Xây dựng Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh: Cần có quy hoạch rõ ràng
(Xây dựng) - Trong thời gian qua, các địa phương trên cả nước đã triển khai xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của Nhân dân Việt Nam, nhà lãnh đạo, người anh hùng giải phóng dân tộc được Nhân dân thế giới ngưỡng mộ. Đây là một trong những hoạt động thiết thực hướng đến kỷ niệm 77 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 02/9.
Tượng đài “Chủ tịch Hồ Chí Minh với Nhân dân Quảng Bình" đặt tại quảng trường trung tâm thành phố Đồng Hới. |
Quy hoạch xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đến năm 2030
Thông tin của Bộ VHTT&DL cho biết, trên toàn lãnh thổ Việt Nam hiện có khoảng 700 di tích, 30 tượng đài, quảng trường và hơn 100 công trình tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hầu hết các tỉnh, thành phố đều có tượng đài Bác Hồ, thu hút hàng chục vạn lượt khách tham quan mỗi năm.
Có thể nói, tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh là một công trình văn hóa có ý nghĩa chính trị, lịch sử và nhân văn sâu sắc đối với mỗi người dân Việt Nam. Công trình này có vai trò rất thiết thực trong việc giáo dục truyền thống cách mạng của Đảng, của dân tộc và tấm gương vĩ đại của Bác Hồ, nhất là đối với các thế hệ trẻ, qua đó góp phần hun đúc lòng yêu nước, tin tưởng vào Đảng và phát huy truyền thống kiên cường, vẻ vang dân tộc ta.
Với những ý nghĩa đó, trong thời gian qua, các địa phương trên cả nước đã gửi đề xuất xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng không phải đề xuất nào cũng được phê duyệt. Theo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trên toàn quốc tới năm 2030, chỉ có thêm 6 địa phương được phép xây dựng các công trình.
Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh được chia thành 2 nhóm. Một là công trình thuộc nhóm A, bao gồm các công trình tượng đài A1 và A2, có quy mô lớn, căn cứ vào vị trí, không gian, cảnh quan và môi trường kiến trúc cụ thể nơi xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh để điều chỉnh kích thước tượng cho phù hợp, bảo đảm sự hài hòa, tính văn hóa và giá trị thẩm mỹ cao. Hai là công trình thuộc nhóm B, bao gồm các công trình tượng đài B1 và B2, được xây dựng trong khuôn viên cơ quan, đơn vị, trường học.
Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh phải được xây dựng ở vị trí trang trọng, trung tâm, có chất lượng cao về kỹ thuật và mỹ thuật, thuận lợi cho Nhân dân đến thưởng ngoạn và tưởng niệm. Mỗi công trình phải là điểm nhấn văn hóa, có ý nghĩa và giá trị sâu sắc với địa phương, vùng, miền và toàn quốc.
Để làm được như vậy, các công trình cần phải đáp ứng được 4 tiêu chí. Một là tiêu chí về nội dung, tượng đài tôn vinh, ca ngợi cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác; thể hiện tình cảm của Bác với Nhân dân và Nhân dân đối với Bác. Hai là tiêu chí xác định địa phương xây dựng tượng đài, địa phương gắn với sự kiện lịch sử trọng đại của cách mạng Việt Nam, về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác; có vị trí đặc biệt trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; địa phương là quê hương, nơi Bác đã sống, học tập, địa phương Bác đến thăm và làm việc.
Ba là tiêu chí về nghệ thuật, tượng đài phải có giá trị thẩm mỹ cao, ngôn ngữ điêu khắc sáng tạo, kết hợp dân tộc và hiện đại, khắc hoạ được tâm hồn, tình cảm, tư tưởng của Người; có sự gắn kết hài hoà giữa nghệ thuật điêu khắc và không gian cảnh quan kiến trúc; có không gian, quảng trường trang trọng hài hòa với cảnh quan xung quanh, tạo điểm nhấn, gây ấn tượng thẩm mỹ cao.
