Xây nhà ở cho công nhân khu công nghiệp Chìa khóa nào

Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan bộ ngành tháo gỡ tạo điều kiện cho doanh nghiệp xây dựng và tạo điều kiện cho người lao động trong khu công nghiệp có nhà ở

Xây nhà ở cho công nhân khu công nghiệp: Chìa khóa nào?

10:50 | 20/02/2023

Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan bộ, ngành tháo gỡ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp xây dựng và tạo điều kiện cho người lao động trong khu công nghiệp có nhà ở.

Còn vướng pháp lý

Xây nhà ở cho công nhân khu công nghiệp: Chìa khóa nào?

Khu Thiết chế Công đoàn tỉnh Hà Nam đặt tại Khu Công nghiệp Ðồng Văn 2, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam có tổng số 244 căn, với 3 loại diện tích khác nhau (32,5 m2, 35 m2 và 45 m2) để đoàn viên, người lao động lựa chọn.

Chỉ trong vòng 6 tháng kể từ khi đưa vào sử dụng, toàn bộ đã được công nhân thuê hết. Giá thuê 1 căn hộ khép kín khoảng 1-1,3 triệu đồng/ tháng, trong khi giá thuê ở ngoài từ 1,5 triệu đồng/tháng.

Ông Lê Văn Nghĩa, Trưởng ban quản lý dự án xây dựng thiết chế công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, năm 2017, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 655/QĐ-TTg phê duyệt đề án "Đầu tư xây dựng các thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất".

Ưu điểm của thiết chế là đầy đủ hạ tầng đường, điện, hệ thống cấp nước, cây xanh, công trình văn hoá, nhà trẻ… không tính vào giá bán căn hộ để công nhân được hưởng ưu đãi. Đây được đánh giá là giải pháp nhân văn, bù đắp tình trạng thiếu hụt nhà ở cho công nhân, người lao động. Tuy nhiên, đề án gần như chưa triển khai được nhiều, gặp khó khăn vướng mắc.

Theo ông Nghĩa, việc giao đất xây dựng thiết chế là để làm nhà ở. Nhưng theo Điều 54 và Điều 55 Luật Đất đai 2013 thì Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội, không thuộc đối tượng được giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu thương mại, nhà ở bán và cho thuê. Điều này dẫn đến thực tế, thiết chế công đoàn tại Hà Nam đã hoàn thiện xong từ năm 2019 nhưng vẫn phải bỏ không đến năm 2020 vì Tổng Liên đoàn không thể thực hiện việc bán mà chỉ cho thuê.

ÔngVương Quốc Toàn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lan Hưng (đơn vị xây dựng nhà ở xã hội ở Bắc Ninh) chia sẻ, cái khó nhất là tại Khoản 5 Điều 49 Luật Nhà ở năm 2014 có quy định, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài KCN là đối tượng được hỗ trợ chính sách về nhà ở xã hội như: thuê, mua. Tuy nhiên, nhiều điều kiện khác kèm theo như thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân; trường hợp là hộ nghèo, cận nghèo thì phải thuộc diện nghèo, cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ; chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình… nên số người lao động tiếp cận thuê, mua nhà ở xã hội chưa nhiều. Hơn nữa, doanh nghiệp làm nhà ở chỉ cho một đối tượng duy nhất là công nhân, 9 đối tượng còn lại được quy định trong việc mua nhà ở xã hội không được tiếp cận. Thế nên, 1.400 căn nhà của Tập đoàn mới bán được 100 căn cho công nhân.

Cũng nói về những bất cập nêu trên khi xây dựng thiết chế công đoàn, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận xét, quỹ đất cũng không sẵn sàng cho nhà ở xã hội/nhà ở công nhân, vốn thiếu, cơ chế thủ tục khó khăn kéo dài, đối tượng nhà ở công nhân bị bó chặt, xây dựng xong không có đầu ra, đối tượng không đủ rộng… khiến cho doanh nghiệp không dám làm.

