Xây nhà ở xã hội: Vì sao doanh nghiệp nản lòng?

(Tieudung.vn) - Để đảm bảo kế hoạch triển khai Đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội (NƠXH), Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, bên cạnh nguồn lực Nhà nước cần huy động được nguồn lực ngoài Nhà nước tham gia.

Xây nhà ở xã hội: Vì sao doanh nghiệp nản lòng?

Xây nhà ở xã hội: Vì sao doanh nghiệp nản lòng?
Để đảm bảo kế hoạch triển khai Đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội (NƠXH), Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, bên cạnh nguồn lực Nhà nước cần huy động được nguồn lực ngoài Nhà nước tham gia.

Chỉ đạo này đang nhận về sự ủng hộ lớn từ phía dư luận. Tuy nhiên vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng khó thực hiện, vì những vướng mắc trong cơ chế pháp lý, thiếu nguồn vốn ưu đãi, lợi nhuận không cao… khiến DN (BĐS) không mặn mà làm NƠXH.

Làm nhà ở là nhiệm vụ chính trị quan trọng

Ngày 3/4/2023, Chính phủ ban hành Quyết định số 338/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “ xây dựng ít nhất 1 triệu NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030” (Đề án), với mục tiêu đến năm 2030 sẽ hoàn thành khoảng 1.062.200 căn NƠXH. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn, và giai đoạn 2025 - 2030 hoàn thành khoảng 634.200 căn.

Tuy nhiên, đến nay đã quá nửa thời gian của giai đoạn 2021 - 2025 nhưng số căn hộ hoàn thành thực tế chỉ đạt được ở mức vô cùng khiêm tốn so với kế hoạch.

Cụ thể, mới đây, tại Hội nghị triển khai Đề án trong năm 2024 do Bộ Xây dựng tổ chức, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh thông tin, mới có 6 NƠXH ở các địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 531 tỷ đồng, tức hơn 0,4% gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý, đến nay cả nước chỉ mới có 499 dự án NƠXH đã được triển khai với quy mô hơn 411.000 căn hộ. Trong đó có 71 dự án đã hoàn thành với quy mô 37.868 căn. Như vậy còn cách rất xa mục tiêu 428.000 căn phải có vào năm 2025.

Xây nhà ở xã hội: Vì sao doanh nghiệp nản lòng?

Tổ hợp AZ Thăng Long, huyện Hoài Đức. Ảnh: Hải Linh

Trước tiến độ giải ngân chậm gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các ngân hàng thương mại rà soát, đánh giá lại xem xét chính xác chính sách sai : “Để DN dễ tiếp cận vốn vay, các ngân hàng thương mại cũng phải tính toán lợi nhuận, nên chính sách ưu đãi giảm 1,5 - 2% lãi suất có thể chưa phù hợp với quy luật kinh tế , trong khi vay các lĩnh vực khác cao hơn 1,5 - 2%” - Phó Thủ tướng Chính phủ nói.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, mong muốn lắng nghe đề xuất giải pháp, sáng kiến để đưa các chính sách NƠXH thực sự đi vào cuộc sống, kỳ vọng hướng tới mục tiêu người dân dù ở hoàn cảnh nào cũng được tiếp cận nhà ở. Từ đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng cần phải đảm bảo có nguồn tài chính ổn định cho phát triển NƠXH. Muốn vậy thì bên cạnh nguồn lực Nhà nước cần huy động được nguồn lực ngoài Nhà nước tham gia.

Lập tức chỉ đạo nói trên đã thu hút sự quan tâm lớn từ phía dư luận. Trong đó hầu hết đều ủng hộ quan điểm của lãnh đạo Chính phủ. Song, vẫn còn những ý kiến lo ngại DN không mặn mà làm NƠXH vì các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án NƠXH đã ban hành chưa đủ hấp dẫn.

Hài hòa lợi ích để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư

Chia sẻ mong muốn có nhà để ổn định cuộc sống, anh Đoàn Xuân Du (quận 6, TP Hồ Chí Minh) bày tỏ vô cùng biết ơn chính sách NƠXH của Chính phủ: “Đề án 1 triệu NƠXH là một chính sách thiết thực nhưng tình trạng cung không đủ cầu đã khiến giấc mơ sở hữu căn nhà mơ ước của gia đình tôi trở nên xa vời. Tôi hy vọng sau chỉ đạo của Chính phủ, các DN sẽ nhiệt tình tham gia làm NƠXH” - anh Du nói.