Bốn là tiêu chí về chất liệu, tượng đài phải có chất liệu bền vững, công nghệ thể hiện đạt chất lượng cao, phù hợp với không gian kiến trúc.
Các địa phương đã triển khai xây dựng như thế nào?
Tháng 5/2016, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 101/TB-VPCP thông báo Kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về Quy hoạch tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đến năm 2030.
Trong đó, Thủ tướng kết luận chỉ xây dựng các tượng đài tại các địa phương đã được Ban Bí thư Trung ương Đảng có ý kiến chỉ đạo và Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý, đó là Hải Phòng, Quảng Bình, Thái Bình, Sơn La, Bình Định và Đà Nẵng. Trường hợp đặc biệt, Bộ VHTT&DL báo cáo Ban Cán sự Đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định.
Kể từ đó đến nay, các địa phương đã lần lượt triển khai xây dựng các tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh theo quy hoạch. Tháng 5/2017, tỉnh Bình Định khánh thành tượng đài cha con Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành ở quảng trường trung tâm TP Quy Nhơn.
Đến tháng 5/2019, tỉnh Sơn La cũng tổ chức khánh thành tượng đài “Bác Hồ với các dân tộc Tây Bắc” tại quảng trường Tây Bắc, TP Sơn La. Tháng 6/2020, tỉnh Quảng Bình long trọng khánh thành tượng đài “Chủ tịch Hồ Chí Minh với Nhân dân Quảng Bình" đặt tại quảng trường trung tâm TP Đồng Hới. Tượng đài gồm 7 nhân vật, Bác Hồ là nhân vật trung tâm, các nhân vật còn lại đại diện cho các tầng lớp Nhân dân tỉnh Quảng Bình gồm thế hệ trẻ, nông nghiệp, ngư nghiệp, lực lượng vũ trang, công nhân - trí thức và đồng bào dân tộc thiểu số.
Cùng năm đó, tỉnh Thái Bình cũng khánh thành tượng đài “Bác Hồ với nông dân Việt Nam” tại quảng trường TP Thái Bình. Công trình được làm với chất liệu bằng đá xanh gồm nhóm tượng 13 nhân vật, trong đó Bác Hồ là nhân vật trung tâm, các nhân vật còn lại đại diện cho thế hệ bô lão, trẻ em, thanh niên và trung niên Việt Nam.
Tháng 4 năm nay, UBND tỉnh Kiên Giang đã long trọng tổ chức lễ động thổ khởi công xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở phường Dương Đông, TP Phú Quốc. Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tay phải lên ngực trái thể hiện ý nghĩa tình cảm sâu nặng của Bác dành cho đồng bào miền Nam. Công trình dự kiến khánh thành vào năm 2024, nhân dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong khi đó, TP Hải Phòng cũng đã có kế hoạch xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại quảng trường khu đô thị mới Bắc sông Cấm, huyện Thủy Nguyên.
Ngoài các công trình thuộc nhóm A, nhiều địa phương cũng đã triển khai xây dựng các công trình tượng đài thuộc nhóm B. Cuối năm ngoái, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 cũng long trọng tổ chức Lễ khánh thành Công trình văn hóa Tượng đài Bác Hồ với lực lượng vũ trang Quân khu 4 tại TP Vinh, Nghệ An. Tượng đài có chiều cao 7,9 m, thân tượng đúc liền khối với chiều cao 5,1 m bằng đồng, tổng trọng lượng khoảng 4.500 kg.
Hơn 1 tuần trước, Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Lạng Sơn phối hợp với Thành ủy Bắc Giang, đồn Biên phòng Chi Lăng (huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn) tổ chức khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sỹ Biên phòng” tại khuôn viên đồn Biên phòng Chi Lăng. Đáng chú ý, công trình được hoàn thành và bàn giao, đưa vào sử dụng đúng dịp kỷ niệm 77 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 02/9, qua đó tạo được không khí phấn khởi, tự hào trong đội ngũ cán bộ, chiến sĩ biên phòng vững tin, bảo vệ lãnh thổ và biên cương của Tổ quốc.
Dịch Phong
Theo