Cần đồng bộ các giải pháp

Theo ông Lê Văn Nghĩa, thiết chế công đoàn có vai trò hết sức quan trọng, không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà cả giá trị tinh thần để công nhân an cư lạc nghiệp, tái tạo sức lao động.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị Chính phủ điều chỉnh quyết định 655/QĐ-TTg để có thể kết hợp với UBND các tỉnh và nhà đầu tư liên quan xây dựng nhà ở trong thiết chế công đoàn. Dự kiến trong năm 2023 có thể thực hiện được thiết chế ở Bình Định, Cần Thơ, giai đoạn 2 Hà Nam, Vĩnh Phúc…

"Hiện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang đề xuất với Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội sửa Luật Nhà ở, Luật Đất đai để đưa Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam vào đối tượng được xây nhà ở cho công nhân", ông Nghĩa nói.

Còn theo ông Nguyễn Văn Đính, liên quan đến giải bài toán nhà ở công nhân, cần có quy định đơn vị chủ đầu tư khu công nghiệp trước khi xây dựng khu công nghiệp phải thực hiện điều kiện tiên là có hạ tầng cho công nhân khu công nghiệp.

"Đơn cử, KCN nếu có quy mô 100 ha, đón 5.000-10.000 công nhân phải có phương án bố trí chỗ ở cho công nhân. Nếu đơn vị được cấp phép xây dựng khu công nghiệp chưa có điều kiện đó thì sẽ không duyệt phương án xây dựng. Nếu không xây dựng được có thể đi đặt hàng…", ông Đính đề xuất.

Để giải quyết bài toán người thu nhập thấp được tiếp cận nhà ở, ông Vương Quốc Toàn cho rằng, nếu xây dựng nhà ở công nhân thì chỉ được bán nhà ở cho công nhân, do đó. Tuy nhiên chiều hướng sẽ thay đổi nếu thay tên nhà ở công nhân thành nhà ở xã hội nói chung.

Bên cạnh đó, CTCP Tập đoàn Lan Hưng đã đề nghị với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp xây dựng nhưng không đủ điều kiện. Nhưng hiện luật pháp chưa rõ ràng nên chưa có hướng dẫn, chưa có quy định để Tổng Liên đoàn triển khai.

"Trong nhiều cuộc họp tôi đã đề xuất nhà ở công nhân trong KCN dựa vào mục đích phương thức bán hàng là cho tất cả các đối tượng. Tất cả nhà ở xã hội trên toàn quốc chỉ đặt một tên là nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, không nên tách riêng ra nhà ở công nhân trong KCN", vị Chủ tịch HĐQT này nhấn mạnh.

Hiện Bộ Xây dựng đang trình các cấp có thẩm quyền nghị quyết thí điểm, tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc về nhà ở công nhân. Trong đó, một số nhóm chính sách là dành nhiều quỹ đất cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; miễn tiền sử dụng đất mà không cần thủ tục tính tiền sử dụng đất; lựa chọn nhà đầu tư nhanh nhất và cho phép công đoàn được làm chủ đầu tư các dự án nhà ở công nhân; phát triển đồng bộ các tiện ích trong khu nhà ở; chính sách chi phí, giá bán nhà ở theo hướng thủ tục nhanh nhất; đẩy mạnh các hình thức thuê và thuê mua…

Mới đây, trên cơ sở Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 3/2/2023 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01/2023, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính đề xuất các giải pháp đồng bộ giải quyết hiệu quả vấn đề nhà ở cho người lao động, bảo đảm "an cư lạc nghiệp"; báo cáo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo.

Có thể nói, đây là chính sách kịp thời trong bối cảnh nhu cầu nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân tăng cao mà nguồn cung hạn chế. Và đây cũng là "chìa khoá" mở những nút thắt ở các địa phương về thủ tục hành chính, đất đai, nguồn vốn vay ngân hàng.

Theo Dương Trang/Baochinhphu.vn