốc Thái - Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, chúng ta không chỉ hoàn thiện phủ kín quy hoạch (quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết - PV), mà còn phải rà soát điều chỉnh một số quy hoạch chung phù hợp với tình hình mới.

“Đặc biệt, phải chú trọng nâng cao chất lượng quy hoạch và tổ chức thực hiện theo quy hoạch, làm sao không phá vỡ quy hoạch. Nếu đảm bảo được điều này, quy hoạch trở thành một công cụ hữu hiệu giúp định hướng phát triển Vùng, thúc đẩy liên kết và xây dựng mô hình phát triển đô thị hiệu quả cao” - Cục trưởng Thái nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, giải pháp về phát triển hệ thống đô thị bền vững đi cùng nhiệm vụ chú trọng cải tạo, tái thiết đô thị cũng được Bộ Xây dựng nhắc đến. Trong thời gian tới, việc nâng cao chất lượng đô thị của vùng Đồng bằng sông Hồng cần phải được đẩy mạnh.

Chúng tôi cho rằng, việc phải làm ngay là ưu tiên đầu tư các công trình mang tính động lực, có sức lan tỏa, kết nối nội vùng, tập trung xử lý rác thải, nước thải đô thị, đảm bảo tỷ lệ cây xanh, năng lực giao thông cùng các thiết chế xã hội để nâng cao chất lượng sống và xây dựng văn hóa, văn minh đô thị.

Ngoài ra, cần quan tâm cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị, loại bỏ hoặc hạn chế thấp nhất những khu vực có chất lượng sống ô nhiễm môi trường, nguy hiểm, thiếu an toàn. Đây cũng là cơ hội để tổ chức lại không gian chức năng đô thị hiệu quả.

Khi bàn về vấn đề này, Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) đưa ra thêm giải pháp về việc thực hiện các chương trình giãn dân, giảm tải, giảm nén đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt là nhà ở cho công nhân và đối tượng thu nhập thấp; bài toán di dời này cũng cần đảm bảo trật tự, an toàn, hiệu quả.

Các cơ sở sản xuất hay nhà máy gây ô nhiễm môi trường, hoặc có nguy cơ gây ảnh hưởng đến an toàn cho người dân, sẽ phải di dời ra khỏi khu vực trung tâm nhiều đô thị lớn (đặc biệt là Hà Nội). Việc chúng ta cần làm ngay lúc này là bắt đầu từ quy hoạch lại hệ thống bệnh viện, trường đại học, cao đẳng, cơ sở nghiên cứu, trung tâm thương mại, chợ đầu mối, mạng lưới chợ dân sinh, để giảm áp lực cho các đô thị lớn; đồng thời tăng cơ hội phát triển cho các khu vực phụ cận, thúc đẩy tính hiệu quả của mạng lưới hạ tầng trong Vùng.

Trên cơ sở rà soát số liệu thực tế, các đô thị trong khu vực cần tính toán nhu cầu nhà ở mới, nhà ở cần cải tạo, xây dựng lại, phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở để đề xuất các dự án nhà ở giai đoạn 2025 và giai đoạn 2030 từ đó chủ động, kiểm soát áp lực về dân số, các hoạt động kinh tế - xã hội có liên quan.

Bộ Xây dựng đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về quy hoạch như: Luật Quy hoạch đô thị - nông thôn, Luật Điều chỉnh về quản lý phát triển, Luật Xây dựng, hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn để tạo hành lang pháp lý cho đổi mới chất lượng quy hoạch và phát triển mô hình đô thị nén bền vững, đa dạng. Với vai trò quản lý được giao, thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan để nghiên cứu và triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển các đô thị của vùng Đồng bằng sông Hồng hiệu quả, bền vững.

Hà Khánh

Theo