"Cần phải thay đổi tư duy làm NƠXH, thay vì chỉ nghĩ đến phương án Nhà nước và DN làm NƠXH, nên mở rộng khuyến khích, tạo điều kiện cho hộ gia đình, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng NƠXH, nhà ở cho công nhân thuê nhưng phải theo quy hoạch, thiết kế chuẩn" Luật sư Lê Thu Thảo – Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh

Tương tự, chị Nguyễn Thị Thời (quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) cũng cho biết, ước mơ lớn nhất là mua được một căn NƠXH để thoát cảnh thuê trọ: “Nếu các DN tư nhân có thể cùng Nhà nước và người dân trong kế hoạch làm NƠXH thì quá tuyệt vời: “Nguồn cung dồi dào, giá bán giảm, thì ước mơ sở hữu một căn NƠXH của tôi sẽ trở thành sự thật” – chị Thời hy vọng.

Khẳng định ủng hộ chỉ đạo huy động nguồn lực ngoài Nhà nước làm NƠXH của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Chủ tịch Công ty CP Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân Trương Anh Tuấn cho biết, năm 2024 Hoàng Quân sẽ thực hiện 12 dự án NƠXH, nhà ở công nhân và sẽ bàn giao 3.000 căn tại Bình Thuận, Trà Vinh, Tiền Giang, Vĩnh Long…

Song, từ góc nhìn của DN có thâm niên làm NƠXH, ông Tuấn thẳng thắn kiến nghị xem xét lại Quyết định 610/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng ngày 13/7/2022: “Lợi nhuận của NƠXH chỉ có 10% nhưng vẫn cần các tiện ích xã hội như hầm, công trình công cộng, bãi đỗ xe… Việc Bộ Xây dựng giảm 25% suất đầu tư so với nhà ở thương mại, trong khi thực tế cách làm giống nhau khiến DN làm NƠXH gặp nhiều khó khăn" - ông Tuấn nói.

Trao đổi với Báo Kinh tế & Đô thị, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư BĐS Việt An Hoà Trần Khánh Quang cũng nhận định, việc huy động nguồn lực ngoài Nhà nước để làm NƠXH là cần thiết và thiết thực. Tuy nhiên các điều kiện khắt khe, thủ tục vay vốn rườm rà, lãi suất cao… khó kéo DN “để mắt” tới NƠXH.

“Lý do lớn nhất khiến các DN không hứng thú với NƠXH nằm ở yếu tố lợi nhuận. Hiện lợi nhuận của chủ đầu tư khi làm NƠXH chỉ được khống chế tối đa ở mức 10%. Nếu dự án chỉ chậm tiến độ 1 năm, coi như DN không có lợi nhuận. Chưa kể, quy định phức tạp, thiếu hướng dẫn chi tiết, trong khi thủ tục lại rườm rà và tốn rất nhiều thời gian đã làm nản lòng các DN quan tâm tới NƠXH” - ông Quang nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, Luật sư Lê Thu Thảo - Đoàn TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, mục tiêu xây dựng hơn 1 triệu căn hộ NƠXH đến năm 2030 là không dễ: “Gói 120.000 tỷ đồng là nỗ lực rất lớn của các ngân hàng thương mại, nhưng với mức lãi suất như vậy vẫn là cao so với sức chịu đựng của người thu nhập thấp. Do đó, để tăng tốc làm NƠXH trong thời gian tới, và về lâu dài cần thành lập quỹ phát triển NƠXH và mức lãi suất cho chủ đầu tư, cho người mua nhà vay phải thấp, có thể bằng 50 - 60% mặt bằng lãi suất thị trường. Để làm được điều này ngoài huy động nguồn lực của Nhà nước, thì còn cần huy động từ tư nhân trong nước và ngoài nước” - Luật sư Lê Thu Thảo đề xuất.

Ngoài ra, để phát triển NƠXH bền vững, theo Luật sư Lê Thu Thảo, cần phải nhanh chóng rà soát các thủ tục hành chính theo hướng cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính không cần thiết. Đồng thời có chính sách tạo động lực mạnh hơn cho các , các DN BĐS tham gia triển khai dự án NƠXH, và định hướng rõ ràng hơn nữa để NƠXH đến đúng tay người cần.

"Để giải quyết bài toán nhà ở cho người dân, đảm bảo an sinh xã hội… Nhà nước cần có cơ chế ủng hộ để DN nhiệt tình tham gia. Vì chỉ khi nút thắt chính sách được tháo gỡ, cơ chế được khơi thông, thì DN mới tự tin để thực hiện. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương cũng phải thúc đẩy nhanh thủ tục, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung của người dân, DN..." Tiến sĩ Sử Ngọc Khương